Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Nhiều hộ nuôi tôm ở huyện Tam Nông, Đồng Tháp đã áp dụng mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa bằng chế phẩm sinh học mang lại hiệu quả kinh tế cao, giảm được chi phí đầu tư và ô nhiễm môi trường nước, tôm đạt chất lượng, giá bán ổn định, sức cạnh tranh cao so với cách nuôi truyền thống.

Năm 2010, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản & thủy sản phối hợp với Phòng Nông Nghiệp & Phát triển Nông thôn, Trạm Thủy sản huyện Tam Nông triển khai “Mô hình nuôi tôm càng xanh sử dụng chế phẩm sinh học” tại ấp Phú Bình, xã Phú Thành B, huyện Tam Nông với ba hộ nuôi trên tổng diện tích 23ha.

Các hộ nuôi tôm sử dụng chế phẩm sinh học của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Gia Tường, gồm men tiêu hóa FEEDADD NC5.1, chế phẩm vi sinh xử lý nước D.EM, chế phẩm vi sinh xử lý đáy ao và giảm tảo AS3 giúp tiêu hóa tốt thức ăn, phân hủy chất hữu cơ chất thải của tôm, chuyển hóa các khí độc trong ao xuống mức thấp nhất (chủ yếu là NO2, NH3, H2S...), cải thiện màu nước, ổn định độ pH và cân bằng hệ sinh thái trong ao, tăng sức đề kháng cho tôm...

Các ngành hữu quan đã tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sử dụng chế phẩm, giám sát quản lý và hỗ trợ 100% chế phẩm sinh học cho các hộ nuôi.

Trong quá trình nuôi được thí nghiệm trên các ao đối chứng và ao có sử dụng chế phẩm sinh học độ pH cùng hàm lượng khí độc NH3 nằm trong giới hạn cho phép, hàm lượng ôxy hòa tan thích hợp tạo điều kiện thuận lợi cho tôm khỏe, tăng trọng nhanh.

Với những kết quả khả quan mang lại từ mô hình, các hộ nuôi đều khẳng định việc sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm càng xanh tạo được nhiều thuận lợi, môi trường nước ổn định, tỷ lệ tôm sống cao, ít bệnh và phát triển tốt. Ngoài việc cải thiện về môi trường nước đảm bảo cho tôm phát triển, năng suất và lợi nhuận từ mô hình đã tạo sự phấn khởi cho người nuôi.

Theo ông Lê Thành Công, một trong các hộ nuôi tôm theo mô hình đạt lợi nhuận 79 triệu đồng/ha (ao đối chứng chỉ đạt 56 triệu đồng/ha), mô hình cho thấy nhiều tính ưu việt trong quá trình nuôi, môi trường nước được cải thiện, tôm phát triển tốt, chất lượng đạt yêu cầu. Tuy nhiên, mọi người cần chú ý đến công tác chọn lọc con giống, nên thả đúng thời vụ và quan sát tốt ao nuôi.

Huyện Tam Nông đang thực hiện kế hoạch phát triển nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa lên khoảng 1.000ha. Hiện tại, người dân rất phấn khởi do mô hình đảm bảo năng suất và lợi nhuận khá cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước, tôm phát triển tốt. Huyện đã tuyên truyền, nhân rộng mô hình đến với các hộ nuôi, giúp người dân sản xuất theo hướng bền vững, đảm bảo chăn nuôi khoa học trong thời gian tới./.

 
Nguyễn Văn Thi (TTXVN/Vietnam+)