Những năm gần đây, các mô hình nuôi thủy sản trên biển đang được các cấp chính quyền của những địa phương có tiềm năng kinh tế biển khuyến khích ngư dân địa phương và kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư.

Nuôi thủy sản trên biển không chỉ là một xu hướng của một cách làm ăn mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà cách làm này được xem là phương thức khai thác bền vững tiềm năng kinh tế biển. Trong những năm qua, hiệu quả kinh tế mang lại từ những mô hình này đang góp phần làm thay đổi diện mạo của nhiều địa phương có tiềm năng biển ở Kiên Giang.

Đánh bắt thủy sản là ngành nghề mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình ông Đinh Văn Lóc, một trong những ngư dân trên 40 năm sống ở xã đảo Hòn Nghệ. Đầu tư chưa đúng mức, ngư trường ngày một cạn kiệt, giá nhiên liệu luôn không ổn định cùng với biến động của thị trường là những nguyên nhân khiến cho nhiều ngư dân như ông Lóc rơi vào cảnh nghèo khó.

Từ việc thực hiện các chương trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh, trong vài năm trở lại đây nhờ vào sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật sản xuất và nuôi trồng thủy sản trên biển từ phía Nhà nước đã giúp cho nhiều ngư dân đầu tư nuôi thủy sản trên biển đạt hiệu quả kinh tế cao. Kỹ sư Nguyễn Xuân Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Kiên Giang cho biết: Hiện nay nghề nuôi thuỷ sản trên biển bằng lồng bè rất phổ biến ở các địa phương vùng hải đảo. Hơn 200 bè trong tỉnh đang đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Nhờ nuôi cá bằng lồng bè trên biển mà nhiều ngư dân đã khá lên. Ông Đinh Văn Lóc hiện đang nuôi một bè cá bóng mú với số lượng 12 ngàn con. Ông cho biết: “Thấy làm ăn được bằng cách làm này tôi đã quyết định không đầu tư vào việc đánh bắt nữa. Toàn bộ vốn liếng của gia đình đều tập trung vào việc nuôi cá lồng bè”. Hiện tại bè cá của ông được 6 tháng tuổi, khoảng 3 tháng nữa là có thể thu hoạch được. Thông thường loại cá này khi đạt trọng lượng từ 800gr đến 1kg là có giá nhất. Giá của của 1 kg cá bóng mú loại này bán tại bè hiện nay từ 80 ngàn - trên 100 ngàn đồng.

Tại 2 xã đảo thuộc huyện Kiên Lương là Sơn Hải và Hòn Nghệ, trong những năm gần đây, nuôi sò lông, vòm xanh và nuôi cá lồng bè là những hình thức nuôi thủy sản trên biển phổ biến. Nghề mới, nhưng đã trở thành ngành nghề mũi nhọn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi đây. Sự chuyển dịch đúng hướng này đang góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng khai thác bền vững tiềm năng kinh tế biển, giải quyết việc làm ổn định, nâng cao đời sống của dân và góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương ở những vùng hải đảo.

Thanh Vũ (Theo www.ficen.org.vn)