Đã có công trình công bố ở biển Việt Nam xác định được là 2036 loài cá (Nguyễn Nhật Thi, Trần Định 1999). Con số này chắc chắn sẽ được bổ sung nhiều trong những năm sắp tới, đặc biệt khi có điều kiện nghiên cứu ở các vùng nước xa bờ. Có khoảng 130 loài cá có ý nghĩa kinh tế. Số loài cá đáy và gần đáy (70,1%) chiếm ưu thế so với cá nổi (29,9%). Số loài mang tính chất sinh thái gần bờ (67,8%), nhiều hơn so với số loài mang tính chất đại dương (32,2%). Về thành phần và nguồn gốc khu hệ cá biển Việt Nam rất gần với các vùng lân cận có nguồn gốc xuất phát từ quần đảo Malaixia, đây là khu vực giàu loài nhất của biển thế giới.
Sự phân bố và di cư:
Chế độ gió mùa tạo nên sự thay đổi cơ bản điều kiện hải dương sinh học, làm cho sự phân bố cá mang tính chất mùa vụ rõ ràng.
Ở vịnh Bắc Bộ, thời kỳ gió mùa đông bắc từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, cá tập trung ở vùng nước sâu giữa vịnh. Bắt đầu gió mùa tây nam từ tháng 4 đến tháng 7, cá di cư vào vùng nước nông ven bờ để đẻ trứng. Thời kỳ này các loài cá nổi tập trung nhiều nhất ở vùng gần bờ, sau đó giảm đi. Sản lượng cá đáy ở vùng gần bờ cao nhất vào tháng 9 – 11.
Vùng biển miền Trung từ Đà Nẵng đến Mũi Dinh có đặc điểm là địa hình đáy dốc. Khu vực nước nông dưới 50m rất hẹp, lưu lượng nước sông nhỏ nên chịu ảnh hưởng trực tiếp của nước ngoài khơi, vì vậy sự phân bố thể hiện tính chất mùa vụ rõ rệt hơn. Ở vùng gần bờ, cá thường tập trung từ tháng 3 đến tháng 9, chủ yếu là các loài cá nổi di cư vào bờ đẻ trứng. Trong thành phần loài của chúng có các loài cá đại dương như cá thu, cá ngừ, cá chuồn…mật độ phân bố của cá đáy ở đây không thay đổi nhiều theo mùa. Vùng nước nông ven bờ từ Quy Nhơn đến Nha Trang có mật độ cá đáy tập trung luôn cao.
Vùng biển Nam Bộ, từ 11o30N nơi bờ biển chuyển hường bắc nam sang đông nam. Thời kỳ gió mùa đông bắc cá nổi tập trung ở vùng gần bờ nhiều hơn thời kỳ gió mùa tây nam. Các khu vực tập trung chính ở Vũng Tàu – Phan Thiết, quần đảo Côn Sơn. Thời kỳ gió mùa tây nam, cá phân tán, mật độ cá trong toàn vùng giảm, không có những khu tập trung lớn và có xu hướng ra bờ hơn. Ở các khu vực đẻ trứng gần bờ, số lượng đàn cá tăng lên, có nhiều đàn lớn, có lúc di chuyển nổi lên tầng mặt. Sản lượng cá đáy vùng gần bờ phía tây Nam Bộ thuộc vịnh Thái Lan nhìn chung cao hơn vùng biển phía đông Nam Bộ. Ở bờ đông, sản lượng đánh được vào thời kỳ gió mùa đông bắc cao hơn thời kỳ gió mùa tây nam, còn ở bờ tây ngược lại.
Tập tính đàn:
Căn cứ kết quả nghiên cứu tập tính đàn cá bằng máy dò thuỷ âm qua các tháng trong năm trên hệ thống đường dò cố định, đã cho phép tìm hiểu một cách hệ thống tập tính đàn cá biển Việt Nam. Kết quả đã phân loại 7 dạng cá tập trung là: phân bố rải rác, đàn nhỏ, đàn vừa, đàn lớn, lớp cá tầng trên, lớp cá tầng đáy và đàn cá sát đáy. Tỷ lệ đàn cá nhỏ có kích thước dưói 5 x 20m chiếm phần chủ yếu là 84,2%, các đàn cá vừa (10 x 10m) chiếm 15%, các đàn lớn (20 x 500m) chiếm 0,7% và các đàn cá rất lớn (trên 20 x500m) chỉ chiếm có 0,1% tổng số đàn cá. Ở vùng biển miền Trung và miền Nam Việt Nam (từ 17o00’ đến 7o00N) hầu như trong tất cả thời gian của một năm khu vực có độ sâu đến 50m là nơi có nhiều đàn cá nhất. Ở đâyỚos trung bình của cả năm là 73,2% tổng số đàn cá ghi được bằng máy dò đứng, khu vực 51 – 100 m là 23,6%, khu vực có độ sâu lớn hơn chỉ có 3,3%.
Nhìn chung, ở vùng biển gần bờ Việt Nam nhiều khu tập trung cá có ý nghĩa khai thác trong thời gian của cả hai mùa gió chủ yếu ở nơi có độ sâu không quá 50m, vì vậy khu vực này có ý nghĩa rất quan trọng đối với nghề khai thác cá.
Nhiều loài cá nổi có hiện tượng di cư xa, phần lớn các loài cá kinh tế ở Việt Nam đều có hiện tượng di cư theo hướng từ bờ ra khơi hoặc ngược lại để tìm đến các khu vực thích hợp khi điều kiện môi trường biển thay đổi do hiện tượng gió mùa gây nân. Trong thời kỳ gió mùa đông bắc, nhiều loài cá nổi và cá đáy có hiện tượng tập trung với mật độ cao hoặc rất cao.
Ở nhiều vùng biển diễn ra hiện tượng cá di cư thẳng đứng ngày đêm. Ban ngày cá tập trung thành đàn với mật độ cao ở sát đáy, khi trời bắt đầu tối vào khoảng 18 giờ cá bắt đầu nổi lên thành lớp ở tầng đáy. Vào khoảng 6 giờ sáng cá di cư xuống sát đáy như cá mối.
Các loài cá nổi đại dương như cá thu (Scombidae), cá ngừ (Thunnidae), cá chuồn (Exocetidae)… có hiện tượng di cư xa dọc bờ biển theo hướng nam - bắc khi nhiệt độ nước ở phía bắc tăng lên.
Tuổi và độ sinh trưởng:
Phần lớn các loài cá kinh tế có đời sống ngắn, do tỷ lệ chết tự nhiên rất cao. Tuổi cao nhất của cá thường là 5 – 6 tuổi. Tốc độ sinh trưởng trong năm thứ nhất cao, các năm sau giảm dần. Đàn cá khai thác thường là 1 – 4 tuổi.
Sinh sản:
Nhiều loài kinh tế có tuổi phát dục sớm, ca một năm đã bắt đầu sinh sản, phần lớn loài cá đẻ nhiều lần trong năm. Mùa đẻ kéo dài, đa số các loài cá đẻ vào thời kỳ gió mùa tây nam trùng với mùa mưa, nhiệt độ nước biển cao, độ mặn thấp, sinh vật nổi, đặc biệt là thực vật nổi là thức ăn cho cá con ở các giai đoạn đầu phát triển mạnh.
Bãi đẻ chính là vùng ven biển, đặc biệt ở gần cửa sông lớn. Khu vực biển miền Trung có độ sâu lớn, độ mặn cao là bãi đẻ của một số loài cá nổi đại dương. Ở vùng ven bờ Việt Nam thuộc vịnh Thái Lan, sự thay đổi các điều kiện thuỷ hoạc theo mùa không rõ, nhưng đã quan sát thấy trong thời kỳ gió mùa tây nam, tức là vào mùa mưa, đây là mùa đẻ trứng của phần lớn các loài cá.
Bùi Đình Chung, Chu Tiến Vĩnh, Nguyễn Hữu Đức
Trích bài: "Nguồn lợi cá biển - cơ sở phát triển của nghề cá biển Việt Nam" trong Tuyển tập các công trình nghiên cứu Nghề cá biển (Tập II - 2001)