Ngày 30/10/2012, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên Môi trường đã tổ chức lễ công bố Báo cáo Quốc gia về Đa dạng sinh học năm 2011 của Việt Nam. Đây là kết quả đánh giá 5 năm bảo tồn đa dạng sinh học và 3 năm thực thi Luật đa dạng sinh học 2008. Báo cáo quốc gia về đa dạng sinh học năm 2011 là một phần của Báo cáo Môi trường quốc gia, là bản báo cáo lần thứ hai sau bản báo cáo được xây dựng năm 2005. 


Báo cáo đã khái quát được bức tranh toàn cảnh về đa dạng sinh học của Việt Nam ở 3 cấp độ: hệ sinh thái, loài và nguồn gen, đồng thời đánh giá tổng thể kết quả đạt được trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học trong 5 năm qua.

Báo cáo đã phản ánh những thành tựu đã đạt được trong bảo vệ đa dạng sinh học như độ che phủ của rừng liên tục tăng; hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên được mở rộng; bước đầu phát triển các hình thức bảo tồn chuyển chỗ…

Bên cạnh đó, Báo cáo cũng đề cập đến những thách thức đối với đa dạng sinh học như sự gia tăng các hệ sinh thái tự nhiên bị tác động và số lượng loài nguy cấp, quý, hiếm bị đe dọa…

Nguyên nhân gây suy giảm đa dạng sinh học đã được Báo cáo xác định là sự khai thác trái phép và quá mức tài nguyên sinh vật, bao gồm khai thác gỗ trái phép, săn bắn và buôn bán trái phép động vật hoang dã, đánh bắt thủy sản bằng phương pháp không bền vững, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và mặt nước thiếu cơ sở khoa học; sự di nhập các giống mới và các loài sinh vật ngoại lai; ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

Những xu hướng biến động của đa dạng sinh học cũng được báo cáo liệt kê, bao gồm: sự gia tăng diện tích rừng trồng; hệ sinh thái với các nơi sinh cư vẫn bị tác động; số lượng cá thể các loài quý, hiếm nguy cấp giảm; sự phú dưỡng các thủy vực gia tăng; năng suất đánh bắt hải sản trên cường lực khai thác giảm liên tục.

Về định hướng công tác bảo tồn đa dạng sinh học trong 5 năm tới, Báo cáo khẳng định sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật thực thi Luật Đa dạng sinh học 2008; xây dựng và triển khai Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến 2020 định hướng đến năm 2030; thực hiện Công ước Đa dạng sinh học và Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học; xây dựng và triển khai quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước; củng cố và phát triển các cơ quan quản lý nhà nước về bảo tồn đa dạng sinh học; xã hội hóa công tác bảo tồn đa dạng sinh học; xây dựng cơ chế tài chính cho các hoạt động bảo tồn; lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học vào mục tiêu bảo vệ môi trường; xây dựng và thống nhất quản lý cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học.Báo cáo quốc gia về đa dạng sinh học năm 2011 được xây dựng trên cơ sở các thông tin, tư liệu cung cấp từ các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức nghiên cứu khoa học. Đây là cuốn cẩm nang hỗ trợ các cơ quan quản lý trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch, chương trình bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời là tài liệu tham khảo phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo và phục vụ cộng đồng.

 Nguồn:Thiennhien.net, 31.10.2012