Các rạn san hô tuyệt vời của thế giới, "rừng nhiệt đới dưới biển" đang có nguy cơ biến mất do các hoạt động của con người cùng sự ấm hoá toàn cầu.

Rừng nhiệt đới dưới biển

Các rạn san hô được tìm thấy tại hơn 100 quốc gia và bao phủ chừng 285.400km2 trên toàn thế giới. Chúng là hệ sinh thái đa dạng nhất của đại dương, với đối thủ duy nhất chỉ có thể là rừng mua nhiệt đới trên cạn. 25% tổng số các loài động vật biển, gồm hàng nghìn loài cá tuyệt vời, động vật thân mềm, nhím biển, v.v... đang sống trong đó. Trên thực tế, bản thân san hô cũng là các động vật biển. Có gần một nghìn loài san hô hiện tồn tại dưới nhiều hình thù dị thường: từ hình nấm, gạc nai sừng tấm, cải bắp, mặt bàn, sợi dây, não cho tới hình trụ có rãnh. Một số san hô trông giống cây, có thể cao tới 10m và có tuổi thọ gần 2.000 năm.

Với đa phần nhân loại đang sống ở các vùng ven biển, nhiều người phụ thuộc vào các dải san hô ngầm để kiếm thức ăn, thu nhập từ dịch vụ du lịch, nghiên cứu y học. Dải đá ngầm san hô còn có tác dụng chống xói mòn bờ biển cũng như các con sóng cồn trong giông bão. Theo Quỹ quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên hoang dã (WWF), san hô đóng góp khỏang 25% tổng lượng cá đánh bắt tại các nước đang phát triển, cung cấp thực phẩm cho một tỷ người ở châu Á. Khu vực bình yên hơn đằng sau một dải đá ngầm là các dải rong biển và rừng đước - cái nôi quan trọng của bọn sơ sinh của nhiều loài cá và động vật có vỏ.

Từ lâu, các nhà khoa học đã biết tới san hô, bọt biển tồn tại ở các vùng biển nông, nhiệt đới, rồi phát hiện san hô biển sâu vào những năm 1800. Tuy nhiên, mãi cho tới gần đây họ mới biết các dải đá ngầm san hô và bọt biển phổ biến ở các vùng biển sâu và lạnh. Nhiều dải tập trung dọc các thềm lục địa ở Nhật Bản, Tasmania, New Zealand, Alaska, British Columbia, California, Nova Scotia, Maine, Bắc Carolina, Florida, Colombia, Brazil. Na Uy, Thuỵ Điển, Anh, Ailen và Mauritania.

Nguy cơ từ hoạt động đánh cá

Do hoạt động đánh bắt cá quá mức, lượng cá tại các dải đá ngầm san hô đã bị giảm mạnh ở một số khu vực trên thế giới. Điều này đã làm cho hệ sinh thái san hô mất cân bằng, tạo điều kiện cho các sinh vật khác như tảo biển phát triển. Kết quả là tảo biển, đã từng được cá kiểm soát, trở nên lấn át trên các dải đá ngầm tại nhiều khu vực.

 
San hô rất nhạy cảm với hoạt động đánh bắt cá.

Do sản lượng đánh bắt giảm, ngư dân buộc phải thay đổi phương pháp để bắt đủ cá nhằm đáp ứng nhu cầu của họ. Trong một số khu vực, các bẫy cá có đường kính mắt lưới nhỏ hơn giúp ngư dân bắt cả những con cá chưa trưởng thành. Tại nhiều khu vực khác, việc sử dụng thuốc nổ và chất độc trở nên phổ biến. Những biện pháp này không chỉ huỷ diệt mọi loài cá tại khu vực bị ảnh hưởng mà còn gây hại nghiêm trọng đối với san hô.

Vào tháng 2/2004, hơn 1.100 nhà hải dương học đã ký vào một tuyên bố kêu gọi Liên Hiệp Quốc và các chính phủ trên thế giới ngăn chặn tình trạng huỷ hoại san hô ở biển sâu. Họ muốn có một lệnh cấm toàn cấu đối với việc sử dụng lưới rà sục sạo san hô và hải miên ở đáy biển để tìm kiếm những loài cá có giá trị kinh tế cao. Tiến sĩ Elliot Norse, giám đốc Viện Sinh học Bảo vệ Biển của Mỹ, đã ví lưới rà giống như việc đánh bắt cá bằng... xe ủi. Lợi thế duy nhất của lưới rà là giúp bắt cá dễ dàng song lại phá huỷ mọi thứ trên đường đi của chúng. Ở độ sâu 1-2km, tốc độ tăng trưởng của mọi sinh vật đã vì vậy mà chậm lại đáng kể, và cả dải san hô cũng có ít cơ hội để tự phục hồi.

Cho tới nay, các dải đá ngầm san hô được cho là mau phục hồi trước những tác động của các ngư dân sử dụng phương pháp đánh cá truyền thống như xiên, móc và dây câu. Chỉ có hoạt động đánh cá quy mô lớn hơn mới đe doạ tới chúng. Tuy nhiên, một nhóm các nhà khoa học Anh do Tiến sĩ Nick Polunin thuộc ĐH Newcastle cho biết đánh cá nhỏ lẻ cũng có tác động tới dải đá ngầm san hô gần quần đảo Fiji ở Thái Bình dương.

Sau khi nghiên cứu các dải đá ngầm gần 13 đảo ở Fiji trong hai năm để theo dõi số lượng sao biển ăn san hô, kết quả được công bố vào đầu tháng 5/2004 cho thấy: Việc đánh bắt các động vật săn sao biển ở cường độ thấp làm cho số lượng loài này tăng lên và huỷ hoại san hô. Ở một khu vực ngư dân đánh bắt nhiều cá, nhóm nghiên cứu phát hiện khi động vật săn sao biển giảm gần 60%, lượng sao biển tăng mạnh từ mười con lên hàng trăm nghìn con trên một km2. Cùng lúc đó, diện tích san hô giảm 30%. Trong vài chục năm gần đây, số lượng sao biển cũng đang tăng nhanh tại dải đá ngầm san hô lớn nhất thế giới Great Barrier của Australia. Nghiên cứu trên cho thấy các hệ sinh thái đá ngầm san hô rất mong manh và hoạt động đánh cá quy mô nhỏ cũng gây ra tác động lớn.

Ấm hoá toàn cầu và hiện tượng "tẩy trắng"

Khi dân số loài người tăng và các hoạt động kinh tế - xã hội phát triển theo, lượng nước thải đổ ra biển cũng tăng lên. Nước thải có thể mang theo lượng lớn trầm tích từ các khu vực đất đai bị phát quang, chất dinh dưỡng từ các khu vực nông nghiệp, chất ô nhiễm như các sản phẩm xăng dầu và thuốc trừ sâu. Tất cả những chất thải này làm tăng độ đục của nước biển, giảm lượng ánh sáng tới được chỗ san hô, do đó gây ra nạn tẩy trắng san hô.

 
Hiện tượng tẩy trắng san hô.

Tẩy trắng san hô là hiện tượng phá vỡ mối quan hệ cộng sinh giữa san hô và tảo đơn bào (zooxanthellae). Tảo đơn bào sông trong các mô của san hô, cung cấp cho chúng thức ăn để tăng trưởng và duy trì màu sắc khoẻ mạnh bình thường. Tẩy trắng san hô làm mất dần màu sắc san hô khi zooxanthellae bị đẩy khỏi mô san hô, để lộ bộ xương trắng.

Dải đá ngầm san hô lớn Great Barrier của Australia là một trong những kỳ quan thiên nhiên của thế giới, gồm hơn 3.000 dải đá ngầm riêng lẻ và bao phủ một diện tích gần 300.000km2 ngoài khơi bờ biển phía Đông Australia. Great Barrier đã trải qua hai đợt tẩy trắng hàng loạt trong sáu năm qua: mùa hè năm 1998 và 2002. Đợt tẩy trắng năm 2002 ảnh hưởng tới 60-95% san hô ở Công viên Biển này và cũng là đợt tẩy trắng tồi tệ nhất.

Các điều kiện môi trường căng thẳng như nhiệt độ nước biển cao cũng gây ra nạn tẩy trắng san hô. Mối liên hệ này đã dẫn tới gợi ý rằng các dải đá ngầm san hô đang bị căng thẳng do hiện tượng ấm hoá toàn cầu (ấm hoá toàn cầu do các loại khí nhà kính gây ra). San hô có thể chịu được nhiệt độ từ 25-29 độ C, phụ thuộc vào địa điểm. Các thí nghiệm cho thấy san hô bắt đầu tẩy trắng khi nước biển đạt tới nhiệt độ 32 độ C.

Tháng 2/2004, Trung tâm Nghiên cứu Hải dương học của trường Đại học Queensland (Australia) đã cảnh báo sự gia tăng nhiệt độ nước biển ở Thái Bình dương sẽ huỷ hoại phần lớn san hô tại Great Barrier vào năm 2050. Thái Bình dương đang ấm lên quá nhanh để dải đá ngầm san hô này có thể tồn tại. Các nghiên cứu cho thấy nước biển gia tăng 1,8 độ F liên quan trực tiếp tới nạn tẩy trắng và chết của san hô. Các nhà phân tích cũng dự báo nhiệt độ nước biển sẽ tăng thêm 3,6-10,8 độ F trong thế kỷ này. Có ít bằng chứng cho thấy san hô có thể thích ứng đủ nhanh để chịu được sự gia tăng nhiệt độ đó.

Chính phủ của Thủ tướng Úc John Howard đã nỗ lực bảo vệ dải đá ngầm này bằng cách tăng diện tích các vùng được bảo vệ cao từ 4,5% lên 33% tổng diện tích Great Barrier. Trong những vùng này, hoạt động đánh cá bị cấm và chỉ có du lịch mà thôi. Tuy nhiên, cùng với Nga và Mỹ, Australia đã từ chối ký Nghị định thư Kyoto về ngăn chặn nạn ấm hóa toàn cầu! Trong khi đó, báo cáo của ĐH Queensland khuyến cáo rằng dải đá ngầm bị huỷ hoại sẽ làm cho nền kinh tế Australia tổn thất 6,3 tỷ USD và mất đi 12.000 việc làm vào năm 2020.

Khai thác và vận tải cũng hủy diệt san hô

 

San hô cũng là vật trang trí được con người ưa thích. Thường khi đi nghỉ tại các vùng biển nhiệt đới có những rạn san hô đẹp, một số người muốn mua một số đồ lưu niệm bằng san hô mang về nhà. Để thoả mãn nhu cầu của du khách, dân địa phương đã khai thác san hô với quy mô thương mại và chọn san hô sao cho có thể kiếm được nhiều tiền nhất. Tình hình này cũng diễn ra ở Việt Nam.

Các vụ tràn dầu, rò rỉ dầu vào nước biển, mỏ neo của tàu thuyền cũng như việc các con tàu đi biển cỡ lớn bị mắc cạn cũng tàn phá một phần lớn các dải đá ngầm san hô. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng sơn được phủ lên đáy nhiều con tàu cũng đóng góp vào quá trình hình thành độc tố thiếc Tributyl, cùng các hoá chất khác có hại cho san hô.

Ngày 26/3/2004, tàu chở dầu và bauxite Eastwind, quốc tịch Hy Lạp, đã huỷ hoại hàng nghìn mét vuông của một dải đá ngầm san hô ngoài khơi Fort Lauderdale, Florida (Mỹ). Đây là vụ mắc cạn mới nhất trong một loạt các vụ mắc cạn tàn phá các dải đá ngầm ở phía Bắc cảng Everglades. Kể từ năm 1998, đã có ít nhất năm tàu chở hàng mắc cạn trên các dải đá ngầm nơi đây. Theo các chuyên gia, các hệ sinh thái nhạy cảm này có thể phải mất hàng thập kỷ mới có thể phục hồi. Walt Jaap, thuộc Viện Nghiên cứu Hải dương Florida cho biết khu vực này có thể sẽ phải đối mặt với thảm hoạ tràn dầu hoặc các hoá chất độc hại. Ông nói: ''Chúng tôi cảm thấy cần phải làm một điều gì đó. Có quá nhiều sự cố xảy ra ở đó và chúng đang huỷ hoại san hô''.

  • Minh Sơn, VietNamNet ( 05/05/2004 )