Sau một thời gian tiến hành nghiên cứu, khảo sát, thí nghiệm, tập thể cán bộ Viện Hải dương học Nha Trang đã thành công trong việc nhận dạng một số loài hải sản độc tại các vùng biển Việt Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng. Tại phòng trưng bày mẫu vật của Bảo tàng Viện Hải dương học Nha Trang (số 1 Trần Phú, Cầu Đá) có giới thiệu đầy đủ các đặc điểm nhận dạng và hình ảnh các động vật này, bao gồm cá nóc độc, đẻn (rắn biển), cua độc và các loài hải sản độc khác như ốc, bạch tuộc xanh, so v.v...

CÁ ĐỘC

Từ lâu chúng ta đã biết nhiều loại cá độc ở biển như cá nóc, cá mặt ngựa, cá hồng chấm bạc, cá mặt quỷ, cá đuối... Trong đó, độc nhất là cá nóc. Độc tố chứa trong cá nóc thuộc dạng "Tetradotoxin", đã từng gây ra nhiều vụ ngộ chết người. Trong số 66 loài cá nóc phát hiện tại Việt Nam, có 21 loài không có độc tố. Song, loài nào có độc tố và loài nào không có độc tố, đó là một câu hỏi khó. Mặt khác, ngoài một số loại cá nóc có hình dạng đặc trưng, dễ nhận biết, một số loại cá nóc khác không mấy khác biệt với các loài cá khác. Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học của Viện Hải dương học đã phác thảo "chân dung" 22 loài cá nóc độc, gồm các loại: Cá nóc vằn, Cá nóc chấm cam, Cá nóc vằn mặt, Cá nóc sao, Cá nóc dẹt valăng, Cá nóc răng rùa, Cá nóc nhím sáu vằn, Cá nóc nhím 3 văn, Cá nóc nhím chín vằn đen. Cá nóc nhím chấm đen, Cá nóc răng mỏ chim, Cá nóc tro, Cá nóc đầu thỏ chấm tròn, Cá nóc đầu thỏ vằn vện, Cá nóc chuột vân bụng, Cá nóc chuột vằn mang, Cá nóc chuột chấm son, Cá nóc chuột chấm sao, Cá nóc chóp, Cá nóc hòm dô trán, Cá nóc sừng đuôi dài.

CÁC LOÀI CUA ĐỘC

Cua là một loài hải sản quý, rất được ưa chuộng vì thịt cua rất ngon và bổ. Tuy vậy, có một số loài cua rất độc. Độc tố trong cua có dạng "Saxitonin" nằm trong thịt và trứng, nhiều nhất là trong thịt càng và chân cua. Một người ăn chỉ 0,5g thịt càng cua loại này là có thể ngộ độc dẫn đến tử vong. Viện Hải dương học đưa ra các nhận dạng của một số loài cua độc sau:

Cua mặt quỷ

Loài cua này phần vỏ ngực rộng nhất khoảng gần 90mm, dài khoảng 55mm, có nhiều u lồi dẹt. Cua sống có màu xanh da trời pha xanh lá cây với những nốt màu trắng, nâu và vàng. Ngón các chân kìm có màu nâu đen. Cua mặt quỷ có ở các tỉnh ven biển miền Trung từ Đà Nẵng đến Vũng Tàu, thường gặp ở các rạn cạn, vùng triều thấp.

Cua hạt

Vỏ đầu ngực có dạng nửa vòng tròn, dài nhất khoảng 30mm, rộng nhất khoảng 40mm, được phủ kín bởi các u lồi dạng hạt. Cua sống có màu xanh lá cây đậm hơi vàng, đôi khi màu nâu vàng hoặc hơi đỏ tía. Đốt ngón các chân kìm có màu đen. Loại cua hạt được tìm thấy trên rạn san hô sống, ở độ sâu khoảng 3m, tại Hòn Tầm (Nha Trang).

Cua Phơ-lo-ri-đa

Vỏ đầu ngực gần giống hình elip ngang, dài nhất khoảng 35mm, rộng nhất khoảng 50mm. Mặt lưng của vỏ đầu ngực lồi, láng, khó xác định các vùng. Cua sống có màu xanh da trời nhạt hơi lục, với những vết loang màu đó tía sậm hơi nâu hoặc hơi xanh lá cây trên mặt lưng vỏ đầu ngực. Các ngón chân kìm màu nâu sậm.

Cua phơ-lo-ri-đa sống ở Bãi Dông (Mũi Chụt - Nha Trang), được tìm thấy trên rạn san hô chết, ở mức triều thấp.

CÁC LOÀI RẮN BIỂN (ĐẺN)

Chất độc của đẻn thuộc dạng "Neurotoxin". Độ độc gấp hàng chục lần rắn độc trên cạn. Một liều làm chết người vào khoảng 4 - 5mg. Độc tố nằm ở túi chứa của răng nanh.

Viện Hải Dương học Nha Trang đã đưa ra cách nhận diện 11 loại rắn biển, gồm: Đẻn Lamberti có màu vàng; Đẻn đuôi sọc, trên thân có 62 sọc trắng; Đẻn Melanocephalus, toàn thân màu vàng và những sọc trắng; Đẻn lục, lưng có màu xanh đen, bụng màu trắng; Đẻn khoanh đầu vàng, từ cổ đến đuôi có những khoang vàng trắng, đen, đan xen nhau và là loài rắn biển có kích thước dài nhất; Đẻn cạp nong, toàn thân có những khoang trắng đen đan xen nhau như rắn cạp nong; Đẻn gai, toàn thân có màu vàng đen, vẩy ở bụng có nhiều gai; Đẻn khoanh đuôi đen, trên thân có những khoang vòng nâu đen, đuôi màu đen, thân mảnh và dẹt; Đẻn Acaliptophis, vảy toàn thân màu đen - vàng, phân bố không đồng đều; Đẻn mõm nhọn, toàn thân có màu hơi vàng, mõm nhọn; Rắn rầm ri hạt, vảy trên đầu và thân có dạng hạt, thân màu nâu đen với nhiều vòng trắng xen kẽ.

ỐC ĐỘC

Ốc là món ăn được nhiều người ưa thích. Song có một số loài ốc khá độc. Chất độc của ốc thuộc dạng "conotoxin", làm tê liệt cơ thể, ức chế hô hấp dẫn đến tử vong. ít nhất đã có 5 người bị chết vì các loài ốc này. ở Việt Nam, loại ốc này sống ở ven biển phía Nam từ Đà Nẵng đến Vũng Tàu và các đảo. Cần chú ý các đặc điểm sau để nhận dạng:

Ốc cối địa lý

Vỏ có dạng hình trứng dài, có thể dài hơn 150mm. Vỏ mỏng, nhẹ, dễ vỡ. Chóp xoắn thấp, có ngấn và viền ngoài tạo thành hình răng cưa. Vỏ có màu trắng hơi xanh chuyển sang hơi tím. Hoa vân của vỏ hình mạng lưới màu nâu và hai hàng vệt lớn màu nâu.

Ốc cối hoa lưới

Vỏ có dạng hình trứng thuôn, dài tối đa 130mm. Vỏ dày, chắc và nặng. Chóp xoắn có dạng hình nón, vòng xoáy đều và láng. Màu sắc của vỏ thay đổi, thường là trắng hơi xanh. Hoa vân màu nâu hơi vàng có hình mạng lưới không đều, điểm những vệt màu nâu lớn.

Bạch tuộc đốm xanh

Kích thước nhỏ, chiều dài thân tối đa không quá 50mm, có 8 tay, có màu kem đến vàng cam. Trên thân và các tay có những vệt hoa dạng vòng màu xanh óng ánh rất đẹp. Đây là loài cực độc. Chất độc của một con nặng 25g đủ giết chết 10 người. Độc tố thuộc dạng "Tetrodotoxin" có trong tuyến nước bọt. Trong thịt và nội tạng cũng có chứa chất độc. Đã có 4 người, trong đó có 1 người Việt Nam bị tử vong vì bạch tuộc xanh.

Loại này thường có ở vùng biển Côn Đảo, Bình Thuận và Khánh Hòa.

SO

Nhìn bên ngoài, so rất giống với sam nhưng kích thước nhỏ hơn: Dài nhất chỉ khoảng 20 - 25cm (Không kể đuôi). Toàn thân có màu xanh nâu đậm. Đuôi không có gờ mặt lưng (khác với sam). Độc tố nằm trong trứng và thịt. Đã có nhiều trường hợp tử vong do ăn thịt so vì nhầm với con sam. Tại Việt Nam, so sống ở vùng sình lầy ven bờ Vịnh Bắc bộ, miền Trung và Nam bộ.

Theo www.nea.gov.vn/tapchi/toanvan/