KS. Hà Đức Thắng và cộng sự (Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1) nghiên cứu nhân giống thành công một giống trai lấy ngọc quý hiếm có nhiều ưu điểm vượt trội của vùng biển Việt Nam: kích thước lớn, mỗi lần có thể cấy từ 5 đến 10 hạt nhân ngọc và cho xà cừ nhiều màu sắc, trong khi các loại trai khác chỉ cấy từ 1 đến 2 hạt nhân ngọc. Trai cánh đen còn có tên gọi khác là trai ngọc nữ (Pteria penguin), là một trong những loài trai đang được nuôi lấy ngọc khá phổ biến trên thế giới.
Trai cánh đen có kích thước trưởng thành khá lớn, chiều cao vỏ đạt 25 - 30 cm, nặng 1.500 - 2.000 g/con. Tơ chân rất lớn bám chắc vào các vật rắn trong nước biển. Chúng phân bố ở nhiều thủy vực ven biển trong nước, từ Hạ Long đến Thanh Hóa, Nghệ An, nơi có độ mặn khá cao 29 - 30%o, ở độ sâu 5 - 10 m, tương đối xa bờ, ít thấy phân bố ở vùng gần bờ. Hiện nay, số lượng trai cánh đen ngoài tự nhiên không còn nhiều và được đưa vào danh mục các loài cần được bảo vệ. Đây là giống trai có nhiều triển vọng và tiềm năng lớn, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 bắt tay nghiên cứu, đến năm 2006 việc thử nghiệm nhân giống thành công bước đầu tại Trại sản xuất giống Cát Bà - Hải Phòng.
KS. Thắng cho biết, trai cánh đen là loài phân tính rõ rệt, con đực, con cái riêng biệt. Trong mùa sinh sản tuyến sinh dục đực có màu trắng sữa, tuyến sinh dục cái có màu vàng chanh. Khi thành thục tuyến sinh dục phủ kín phần nội tạng từ gốc tơ chân đến giáp cơ khép vỏ. Dưới tác dụng kích thích của các yếu tố môi trường (thay đổi nhiệt độ, độ mặn), trai cái và trai đực phóng trứng và tinh trùng vào nước biển. Trứng nhanh chóng thụ tinh trong nước và phôi bắt đầu phát triển. Sau 24 giờ phôi phát triển thành ấu trùng đỉnh vỏ thẳng, sau 48 giờ ấu trùng bắt đầu sử dụng thức ăn bên ngoài. Sau 8 ngày ấu trùng chuyển sang giai đoạn đỉnh vỏ lồi, ấu trùng xuất hiện chân bám sau 25 ngày.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam sản xuất giống trai ngọc loài Penguin thành công với số lượng khá lớn. Công nghệ sản xuất giống cơ bản dựa trên công nghệ sản xuất giống các loài động vật thân mềm hai mảnh vỏ khác, có cải tiến cho phù hợp với loài này. Hiện Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 đã cho ra đời hàng trăm ngàn con giống.
Theo KHPT, Việt Linh