Là một thành phố công nghiệp nhưng TP.HCM vẫn còn tồn tại khu hệ tảo thuộc hệ Indo - Malay được đánh giá có mức độ đa dạng sinh học cao xếp hàng nhất nhì thế giới. Tiến sĩ sinh thái học Nguyễn Văn Tuyên (Đại học sư phạm TP.HCM) đã nghiên cứu phát hiện khu hệ tảo này có nhiều ứng dụng hữu ích như xử lý nước thải công nghiệp, làm thức ăn trong nuôi trồng thủy sản, thức ăn tăng trọng cho gia súc gia cầm. Đặc biệt có loài tảo làm tăng màu đỏ cho lòng đỏ trứng gà…

NGUỒN TẢO ĐA DỤNG

Toàn Việt Nam có 1.539 loài tảo (Thái Lan có 1.598 loài), trong đó TP.HCM có đến 1.000 loài. Thế giới có 15.000 loài tảo tham gia xử lý nước thải trên tổng số 30.000 loài. Ở TP.HCM có 600 loài xử lý nước thải, việc xử lý nước thải thành phố và nước thải công nghiệp trên thể loại nước ngọt và lợ có kết quả rất thành công, rất rẻ và dễ làm. Việc xử lý bằng tảo không đòi hỏi trang thiết bị hiện đại và các nhà khoa học sẵn sàng triển khai.

Có khoảng 300 loài tảo làm thức ăn trực tiếp cho tôm cá, hàm lượng đạm cao, giàu chất béo, nhất là acid béo không no cần cho quá trình lột xác của tôm, các chất dinh dưỡng dễ thủy phân và đồng hóa. Nguồn lợi tảo không chỉ làm thức ăn tự nhiên cho tôm cá mà còn khống chế các loài tảo độc gây dịch bệnh trong thủy sản. Nguồn tảo tại TP.HCM có hàng trăm loài thuộc nguyên cầu tảo, tảo lam và các ngành tảo khác dùng làm thức ăn tăng trọng cho gia súc, gia cầm, tăng sữa cho bò, đặc biệt là có tác dụng làm tăng màu đỏ cho lòng đỏ trứng gà. Viện trưởng nông nghiệp Budapest (Hungari) đến Việt Nam tìm kiếm và phân lập nhóm tảo này. Nguồn tảo lam ứng dụng để cố định đạm, tăng độ phì cho đất, giúp giảm lượng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác bền vững. Ở TP.HCM và đồng bằng Nam bộ có một số tảo lam có thể chịu được nước nóng và có khả năng hấp thu phóng xạ, giúp xử lý ô nhiễm phóng xạ. Ngoài ra còn có hàng trăm loài tảo chỉ thị giúp đánh giá nhanh trạng thái các thủy vực xử lý nước thải, ao hồ nuôi tôm cá, sông hồ chứa nước sinh hoạt. Tảo có thể chỉ thị cho độ phì, độ bẩn, độ mặn, độ chua phèn; chỉ thị nước cứng, mềm giảm được các chi phí phân tích hóa học. Tuy nhiên, trong tự nhiên cũng tồn tại nhiều loại tảo có hại có thể gây mùi trong nước, tắc nghẽn lọc nước, biến đổi pH không có lợi...

LẬP BẢO TÀNG TỰ NHIÊN BẢO VỆ NGUỒN TẢO

Theo TS. Nguyễn Văn Tuyên, phải giữ được các con sông như hệ thống sông Đồng Nai, Sài Gòn, hồ chứa Trị An , Dầu Tiếng, tránh việc sản xuất nông ngư nghiệp trên mặt nước gây ô nhiễm. Giữ vùng đất tự nhiên “không phân, thuốc”, cần các ao sen bảo vệ các quần xã trung gian. Cần có nhiều hồ được bảo vệ tốt trong nội thành như hồ Đầm Sen, ở công viên Lê Thị Riêng (hồ Kỳ Hòa ô nhiễm và xuống cấp), duy trì thủy vực có cỏ năn... Bên cạnh đó tiến hành công tác bảo tồn hiệu quả. TS. Tuyên đề xuất, để bảo vệ tốt nguồn tảo có lợi ở thành phố, cần tiến hành xây dựng bảo tàng tự nhiên, tập hợp cán bộ ngành tảo nghiên cứu ứng dụng, bảo tồn.

Theo KHPT, Việt Linh