Trên 70% tàu cá ở Việt Nam hiện có công suất nhỏ, chỉ khai thác được gần bờ, khiến sản lượng cá đánh bắt ở khu vực này đang vượt xa khả năng cho phép. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự duy trì và tái tạo nguồn lợi thuỷ sản. Trong khi đó, những lời cảnh báo về nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi, cũng như biện pháp đề ra để đảm bảo khai thác, nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) bền vững đến nay xem ra chưa thực hiện được nhiều.

Trong hai ngày, 29-30/9, Hội nghị quốc gia về Phát triển nghề cá có trách nhiệm, do Bộ Thuỷ sản và Tổ chức Nông lương của LHQ (FAO) cùng tổ chức, là diễn đàn để các đại biểu, chuyên gia trong và ngoài nước phân tích hiện trạng, những yếu tố tác động tới nguồn lợi thuỷ sản Việt Nam hiện nay. Đồng thời, hội nghị cũng là dịp để FAO giới thiệu và giúp đỡ Việt Nam trong việc thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử Nghề cá có trách nhiệm

- 1995: Hơn 170 quốc gia thành viên của FAO đã nhất trí thông quá Bộ Quy tắc ứng xử Nghề cá có trách nhiệm.

- 1999: Hội nghị cấp Bộ trưởng phụ trách nghề cá, do FAO tổ chức tại Roma (Italia), với đại diện của gần 180 thành viên đã nhất trí thông qua Bản tuyên bố cấp bộ trưởng về thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử Nghề cá có trách nhiệm.

- 2/2003: Vụ Nghề cá của FAO đã soạn thảo được 9 tập Các hướng dẫn kỹ thuật của FAO về Nghề cá có trách nhiệm.

- Đến nay, Bộ Thuỷ sản Việt Nam đã xuất bản cuốn Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật của FAO, tập số 4 về Quản lý nghề cá.

Ven biển nước ta sẽ hết cá?

Biển Việt Nam hiện có trên 2.000 loài cá, song, số lượng mỗi loài nhỏ. Trong đó, khoảng 130 loài có giá trị thương mại. Nhìn chung, cá sống phân tán, ít tập trung thành đàn lớn và phân bố theo mùa vụ nên ảnh hưởng lớn tới năng suất khai thác. Các đàn cá sống chủ yếu ở vùng biển có độ sâu từ 20m trở lên. Song, số đàn cá nhỏ chiếm tới 84,2%, đàn vừa 15% và đàn lớn chỉ chiếm khoảng 0,8% trong tổng số.

Theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu Hải sản năm 2002, trữ lượng cá biển Việt Nam vào khoảng 3,1 triệu tấn, khả năng khai thác đạt 1,4 triệu tấn. Trong khi đó, khả năng cho phép khai thác ở vùng nước có độ sâu dưới 50m chỉ là 582.000 tấn. Tuy nhiên, trên thực tế, sản lượng khai thác thực tế đã vượt giới hạn này kể từ năm 1986. Sản lượng khai thác vùng này năm 1998 là 928.300 tấn, vượt mức cho phép tới gần 1,6 lần. Năm 2000, con số này là trên 1,05 triệu tấn, vượt 1,8 lần so với khả năng cho phép. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự duy trì và tái tạo nguồn lợi. Sự giảm sút nguồn lợi sẽ ngày càng tăng, theo đà tăng của sản lượng khai thác.

Ông Purwito Martosubroto, Vụ Nghề cá (FAO), trong một nghiên cứu khác của mình cũng cho biết, tại Việt Nam, nguồn lợi thuỷ sản biển vẫn là thành phần chủ yếu trong nghề khai thác, đóng góp 88% trong sản lượng khai thác năm 2001. Song, đáng tiếc là tại Việt Nam, sản lượng khai thác của một số loài đã bị giảm sút đáng kể, và thuộc nhóm cá tạp không xác định. Số liệu thống kê cho thấy, nhóm cá tạp này lại chiếm khoảng 70% tổng sản lượng khai thác cá biển, ngoài ra là một số loài quan trọng khác, gồm thuỷ sản chân đầu (10%), tôm (1,3%), cá ngừ (1,2%).

Chưa khống chế được số tàu thuyền khai thác

Nguyên nhân của sự khai thác vượt mức sản lượng thuỷ sản gần bờ, TS. Nguyễn Long, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải sản, cho rằng, là do quy mô nghề cá nước ta nhỏ. 72% số lượng tàu thuyền có công suất dưới 45CV và sản lượng khai thác dưới độ sâu 50m chiếm tới trên 82% tổng sản lượng khai thác. Như vậy, hầu hết các tàu đánh cá ở các tỉnh trong vùng đều là tàu công suất nhỏ, chỉ đủ khả năng khai thác ở khu vực gần bờ.

Không những thế, trên thực tế, lực lượng lao động nghề biển cả nước tăng bình quân 22.500 người/năm. Số lao động này thường nghèo, không có điều kiện đầu tư lớn để đánh bắt xa bờ, không biết làm nghề gì khác để kiếm sống. Vì vậy, sức hút nghề cá đối với họ rất lớn, và gần như là duy nhất. Do đó, điều hiển nhiên xảy ra là số lượng lao động bổ sung hàng năm sẽ lại tiếp tục tham gia khai thác ven bờ, bằng các tàu cỡ nhỏ.

Vấn đề đặt ra, theo TS. Nguyễn Long, là cần phải giảm số lượng tàu nhỏ khai thác vùng ven bờ. Song, đây là vấn đề kinh tế - xã hội rất phức tạp, hiện chưa có biện pháp thực hiện cụ thể. Chưa khống chế được số lượng tàu thuyền khai thác, Việt Nam còn không chấm dứt được tình trạng vi phạm pháp lệnh Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thuỷ sản, sử dụng ngư cụ và phương pháp đánh bắt có hại. Do kích thước mắt lưới quá nhỏ, tỷ lệ cá tạp và cá nhỏ chiếm tới 60-80% trong lưới kéo tôm, 40-80% trong lưới kéo cá; 90% trong lưới đáy... Tại tỉnh Minh Hải, qua phân tích thành phần cá tạp đánh bắt được, có tới 70-90% sản lượng tôm là các loại tôm chì, tôm thẻ, tôm sắt chưa trưởng thành. Trọng lượng tôm thẻ chỉ 7-15g/con, tôm chì 2,6-9,6 g/con. Rõ ràng, các ngư cụ mà người dân sử dụng đã tác động không nhỏ tới nguồn lợi tôm, trong khi thu nhập của người dân khai thác nghề này rất thấp.

Ngoài ra, chúng ta chưa quản lý được lượng hải sản cho phép khai thác ở vùng ven và khu vực cấm đánh bắt. Việc phân chia vùng hoạt động theo khoảng cách tới bờ đối với các cỡ tàu công suất khác nhau và đối với các loại nghề vẫn chưa được chú ý. Tìn trạng ô nhiễm môi trường đã xảy ra ở một số địa phương và vùng biển. Sự quản lý cộng đồng đối với nghề cá chưa xuống đến người dân.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Hồng: NTTS, đặc biệt là nuôi tôm sú, thời gian qua phát triển rất mạnh. Tất cả các địa phương, từ miền Nam đến miền Bắc, từ ven biển đến vùng trồng lúa và miền núi. Vì sự phát triển quá nhanh như vậy, trong khi quy hoạch thuỷ lợi chưa đáp ứng được thực tế, do vậy, đã xảy ra tình trạng tôm chết ở một số địa phương. Bây giờ làm sao phải nhanh chóng có quy hoạch thuỷ lợi để phục vụ NTTS. Bộ TS đang cùng với các bộ, ngành khác thực hiện việc quy hoạch này.

Chưa quản lý tốt?

Theo TS. Gary Morgan, cán bộ Tổ chức FAO, để quản lý nghề cá phát triển tốt, hàng năm, Việt Nam cần xấp xỉ 2.020 tỷ đồng. Trong khi đó, con số này ở Việt Nam mới đạt gần 37 tỷ. Việc quản lý cần được thực hiện theo sự phân cấp tập trung, tuy tốn kém nhưng mang lại một hệ thống quản lý tốt. Điều này có nghĩa là, Chính phủ lập ra một hệ thống văn bản, chính sách phù hợp để cơ quan các cấp triển khai

Thứ trưởng Bộ Thuỷ sản, ông Nguyễn Ngọc Hồng, cho biết, hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang thực hiện quản lý Nhà nước. Nhà nước đề ra chính sách, quy hoạch chiến lược; đồng thời kiểm tra việc thực hiện chính sách đó, còn về cụ thể là do các địa phương, các DN tự định đoạt, xử lý. Tuy nhiên, về chi phí quản lý để có một nghề cá bền vững, ông Hồng cho rằng, cần phải xem lại số liệu mà TS. Morgan đưa ra. Nhưng thời gian qua, từ khi đổi mới đến nay, Việt Nam rất quan tâm đầu tư đến phát triển nghề cá, đặc biệt là huy động nguồn vốn từ dân, với hàng nghìn tỷ đồng.

Một trong những việc làm quan trọng là huy động người dân, đối tượng trực tiếp tác động và hưởng lợi từ thuỷ sản, cùng tham gia bảo vệ nguồn lợi. Trao đổi với VietNamNet, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Hồng nói rằng, chủ trương của Bộ Thuỷ sản là hạn chế hiện tượng khai thác, giữ ở mức như hiện nay trong 10 năm tới; nếu có tăng thì giữ mức hạn chế để bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Việt Nam đã có Pháp lệnh về Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản từ năm 1989, trong đó quy định rõ vùng nào cấm khai thác, nghề nào cấm khai thác, các vùng cá sinh sản, hạn chế đóng tàu nhỏ để tránh việc đánh bắt gần bờ. Việc sử dụng thuốc nổ trong đánh bắt hải sản đã giảm nhiều, một số loài đã phục hồi trở lại. Tuy nhiên, hiện nay, ở một số địa phương vẫn sử dụng, Bộ Thuỷ sản đang phối hợp với các ngành kiểm tra chặt chẽ các tàu đánh cá, đặc biệt là chặn đứng nơi cung cấp thuốc nổ.

Hà Yên

www.nea.gov.vn