Ðể đối phó với việc nhiều mặt hàng xăng dầu, vật tư nghề biển tăng giá, ngư dân Nghệ An đã chọn giải pháp xây dựng "tổ tàu, thuyền liên kết khai thác hải sản". Mỗi tổ gồm từ ba đến năm tàu, thuyền. Khi xuất phát chỉ cần một thuyền nổ máy sẽ kéo theo các thuyền khác, ra đến ngư trường, các thuyền mới bắt đầu tỏa đi.
Tàu thuyền cá của ngư dân xã Tiến Thuỷ ,huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) liên kết ra khơi.
Nghệ An có 82 km bờ biển, nguồn lợi hải sản phong phú và ngư trường khai thác rộng lớn. Theo thống kê mới nhất, trên địa bàn các huyện ven biển Nghệ An có gần 4.500 tàu, thuyền đánh bắt hải sản trên biển nhưng chủ yếu tàu công suất nhỏ. Số tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh còn ít, chỉ chiếm khoảng 6% tổng số tàu thuyền tham gia khai thác hải sản, chiếm hơn 2% số tàu đánh bắt xa bờ toàn dải ven biển miền Trung.
Huyện có số lượng tàu, thuyền lớn nhất của tỉnh là Quỳnh Lưu, với khoảng 2.200 tàu. Trọng điểm của huyện trong đánh bắt, khai thác nguồn thủy, hải sản trên biển là xã Tiến Thủy. Hiện, xã có 385 tàu đánh bắt hải sản xa bờ, trong đó có 200 tàu có công suất 600 CV, 170 tàu dưới 600 CV. Năm 2010, sản lượng khai thác hải sản toàn xã đạt gần 10 nghìn tấn, giá trị đạt hơn 49 tỷ đồng. Nhưng gần đây, do xăng dầu và nhiều mặt hàng khác đồng loạt tăng giá, bà con ngư dân đều tạm ngừng việc ra khơi để tính toán lại các chi phí. Theo tính toán, bình quân mỗi chuyến ra khơi phải chi phí từ 1.200 đến 1.600 lít dầu, 800 cây đá lạnh và nhiều nhu yếu phẩm khác phục vụ cho các thành viên theo tàu. Với mức chi phí này, sau mỗi chuyến tàu cập bến, phải thu về từ sản phẩm hơn 80 triệu đồng mới có lãi. Do vậy mỗi chuyến ra khơi phải nắm được thông tin về luồng cá, kể cả việc giảm công suất đèn chiếu sáng... để tiết kiệm chi phí. Ðồng thời các chủ tàu chọn phương án ra khơi ngắn ngày thay cho dài ngày như trước đây. Trước tình hình đó, bà con ngư dân xã Tiến Thủy đã tự hình thành các tổ, nhóm tàu lắp đặt hệ thống thông tin tầm xa tạo thuận tiện trong hoạt động thông tin liên lạc, thông báo cho nhau về luồng cá và liên kết khi đưa sản phẩm về cảng. Từ đó đã giảm được đáng kể chi phí xăng dầu đi lại. Ngoài ra, các tàu đưa sản phẩm đánh bắt được về cảng, còn tiếp ứng thêm xăng dầu, lương thực, thực phẩm cho các tàu nằm xa bờ đánh bắt dài ngày. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nguyễn Xuân Dinh cho biết, cùng với việc các tàu, tổ ngư dân liên kết với nhau để giảm chi phí, huyện Quỳnh Lưu sẽ vận dụng các cơ chế, chính sách phù hợp để giúp cho ngư dân trong việc giảm chi phí khi ra khơi đánh bắt, giải quyết khó khăn trước mắt để các tàu, thuyền không phải nằm bờ.
Ngư dân ở vùng biển thị xã Cửa Lò cũng nhân rộng mô hình 'tổ thuyền liên kết khai thác hải sản'. Mỗi tổ gồm từ ba đến năm tàu, thuyền. Khi xuất phát chỉ cần một thuyền nổ máy sẽ kéo theo các thuyền khác, ra đến ngư trường các thuyền mới tỏa ra. Phạm vi nếu không vượt quá 30 hải lý thì các thuyền liên lạc với nhau để gom sản phẩm lại, cử một tàu, thuyền chở vào bờ tiêu thụ và tiếp ứng nhiên liệu, lương thực, thực phẩm... Theo cách làm này, hiện nay toàn thị xã Cửa Lò đã thành lập được 39 tổ, với 206 tàu, thuyền ở bốn phường có ngư nghiệp là Nghi Hải, Nghi Tân, Nghi Thủy và Thu Thủy. Hội Nông dân đã tích cực tuyên truyền, vận động ngư dân đầu tư đóng mới, cải hoán tàu công suất lớn (110 - 420 CV), chuyển đánh bắt gần bờ, nhỏ lẻ sang đánh bắt xa bờ vừa tăng sản lượng vừa tạo việc làm cho người lao động. Mặt khác giảm đáng kể số thuyền khai thác hải sản ven bờ và dùng chất nổ, chất kích điện. Theo tính toán, nếu tham gia vào 'tổ thuyền liên kết' cộng với nâng công suất tàu, thuyền, ngư dân có thể tiết kiệm chi phí khoảng 25% cho mỗi chuyến ra khơi. Ðồng thời áp dụng công nghệ tiên tiến, đặc biệt là đối với khâu bảo quản sau thu hoạch cũng là một giải pháp giúp tăng chất lượng sản phẩm, nâng cao giá bán và giảm bù lỗ khi giá xăng dầu tăng.
Minh Thư