Không chỉ những loại đánh bắt thủy hải sản theo kiểu hủy diệt như nổ mìn, chích điện mới hủy hoại đầm phá, môi trường biển mà ngay cả những ngư cụ mà các ngư dân dùng để sinh kế cũng có tác động nghiêm trọng, hủy hoại môi trường biển. Đó là kết luận đáng chú ý của Viện TN&MT và Công nghệ sinh học - Huế vừa đưa ra.

Cạn kiệt ở "kho vàng" thủy sản
Vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai được xem như "kho vàng" về nguồn thủy sản phong phú của tỉnh Thừa Thiên - Huế và đã được quy hoạch trong hệ thống khu bảo tồn vùng nước nội địa đến năm 2020 theo Quyết định 1479/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai (Thừa Thiên - Huế) có diện tích khoảng 23 nghìn ha với nguồn động, thực vật được đánh giá là phong phú và lớn nhất ở khu vực Ðông - Nam Á, với 230 loài cá, tôm (trong đó có 30 loại tôm, cá có giá trị kinh tế), chiếm 1/3 sản lượng khai thác hằng năm của địa phương. Ở đây còn có 63 loài động vật đáy, 43 loài rong, 70 loại chim, 15 loại cò biển, 171 loài phù du thực vật, 37 loại phù du động vật...
Song nguồn thủy sản phong phú, đang có dấu hiệu sụt giảm, cạn kiệt dần khi người dân đang ngày đêm khai thác một cách hủy diệt. Với mắt lưới nhỏ, chỉ sau một đêm giăng lừ dưới đáy phá, từ cá lớn đến cá bé đều không thoát. Nhiều ngư dân đã phải bỏ nghề vùi trước kia cứ thả lưới trên phá cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng mỗi ngày. Còn bây giờ, cứ cái kiểu thả lừ, đánh Giã cào như thế thì thủy sản sẽ không còn để sinh sôi.
Nguồn nước và hệ sinh thái cũng đang phải hứng chịu ô nhiễm nghiêm trọng do việc đánh bắt thủy hải sản và dầu thải của các tàu cá, tác dụng rất xấu sang vùng ngập nước lân cận (làm biến mất nhiều hecta rừng ngập mặn), tình trạng xói lở bờ biển khu vực Thuận An khiến đặc tính nguyên thủy của sông Hương bị biến đổi, dòng chảy đảo chiều ở một số vùng trên đầm phá...
Các chuyên gia cho rằng, nếu không giảm 40% số lượng phương tiện và 25% thời lượng đánh bắt, giảm 25% cá thể nhỏ trong các mẻ đánh bắt... thì tương lai gần nguồn lợi thủy sản ở hệ thống đầm phá này sẽ cạn kiệt.
"Điểm mặt" ngư cụ phá hủy môi trường
Theo thống kê, hiện ngư dân tại khu vực này sử dụng trên 30 loại ngư cụ khác nhau để phục vụ việc đánh bắt thủy hải sản. Địa phương có số ngư dân sử dụng một lượng lớn ngư cụ là các xã Vinh Hiền, Quảng Lợi, Quảng Thái, Hải Dương, Phú Thuận, Quảng Công và thị trấn Thuận An. Sau nhiều năm điều tra, kết quả cho thấy các ngư cụ có tính hủy diệt, không thân thiện môi trường có Gã cào, Cào rong, Te quệu, Nạo hến, Cào lươn, Rà điện đã làm phá hủy nền đáy, thảm thực vật đồng thời hủy diệt nguồn lợi hàng loạt, gây ô nhiễm nguồn nước, làm suy giảm động lực, dòng chảy và gây khó khăn cho việc kiểm soát.
Xét về mức độ tàn phá môi trường, phá hủy nền đáy thảm thực vật của các loại ngư cụ thì Giã cào chiếm số điểm nhất (9,52), sau đó đến Te quyệu (9,17), Cào lươn 9,17 và Cào rong (8,72). Mức độ hủy diệt nguồn lợi thủy sản hàng loạt lớn nhất là Rà điện (9,83), Giã cào (8,93). Các nghề gây ô nhiễm nguồn nước cao là Nuôi tôm chắn sáo (7,0), tiếp theo là Giã cào (6,38), Nạo hến (5,74). Và Nuôi tôm chắn sáo cũng là ngư cụ làm suy giảm động lực dòng chảy lớn nhất (7,73).
Với thực tế nguồn lợi hải sản trong tỉnh đã khai thác quá mức cho phép, đang ảnh hưởng xấu đến phục hồi và tái tạo nguồn lợi, là cơ sở để cắt giảm cường lực khai thác ven bờ cho nhóm những loại ngư cụ mang tính chất hủy diệt môi trường thủy sản thì Giã cào là đối tượng đứng đầu. Do vậy, theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Huỳnh Quang Huy, trước mắt các cấp, các ngành và địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động trong ngư dân không nên đầu tư phát triển nghề Giã cào. Để hạn chế mang tính cơ bản, lâu dài, Sở Nông nghiệp và PTNT cần tham mưu cho UBND tỉnh sớm ban hành văn bản không thực hiện cấp mới Giấy phép khai thác hải sản cho nghề giã cào. Tiếp theo là phải bỏ dụng cụ Rà điện, Te quyệu và Nạo hến trong khai thác thủy, hải sản.
Mặt khác, với hoạt động khai thác công suất lớn, cấm hẳn các đội thuyền khai thác bằng Giã cào bay, khi vi phạm lần đầu các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi, ngoài việc áp dụng mức phạt hành chính cao nhất, nên tước Giấy phép khai thác tăng lên 1 năm, nếu vi phạm lần thứ hai ngoài hình thức xử phạt sẽ bị thu hồi Giấy phép khai thác và buộc chuyển sang hoạt động nghề khai thác khác. Riêng tàu thuyền Giã cào bay ngoài tỉnh vi phạm lần đầu cũng xử phạt như tàu thuyền trong tỉnh, nếu tái phạm sẽ bị xử phạt và trục xuất về địa phương.
Để Chương trình khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản giai đoạn 2011 - 2020 theo hướng khai thác có trách nhiệm, đúng với chủ trương chung, thì việc hạn chế phát triển và quản lý chặt các loại ngư cụ gây ô nhiễm môi trường, hủy hoại nguồn thực vật đáy là mục tiêu cần thiết. Bởi đó là yếu tố quan trọng, đáp ứng cho việc điều chỉnh cơ cấu khai thác hải sản theo hướng bền vững.
Kim Liên
(Theo www.monre.gov.vn)