Ðể giảm sức ép ngày càng tăng ở vùng nước ven bờ, Bộ Thuỷ sản chủ trương tiếp tục chuyển đổi khai thác từ gần bờ ra xa bờ và từng bước cơ cấu lại các loại nghề khai thác hải sản phù hợp với từng địa phương. Ðể có những căn cứ khoa học xác thực, những hiểu biết và thông tin cần thiết về tình hình nguồn lợi, cơ cấu tàu thuyền và hiện trạng nghề khai thác cá nổi nhằm đưa ra các giải pháp, bước đi thích hợp vươn khơi đánh bắt hải sản hiệu quả và phát triển nghề cá xa bờ bền vững, từ năm 2002, Bộ Thuỷ sản đã giao cho Viện Nghiên cứu Hải sản thực hiện đề tài Nghiên cứu trữ lượng và khả năng khai thác nguồn lợi cá nổi (chủ yếu là cá ngừ vằn, cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to) và hiện trạng cơ cấu nghề nghiệp khu vực biển xa bờ Trung và Ðông Nam Bộ. Chúng tôi xin giới thiệu tóm tắt về nội dung nghiên cứu chính của đề tài này.
I. Mục tiêu của đề tài
- Ðánh giá trữ lượng và khả năng khai thác nguồn lợi cá nổi (chủ yếu là cá ngừ vằn, cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to) vùng biển xa bờ miền Trung và Ðông Nam Bộ, đề xuất hướng và công nghệ khai thác hợp lý nhằm bảo vệ nguồn lợi.
- Góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của đội tàu đánh bắt xa bờ .
- Ðề xuất các cơ sở khoa học, các kiến nghị về công nghệ khai thác, bổ sung số liệu cho công tác dự báo, tổ chức đánh bắt, hậu cần dịch vụ nhằm quản lý và phát triển bền vững nghề cá xa bờ của Việt Nam.
II. Nội dung nghiên cứu chính
- Về nguồn lợi
+ Ðiều tra đánh giá trữ lượng, khả năng khai thác nguồn lợi và đặc điểm sinh học ba loài cá ngừ vằn, cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to ở vùng biển xa bờ miền Trung - Ðông Nam Bộ.
+ Xác định các khu vực cá tập trung, mùa vụ xuất hiện nhằm đề xuất phương hướng sử dụng, khai thác hợp lý, có hiệu quả kinh tế nguồn lợi cá nổi xa bờ.
+ Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ có hiệu quả cho các đội tàu đánh bắt xa bờ.
+ Nghiên cứu ảnh hưởng của môi trường tới nguồn lợi cá nổi lớn.
- Về công nghệ khai thác
+ Xác định các loại nghề, hiện trạng tàu thuyền.
+ Hiệu quả kinh tế của từng đội tàu ở từng vùng biển.
+ Ðề xuất mô hình khai thác phù hợp với điều kiện kinh tế địa phương.
- Về công nghệ sau thu hoạch
+ Nghiên cứu hiện trạng bảo quản cá ngừ trên các tàu khai thác cá xa bờ và đề xuất một số biện pháp thu gom, bảo đảm.
- Về thu thập số liệu
+ Thu thập tất cả các số liệu liên quan tới các lĩnh vực điều tra nguồn lợi, môi trường, công nghệ khai thác và công nghệ sau thu hoạch đã có từ trước tới nay.
III. Phương pháp nghiên cứu
1. Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu thuộc vùng biển xa bờ miền Trung và Ðông Nam Bộ.
2. Tổ chức điều tra thu thập số liệu trên biển
Thời gian điều tra : Trong 3 năm từ 2002 2004, tại mỗi vùng biển, đề tài đã phối hợp với Dự án Ðánh giá nguồn lợi sinh vật biển Việt Nam giai đoạn 2 (ALMRV II) tiến hành mỗi năm 2 chuyến điều tra nghiên cứu đại diện cho hai mùa gió trong năm là Tây Nam (tháng 4-6) và Ðông Bắc (vào tháng 10 - 12). Riêng năm 2004 đề tài chỉ tiến hành 1 chuyến điều tra vào mùa gió Tây Nam.
Tàu thuyền, ngư cụ
- Tàu thuyền : Sử dụng 3 tàu lưới rê công suất máy chính 350 CV/tàu và 2 tàu câu vàng công suất máy chính từ 300 CV 450 CV/tàu điều tra nguồn lợi cá nổi lớn.
- Ngư cụ : Mỗi tàu lưới rê đều sử dụng vàng lưới rê trôi tầng mặt với 5 loại kích thước mắt lưới 2a = 73mm, 85mm, 100 mm, 123 mm và 150mm, tổng chiều dài mỗi vàng lưới rê là 5.000 m.
Các tàu câu sử dụng vàng câu có số lượng từ 400 450 lưỡi câu, mồi câu là cá nục, cá chuồn có khối lượng khoảng 100 120g/con.
- Thu thập tài liệu, mẫu vật
Lưới rê được thả hằng ngày tại mỗi trạm vào buổi chiều (khoảng 16 17 giờ) và thu lưới vào sáng sớm hôm sau ( 4- 5 giờ). Câu vàng cũng được thả mỗi buổi chiều và thu câu vào buổi sáng sớm như lưới rê. Sản lượng cá của mỗi loại lưới và của tàu câu được phân tích đến loài và ghi chép khối lượng, số cá thể. Trong trường hợp sản lượng lớn, việc thu mẫu phụ cũng được áp dụng. Trên các tàu câu tiến hành thu thập số liệu về nhiệt độ, độ muối, sinh vật phù du tại tầng mặt và tầng thả câu (50 60m).>
- Thu mẫu chiều dài và phân tích sinh học
Sau khi phân tích thành phần loài, tiến hành đo chiều dài, cân sản lượng và phân tích sinh học các loài cá kinh tế. Các mẫu phân tích sinh học được tiến hành để xác định giới tính, độ chín muồi tuyến sinh dục và độ no dạ dày. Ðộ chín muồi tuyến sinh dục được xác định theo thang 6 bậc của Nikolski (1963) và độ no dạ dày được xác định theo thang 5 bậc.
- Ðiều tra thu thập số liệu tại các tỉnh ven biển và trên tàu sản xuất
+ Cán bộ khoa học được cử đến các Sở Thủy sản các tỉnh ven biển thu thập số liệu sinh học, thành phần các loài cá kinh tế, sản lượng khai thác, tàu thuyền, ngư cụ, hiệu quả đánh bắt và thông tin kinh tế xã hội nghề cá.
+ Cử cán bộ đi biển trên các tàu đánh cá, phỏng vấn các thuyền trưởng, chủ tàu, nậu cá về tàu thuyền, ngư cụ, phương pháp đánh bắt, hạch toán kinh tế từng loại nghề khai thác cá nổi xa bờ. Sau đó tiến hành phân tích, xử lý số liệu thu được theo nội dung nghiên cứu đã đề ra.
3. Xử lý số liệu
- Năng suất đánh bắt : Số liệu ghi chép tại ngư trường được nhập vào máy tính và xử lý trên cơ sở dữ liệu và đánh giá kết quả bằng các phương pháp thống kê, các chỉ số cần tính toán gồm: năng suất đánh bắt trung bình (kg/km lưới - đối với nghề lưới rê; kg/100 lưỡi câu - đối với nghề câu vàng), độ lệch chuẩn và hệ số biến thiên của năng suất.
- Ước tính trữ lượng tương đối : áp dụng phương pháp phân tích chủng quần ảo (VPA) để ước tính trữ lượng cá nổi lớn. Các tham số cần thiết cho việc tính toán là:
+ Các tham số của phương trình sinh trưởng von Bertalanffy gồm : chiều dài vô cực, to và k.
+ Hệ số chết tự nhiên (M), hệ số chết do khai thác (F) và hệ số chết chung (Z).
+ Các tham số của phương trình tương quan chiều dài khối lượng.
+ Tần suất chiều dài của loài cá cần ước tính.
+ Tổng sản lượng khai thác của loài.
- Khả năng khai thác bền vững tối đa được tính theo công thức
MSY = 0,5 * M * Bo
Trong đó : MSY = Khả năng khai thác bền vững tối đa
M = Hệ số chết tự nhiên của cá.
Bo = Trữ lượng cá hiện thời tại vùng biển nghiên cứu.
Ngoài ra, đề tài còn sử dụng phương pháp xử lý số liệu Phân tích các tham số sinh học loài như : Phân tích tần suất chiều dài; ước tính tương quan chiều dài khối lượng; ước tính các tham số sinh trưởng trong phương trình von Bertalanffy; ước tính chiều dài Lm50. Phương pháp thống kê xác suất nghiên cứu mối tương quan giữa cá với các yếu tố môi trường biển (nhiệt độ, độ muối và động thực vật phù du). Ðiều tra phỏng vấn ngẫu nhiên các chủ tàu, thuyền trưởng theo mẫu câu hỏi in sẵn, từ đó phân tích, so sánh và đánh giá hiện trạng công nghệ khai thác, bảo quản cá ngừ đại dương và hiệu quả sản xuất của các loại nghề khai thác chính.
IV. Kết luận
* Nguồn lợi cá và môi trường biển
- Năng suất đánh bắt trung bình của nghề lưới rê biến động khá lớn theo thời gian và có xu hướng giảm dần, dao động trong khoảng 27,6 34,9 kg/km lưới. Năng suất trung bình của nghề câu vàng ở vùng biển xa bờ miền Trung là 7,8 kg/100 lưỡi câu.
- Cá ngừ là đối tượng khai thác chính của nghề lưới rê, sản lượng của chúng chiếm từ 56,3 79,2% tổng sản lượng (TSL) chuyến biển, trong đó cá ngừ vằn chiếm từ 47,1 67,8% TSL. Sự biến động năng suất đánh bắt của cá ngừ vằn ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất đánh bắt chung của nghề lưới rê.
- Ngư trường cá ngừ vằn của nghề lưới rê thay đổi theo mùa khá rõ rệt, trong mùa gió Tây Nam cá ngừ tập trung ở vùng nước ven bờ từ Bình Ðịnh tới Khánh Hoà và vùng biển Ðông Nam đảo Phú Quý (09000N - 10000N và 109030E 111030E). Trong mùa gió Ðông Bắc, cá ngừ vằn tập trung ở vùng nước từ bắc Phú Yên đến bắc Ninh Thuận và khu vực khơi Bình Thuận.
- Ngư trường khai thác cá ngừ vây vàng (Thunnus albacares) và cá ngừ mắt to (Thunnus obesus) trong mùa gió Tây Nam tập trung ở vùng biển khơi tỉnh Quảng Ngãi tới vùng khơi tỉnh Khánh Hoà và vùng biển phía tây quần đảo Trường Sa. Trong mùa gió Ðông Bắc cá ngừ đại dương tập trung ở vùng biển khơi tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà, phía đông đảo Phú Quý và phía tây quần đảo Trường Sa. Các khu vực khác năng suất đánh bắt cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to rất thấp, thâm chí không bắt gặp.
- Trữ lượng cá nổi lớn ở vùng biển xa bờ miền Trung và Ðông Nam Bộ ước tính vào khoảng 1.156.000 tấn và khả năng khai thác bền vững là 405.000 tấn, trong đó trữ lượng cá ngừ vằn khoảng 618.000 tấn, cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to vào khoảng 44.853 52.591 tấn và khả năng khai thác bền vững của cá ngừ vằn là 216.000 tấn, cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to khoảng 17.000 tấn.
- Ðối với nghề rê, cá ngừ vằn đánh bắt được có chiều dài trung bình từ 45 47 cm, cá ngừ vây vàng 40 52 cm và cá ngừ mắt to là 41 44 cm, hầu hết cá đánh bắt được có tuổi từ 1,5 đến 2+. Ðối với nghề câu vàng, cá ngừ vây vàng đánh bắt được có chiều dài trung bình từ 93,8 112,9 cm và cá ngừ mắt to từ 89,7 92,5 cm.
- Tỷ lệ cá thành thục sinh dục ở mùa gió Tây Nam cao hơn ở mùa gió Ðông Bắc, tuy nhiên phần lớn cá đánh bắt được chưa thành thục sinh dục.
- Khoảng tối ưu nhiệt độ và độ muối tầng mặt cho sản lượng đánh bắt cá ngừ vằn cao trong nghề lưới rê là : T = (28,6 0,7)0C và S = (33,5 0,4) .
* Hiện trạng tàu thuyền và công nghệ khai thác
- Nghề cá của các tỉnh miền Trung là nghề cá quy mô nhỏ, phát triển một cách tự phát và đại đa số tàu thuyền có công suất 90 140 CV. Nghề lưới vây, lưới rê, câu vàng và câu mực đại dương là những nghề khai thác cá nổi được phát triển khá mạnh, tuy nhiên về mức độ có xu hướng giảm dần từ các tỉnh miền Trung đến các tỉnh Ðông Nam Bộ.
- Nghề lưới vây ở miền Trung cho lợi nhuận cao hơn đội tàu ở khu vực Ðông Nam Bộ. Nhóm tàu công suất 90 140 CV ở miền Trung và nhóm tàu 141 299 CV khu vực Ðông Nam Bộ đạt hiệu quả cao nhất (165.165.430 đ/tàu/năm và 111.710.060 đ/tàu/năm).
- Ðội tàu làm nghề lưới rê ở khu vực Ðông Nam Bộ cho kết quả tốt hơn so với khu vực miền Trung, lợi nhuận đạt cao nhất ở nhóm tàu công suất 300 600 CV khu vực Ðông Nam Bộ (155.152.860 đ/tàu/năm), còn ở khu vực miền Trung là nhóm tàu 46 89CV (101.467.990 đ/tàu/năm).
- Tất cả các đội tàu làm nghề câu vàng đều hoạt động có hiệu quả, lợi nhuận cao nhất ở nhóm tàu công suất 300 600 CV, đạt 133.205.000 đ/tàu/năm.
- Nghề câu mực đại dương là một nghề mới được phát triển ở một số tỉnh miền Trung nhưng lại cho kết quả khá cao, đặc biệt ở nhóm tàu công suất 90 140 CV, tàu có lợi nhuận cao nhất đạt tới 92.233.000 đ/tàu/năm.
- Mô hình một chủ có nhiều tàu đánh cá và dùng ngay tàu cá để luân phiên vận chuyển cá về nơi tiêu thụ kết hợp với dịch vụ hậu cần là mô hình khai thác xa bờ đạt hiệu quả kinh tế cao.
* Công nghệ sau thu hoạch
- Công nghệ bảo quản cá ngừ bằng nước biển lạnh kết hợp với bao gói trong túi PE hút chân không có thể nâng cao chất lượng và kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm trên tàu khai thác xa bờ.