Trong những năm gần đây, nghề nuôi tôm, đặc biệt là nuôi tôm Sú đang là một nghề đem lại nhiều lợi nhuận cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, do nguồn tôm bố mẹ thiếu hụt nên tôm Sú giống chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng. Ðây là nguyên nhân chính làm chậm sự phát triển của nghề nuôi không chỉ ở nước ta mà còn ở hầu hết các nước có nghề nuôi tôm biển. Hiện nay, đã có nhiều biện pháp giải quyết vấn đề thiếu hụt tôm Sú bố mẹ, trong đó, giải pháp bổ sung tôm giống vào vùng nước tự nhiên được coi là giải pháp phù hợp, tiếp cận gần nhất với xu thế phát triển bền vững.
Ðề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học cho việc bổ sung tái tạo nguồn lợi tôm Sú bố mẹ vùng biển Việt Nam” được Bộ Thuỷ sản giao cho Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản I thực hiện từ tháng 10 năm 2002 và kết thúc vào tháng 12 năm 2004. Ðề tài đã cung cấp cơ sở khoa học để khẳng định tính khả thi của giải pháp bổ sung giống nhân tạo vào vùng nước tự nhiên, đồng thời tạo niềm tin cho ý thức tự nguyện đóng góp của các cơ sở, cá nhân sử dụng nguồn tôm bố mẹ ở biển, góp phần làm phong phú, ổn định nguồn lợi.
Trong thời gian thực hiện Ðề tài đã thả giống tôm thí nghiệm tại hai địa điểm chính : ở miền Bắc, tại vùng biển Vân Ðồn, tỉnh Quảng Ninh; ở miền Nam, tại vùng biển huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.
Ðề tài đã thực hiện và hoàn thành tốt các nội dung được giao như : lựa chọn vùng biển thích hợp để thả giống, mùa vụ thả, cỡ tôm thả thích hợp và đánh giá mức tăng nguồn lợi tôm Sú bố mẹ.
Tổng số tôm giống đã sử dụng cho thí nghiệm là 5.690.000 con. Trong đó, tôm cỡ 2 - 7 cm chiếm 85%. Số lượng tôm này vượt so với kế hoạch là 690.000 con.
Thí nghiệm đã được triển khai ở các địa điểm đặc trưng cho hai vùng sinh thái khác nhau. Ngoài các tỉnh kể trên, Ðề tài đã thực hiện các chuyến điều tra tại hầu hết các tỉnh ven biển của cả nước.
Các nội dung nghiên cứu đã được thực hiện bằng các cuộc điều tra khảo sát, bố trí thí nghiệm nghiêm ngặt.
Cụ thể, kết quả thực hiện các cuộc điều tra điều kiện tự nhiên, điều kiện môi trường, các đợt điều tra nguồn lợi tôm Sú trước và sau thí nghiệm, các thí nghiệm bố trí để xác định cỡ tôm thả thích hợp được thể hiện ở các nội dung sau :
1. Hiện trạng nguồn lợi tôm Sú bố mẹ ở các vùng biển trọng điểm của Việt Nam
Báo cáo được xây dựng dựa trên các số liệu điều tra về hiện trạng quần đàn tôm Sú bố mẹ ở một số bãi khai thác tại các khoảng thời gian trước và sau khi thả giống thí nghiệm. Các số liệu bao gồm : biến động nguồn lợi, cơ cấu quần đàn, điều kiện sống, mùa vụ khai thác và phương tiện khai thác. Báo cáo được phân tích mối quan hệ hữu cơ giữa sinh vật và môi trường sống.
2. Lựa chọn vùng biển thả giống tôm thích hợp
Trên cơ sở sử dụng các số liệu thứ cấp của 4 vùng sinh thái : Quảng Ninh đến Thanh hoá; Hà Tĩnh đến Bình Định, Khánh Hoà đến Vũng Tàu và vùng triều ven biển các tỉnh Nam bộ, Ðề tài đã lựa chọn hai vùng đại diện cho hai vùng sinh thái : là vùng biển huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) ở biển miền Bắc và vùng biển huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) ở vùng biển miền Nam có điều kiện phù hợp với đặc tính sinh lý, sinh thái, dinh dưỡng của tôm Sú giống. Từ đó, tiến hành điều tra bổ sung về điều kiện tự nhiên như : Sinh cảnh vùng triều gồm rừng ngập mặn, chất đáy, dòng chảy. Ðiều tra về điều kiện thuỷ lý, thuỷ hoá, mức độ phong phú của động, thực vật phù du, động vật đáy là những điều kiện để tôm được thả thí nghiệm tồn tại và phát triển. Ðiều tra về mức độ hoang sơ của vùng thả giống đảm bảo chắc chắn rằng tôm thí nghiệm sau khi thả sẽ không bị đánh bắt bằng bất kỳ các phương tiện khai thác nào kể cả khả năng thu hút vào các đầm nuôi quảng canh của ngư dân.
Kết quả điều tra cho thấy : cả hai vùng biển được lựa chọn thả giống thí nghiệm đều có rừng ngập mặn phát triển, thành phần loài sinh vật biển đa dạng và có sinh lợi cao. Vùng biển Ngọc Hiển và Vân éồn đều còn nguyên sơ, nạn phá rừng làm đầm nuôi đã được ngăn chặn. Những vùng đã khai phá đều được thu lại, trồng mới rừng ngập mặn và được Nhà nước đưa vào chương trình bảo hộ cấm khai thác.
Tóm lại, vùng triều ven biển thuộc huyện Vân éồn, Quảng Ninh và vùng biển thuộc huyện Ngọc Hiển, Cà Mau là những địa điểm hội tụ đủ cả hai tiêu chí về điều kiện tự nhiên và điều kiện xã hội theo yêu cầu đề ra. Chính vì vậy, các vùng biển đó thích hợp cho việc thả giống bổ sung nguồn lợi sinh vật biển nói chung và tôm Sú nói riêng.
3. Lựa chọn cỡ giống thả thích hợp : 3 cỡ tôm : 1,1 - 1,3 cm ; 2 3 cm và 5 - 7 cm, được bố trí trong các đầm nuôi quảng canh cải tiến đều có điều kiện canh tác gần như thuỷ vực hở nhưng khác nhau về sinh cảnh. Bằng phương pháp đánh dấu trên tôm thí nghiệm và định kỳ thu mẫu và xử lý số liệu dựa trên phương pháp Mark Recapture Technique của Petersen (1896) đã lựa chọn được cỡ tôm thả phù hợp vào vùng nước tự nhiên để tái tạo nguồn lợi thích hợp nhất là cỡ 2 - 3cm.
4. Mùa vụ thả giống
Từ việc thu thập và phân tích các kết quả nghiên cứu của các đề tài điều tra nguồn lợi tôm giống trước đây của một số tác giả thuộc Viện Nghiên cứu Hải sản, qua phân tích các thông tin cho thấy, mùa vụ bổ sung giống tôm biển tốt nhất vào thời gian tôm giống tự nhiên xuất hiện ở mật độ cao nhất. Thời gian nguồn giống tự nhiên có mật độ thấp, chắc hẳn có những điều kiện sinh thái nào đó không thuận lợi khống chế sinh vật gia tăng kích thước quần thể. Vì vậy, Ðề tài đưa ra đề xuất, ở vùng biển phía Bắc nên thả giống từ tháng 5 đến tháng 8; ở ven biển phía Nam nên thả giống vào tháng 10 - 12 hằng năm.
5. Ðánh giá hiệu quả của việc thả tôm thí nghiệm vào vùng biển tự nhiên.
Bằng phương pháp Ðánh dấu thả ra và bắt lại (Mark Recapture Technique) kết hợp với phương pháp so sánh mức tăng nguồn lợi trước và sau khi thả giống, Ðề tài đã đưa ra một số nhận sét sau :
- Bổ sung tôm giống vào vùng nước tự nhiên đã làm tăng số lượng của quần đàn tôm Sú giống ở các bãi thả thí nghiệm.
- Ðã đánh giá được hiệu quả của việc thả giống đến nguồn lợi tôm Sú bố mẹ tại hai vùng biển thả giống thông qua số lượng tôm bố mẹ mang dấu thu thập được trên tổng số mẫu thu được.
- Số lượng tôm giống bổ sung cho biển đã làm thay đổi xu hướng phát triển của quần đàn tôm bố mẹ tự nhiên. ở vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng, mức tăng nguồn lợi của quần thể cao, đạt 10,48%; ở Cà Mau, tăng 6,8% so với số lượng của quần thể trước thí nghiệm.
Kiến nghị và đề xuất
Kết quả nghiên cứu của Ðề tài đã xác định được cơ sở khoa học cho việc bổ sung tái tạo nguồn lợi tự nhiên thông qua nguồn giống sản xuất nhân tạo. Nhóm tác giả thực hiện đề tài đã đưa ra kiến nghị và đề xuất sau :
+ Nên bổ sung nguồn tôm giống sản xuất bằng con đường nhân tạo vào vùng nước tự nhiên để tái tạo, duy trì và ổn định nguồn lợi tôm Sú.
+ Nên thả giống ở những vùng biển còn giữ được sinh cảnh tự nhiên (vùng biển có rừng cây ngập mặn phong phú, còn hoang sơ chưa bị khai thác vào bất kỳ mục đích gì....). Vùng thả giống phải là vùng có điều kiện sinh thái phù hợp với đặc tính sinh thái của tôm Sú ở giai đoạn đầu.
+ Nên thả tôm giống có cỡ 2 3 cm là phù hợp. Không nên thả tôm cỡ nhỏ hơn hoặc lớn hơn 2 3 cm vì không kinh tế.
+ Mùa vụ thả giống : Mùa thả giống thích hợp ở miền Bắc từ tháng 5 đến tháng 8; ở miền Nam từ tháng 10 đến tháng 12.
+ Ðã xây dựng và đề xuất Ðề án bổ sung tái tạo nguồn lợi tôm Sú vùng biển Việt Nam trên cơ sở kết quả nghiên cứu của đề tài trình lên Nhà nước.
Theo www.ficen.org.vn