I. MỞ ĐẦU

Nghề câu cá ngừ bắt đầu xuất hiện ở Bình Ðịnh từ năm 1993 và phát triển mạnh trong những năm gần đây. Cùng với sự phát triển của tàu thuyền đánh bắt, vàng câu cá ngừ đại dương cũng ngày càng phát triển và hoàn thiện hơn, lúc mới hình thành vàng câu cá ngừ đại dương chỉ kết hợp với vàng lưới chuồn bằng cách cột các thẻo câu vào giềng phao của lưới chuồn với số lượng từ 20 - 50 thẻo câu. Ðến năm 1995, phát triển thành vàng câu riêng với số lượng thẻo câu từ 100 - 200 thẻo, chiều dài vàng câu 10 - 20 km. Sau đó phát triển và hoàn thiện dần vàng câu có chiều dài 40 - 60 km, số lượng thẻo câu tăng lên 500 - 800 thẻo. Sản lượng cá ngừ đại dương đánh bắt của Bình Ðịnh tăng từ khoảng 200 tấn năm 1995 lên 1.000 tấn năm 2000, 2.600 tấn năm 2003, 3.250 tấn năm 2004 và chỉ riêng trong 3 tháng đầu năm 2005 đã đánh bắt được hơn 1.700 tấn. Tuy nhiên, năng lực sản xuất còn thấp, hầu hết tàu thuyền khai thác có công suất nhỏ (<60CV), trang bị phục vụ đánh bắt thô sơ, lạc hậu. Kỹ thuật đánh bắt và bảo quản cá ngừ đại dương còn thủ công, lạc hậu, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của ngư dân. Năng suất đánh bắt nhìn chung đạt thấp, chất lượng không cao, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất. Trong các hoạt động trên biển đã tự phát xuất hiện nhiều mô hình phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau của ngư dân nhưng chưa được tổ chức, phát triển các hình thức thích hợp

II. ỨNG DỤNG KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU KH-CN VÀO MÔ HÌNH KHAI THÁC VÀ BẢO QUẢN CÁ NGỪ ĐẠI DƯƠNG

1. Nội dung nghiên cứu:

Ðể khắc phục những tồn tại, hạn chế trong đánh bắt và bảo quản cá ngừ đại dương của ngư dân, Sở Thủy sản Bình Ðịnh đã thực hiện đề tài : Nghiên cứu cải tiến vàng câu và giải pháp bảo quản cá ngừ đại dương sau khai thác nhằm nâng cao năng suất, chất lượng phục vụ chế biến xuất khẩu thủy sản.

Nhiệm vụ chính của đề tài là triển khai các nghiên cứu về kỹ thuật, kết cấu ngư cụ, giải pháp bảo quản phù hợp với tàu cá của ngư dân, xây dựng và hoàn thiện quy trình đánh bắt và bảo quản cá ngừ đại dương. Nội dung nghiên cứu gồm :

Cải tiến vàng câu:

a - Tăng số lượng thẻo câu của vàng câu với chiều dài vàng câu không tăng hoặc tăng ítbằng cách thay đổi kích thước các bộ phận chủ yếu của vàng câu như sau :

Bộ phận

Kích thước trước cải tiến

Kích thước sau cải tiến

Chiều dài vàng câu

50 - 60 km

50 - 62,5 km
Khoảng cách 2 thẻo

60 - 80 m

45 - 50 m
Chiều dài 1 thẻo

30 - 40 m

22 - 24 m
Số lượng thẻo câu 600 - 800 1.000 - 1.250
Chiều dài dây ganh 5 - 10 m 15 - 20 m

b - Thay đổi độ sâu đánh bắt của vàng câu:

- Thay đổi chiều dài dây phao ganh (nâng dài hơn so với hiện tại).

- Bố trí thay đổi khoảng cách phao (khoảng cách lớn hơn, cách nhiều thẻo câu hơn để tăng độ võng).>

Sơ đồ vàng câu cải tiến

Ðộ sâu đánh bắt được tính như sau :

- Vàng câu trước cải tiến : D = L1 + L2 : không đổi

- Vàng câu sau cải tiến : D = L1 + L2 + di : di thay đổi tùy theo khoảng cách giữa 2 phao và số thứ tự thẻo câu.

c - Thay đổi kích cỡ dây câu phù hợp :

Chọn kích cỡ của dây câu chính, dây thẻo như sau :

Bộ phận

Trước cải tiến

Sau cải tiến

Cỡ loại

Lực đứt (kg)

Cỡ loại

Lực đứt (kg)

Dây chính

220 - 240

280 - 300

280

350

Dây thẻo

140 - 160

190 - 210

180

230

d - Thay đổi kích cỡ, số lượng phao ganh của vàng câu như sau :

Loại phao

Trước cải tiến

Sau cải tiến

Kích cỡ

Số lượng

Kích cỡ

Số lượng

Phao tròn

F200-300

20

F300

150

Phao dài

PL 360, F110

800

PL400, F120

100

e - Thay đổi máy kéo câu : từ máy kéo trích lực từ máy chính được thay bằng máy kéo câu thuỷ lực có công suất phù hợp với vàng câu.

- Nghiên cứu giải pháp bảo quản cá sau khai thác :

Căn cứ vào hiện trạng bảo quản sản phẩm của tàu cá ngư dân, qua nghiên cứu chúng tôi xây dựng giải pháp bảo quản như sau:

+ Thay đổi vật liệu hầm cách nhiệt trên tàu cá ngư dân : sử dụng vật liệu mới là polyuanythan và composite thay cho xốp cách nhiệt thông thường.

+ Thay đổi phương pháp bảo quản cá : phải xử lý loại bỏ nội tạng và ngâm hạ nhiệt cá trước khi đưa vào bảo quản trong hầm cách nhiệt.

- Tổ chức sản xuất thử nghiệm :

Khảo sát, lựa chọn 2 mô hình đại diện cho tàu câu cá ngừ đại dương Bình Ðịnh để xây dựng vàng câu cải tiến và tổ chức sản xuất thử nghiệm. Kết quả chọn 1 tàu vỏ composite công suất 165 CV và 1 tàu vỏ gỗ công suất 80 CV để xây dựng mô hình theo các nội dung cải tiến nêu trên.

Tổ chức sản xuất thử nghiệm cho tàu mô hình : Ðến nay đã tổ chức sản xuất thử nghiệm cho tàu BÐ-2257-TS được 6 chuyến biển, tàu BÐ-9998-BTS được 4 chuyến biển đạt kết quả rất khả quan như sau:

+ Tàu BÐ-2257-TS :

Sản lượng cá ngừ đánh bắt cả 6 chuyến biển là 14.700 kg, bình quân 2.450 kg/chuyến biển. Doanh thu cả 6 chuyến biển trên đạt hơn 1 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí khoảng 300 triệu đồng thì thu nhập của một lao đông trên tàu được hơn 30 triệu đồng và thu nhập của chủ tàu trên 450 triệu đồng.

+ Tàu BÐ-9998-BTS :

Do máy chính của tàu thường bị trục trặc, hỏng hóc nên không đánh bắt hết thời gian của chuyến biển, có chuyến chỉ đánh bắt được 5 - 7 ngày, do đó sản lượng đánh bắt không cao : cả 4 chuyến biển đánh bắt được khoảng 3.000 kg cá ngừ, bình quân 750 kg/chuyến biển (có 01 chuyến đánh bắt được 20 ngày được 32 con cá ngừ, sản lượng 1.500 kg). Tuy nhiên, năng suất đánh bắt của một mẻ câu thường cao hơn các tàu câu cùng cỡ từ 1,3 1,5 lần.

Hiện nay, cả 2 tàu mô hình đang tiếp tục đi sản xuất thử nghiệm để hoàn chỉnh quy trình cải tiến của đề tài.

Về chất lượng cá : theo kết quả phân tích kiểm nghiệm chất lượng các mẫu cá của Viện Hải dương học Nha Trang cho thấy khả năng bảo quản của các tàu mô hình tốt hơn các tàu khác, mật độ các nhóm khuẩn gây bệnh đường ruột quan trọng như E. coli, Shigella thấp, không xuất hiện Salmonella nhóm gây bệnh thương hàn, hàm lượng Histamine nhỏ hơn giới hạn cho phép đối với thực phẩm. Thực tế, các cơ sở thu mua đánh giá chất lượng cá của tàu mô hình tốt hơn các tàu khác của ngư dân nên đã mua cá của tàu mô hình cao hơn các tàu khác từ 2000 đ - 5000 đ/kg và không có cá bị hạ loại do chất lượng thấp.

Ðánh giá chung : Tuy đề tài mới được triển khai từ tháng 4/2004 đến nay nhưng những kết quả thu được đã thu hút sự chú ý của ngư dân trong tỉnh. Kết quả sản xuất thử nghiệm đã cho thấy những cải tiến trên là phù hợp và đem lại hiệu quả, được ngư dân đồng tình. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức cho 2 mô hình đi sản xuất thử nghiệm, thu thập các số liệu kỹ thuật liên quan để tổng hợp đánh giá, bổ sung và hoàn chỉnh quy trình đánh bắt bảo quản cá ngừ đại dương phù hợp để tổ chức tập huấn, hội nghị đầu bờ chuyển giao quy trình cho ngư dân trong tỉnh nhằm phát huy tốt nhất hiệu quả khai thác, tăng năng suất, chất lượng cá, phát triển mạnh nghề câu cá ngừ đại dương.

III. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Câu cá ngừ đại dương là một nghề khai thác đem lại nhiều triển vọng cho phát triển đánh cá xa bờ do phù hợp với truyền thống đánh bắt của ngư dân và có hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên đây là nghề mới, phát triển tự phát trong thời gian gần đây nên còn nhiều khó khăn, hạn chế. Những nội dung và kết quả nghiên cứu của đề tài chỉ phần nào hỗ trợ giúp ngư dân về kỹ thuật đánh bắt và bảo quản sản phẩm cho phù hợp với sản xuất hiện tại. Ðể phát triển đánh bắt cá ngừ đại dương trong thời gian tới tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có thì cần phải có những nghiên cứu về mùa vụ, ngư trường, nguồn lợi ; tổ chức sản xuất, bảo quản tiêu thụ sản phẩm... Bên cạnh đó, cần có sự tham gia hỗ trợ của Nhà nước, của các cấp, các ngành, các địa phương liên quan.

Ðể khuyến khích phát triển đánh bắt, thu mua, chế biến, xuất khẩu cá ngừ đại dương trong thời gian tới chúng tôi kiến nghị

- Nhà nước hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng các Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá (Cảng cá, bến cá, chợ cá, khu neo đậu tàu thuyền, khu dịch vụ nghề cá...) đảm bảo phục vụ phát triển khai thác thủy sản nói chung và đánh bắt, tiêu thụ cá ngừ đại dương nói riêng.

- Cần có sự phối hợp tổ chức đánh bắt, thu mua, chế biến, xuất khẩu cá ngừ đại dương giữa các đơn vị, địa phương và ngư dân để hợp tác hỗ trợ lẫn nhau nâng cao hiệu quả và đảm bảo an toàn trong sản xuất kinh doanh. Khuyến khích thành lập các tổ đoàn kết sản xuất, các đội tàu, tập đoàn đánh bắt cá ngừ đại dương theo các mô hình hợp tác thích hợp để làm động lực cho sự phát triển bền vững.

- Nhà nước ban hành một số chính sách ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đánh bắt, xuất khẩu cá ngừ đại dương; miễn giảm thuế cho tàu thuyền đánh bắt cá ngừ để khuyến khích phát triển sản xuất.

- Bộ Thủy sản nghiên cứu thành lập các tập đoàn, đội tàu chuyên câu cá ngừ đại dương với lực lượng nòng cốt là tàu của các công ty tổ chức khai thác ở Thành phố Hồ Chí Minh và Vũng Tàu (Tổng Cty Hải sản Biển Ðông, Việt Tân, Mạnh Hà... ) kết hợp với tàu vệ tinh của ngư dân; tiến tới hợp tác đánh bắt với nước ngoài và khai thác viễn dương trong tương lai.

- Nhà nước nghiên cứu quan hệ hợp tác đánh bắt với các nước trong khu vực như Malaixia, Philippin, Inđônexia, Brunây..., mở rộng ngư trường đánh bắt cá ngừ đại dương để tạo thuận lợi cho phát triển và hội nhập quốc tến

Theo Sở Thủy sản Bình Định, Fistenet