Để nâng cao hiệu quả khai thác hải sản, ngư dân tỉnh ta đã mạnh dạn đầu tư cải hoán, đóng mới tàu thuyền công suất lớn, ứng dụng các thiết bị hàng hải hiện đại, cải tiến và phát triển mới các loại lưới nghề. Ngoài các nghề hoạt động đánh bắt hiệu quả như vây rút chì, pha xúc, giã cào, lưới cào, lưới cản, câu khơi thường được nói đến, trong thời gian gần đây các vùng biển Khánh Hải (Ninh Hải) và Đông Hải (Phan Rang - Tháp Chàm), một bộ phận ngư dân còn chuyển dịch sang nghề lưới bẫy, đặc biệt là ngư dân phường Đông Hải.
Lưới bẫy là tên gọi dân gian của lưới rê đáy, thực chất không phải là nghề mới, trước kia nó đã được ngư dân thị trấn Khánh Hải sử dụng trong đánh bắt, nhưng do làm thủ công, không có máy dò, máy thủ công, máy thu lưới nên hiệu quả khai thác thấp. Theo thời gian, nghề lưới bẫy mai một dần. Giữa năm 2005, có một số hộ ngư dân ở Đông Hải đã qua Khánh Hải xem và học cách sử dụng lưới bẫy. Điều thú vị là những người đến học đã khai thác nghề lưới bẫy đạt hiệu quả cao hơn những ngư dân Khánh Hải - nơi từng “truyền nghề” cho họ. Lý do rất đơn giản, lưới bẫy của ngư dân Đông Hải có cải tiến hơn, nhờ học tập thêm chì và phao. Gần đây, nhờ học tập kinh nghiệm từ các tỉnh bạn, ngư dân đã trang bị thêm máy thu lưới và máy dò đứng, chủ yếu là dò các điểm rạn, bãi đá ngầm. Đây chính là yếu tố hàng đầu đã giúp khôi phục và phát triển nghề lưới bẫy lên một vị thế mới trong nghề cá tỉnh ta. Thực ra với cấu tạo đơn giản, vốn đầu tư ít, qui mô vàng lưới nhỏ, lưới bẫy có nhiều tấm ghép hình chữ nhật dễ dàng đan ráp thành vàng lưới nên việc cải tiến không khó lắm. Hiểu rõ lưới bẫy là ngư cụ khai thác theo nguyên lý đóng, ngư dân đã bố trí cạnh mắt lưới chắc (vì chịu ứng lực lớn nhất), dùng chỉ lưới mềm mại tạo độ bén khi cá mắc phải và chọn màu sắc lưới giống màu của nước khiến cá không phát triển.
Kỹ sư Trần Văn Viện, cán bộ kỹ thuật khai thác hải sản (Trung tâm Khuyến ngư tỉnh) cho biết, nghề lưới bẫy chỉ đánh ở tần nước đáy vùng đá ngầm, rạn khơi, nên phải cần tàu từ 45CV trở lên. So với lưới quét, không chỉ chi phí vật tư rẻ hơn mà độ bền của lưới bẫy cũng hơn hẳn; đáng nói là hiệu quả đánh bắt, vừa cho sản lượng cao mà đối tượng đánh bắt cũng có giá trị kinh tế cao, hầu hết là hải sản chế biến xuất khẩu như các loại cá: mú, hồng, kẽm, gáy… Lưới bẫy do có đặc điểm khai thác được hải sản ở vùng rạn, nhiều đá san hô ngầm nên lưới nghề khác không thể bì được. Về sử dụng lao động, nếu là lưới quét phải cần 10-12 bạn, chưa kể tại nhà luôn có từ 3-4 nhân công để vá lưới. Ngược lại cũng cỡ thuyền cùng công suất, lưới bẫy chỉ cần 6 lao động là có thể ra khơi được, thêm vào đó “tuổi thọ” lưới bẫy rất cao nên không phải cần đến nhân công và lưới như lưới quét. Mắt lưới bẫy có đường kính từ 150mm trở lên, nên có ý nghĩa chọn lọc, chuyên đánh cá kích cỡ lớn, không hủy diệt nguồn lợi thủy sản và bảo vệ được môi trường trong khi lưới quét có mắt lưới nhỏ trung bình 25 - 30mm. Thêm nữa, trong những tháng vụ bấc, nghề lưới bẫy ngưng hoạt động nên đàn cá có thời gian sinh trưởng, tái tạo kịp thời.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay có khoảng 65 hộ ngư dân (kể cả Khánh Hải và Đông Hải) làm nghề lưới bẫy, riêng Đông Hải trong tổng số trên 50 tàu lưới quét đã có khoảng 35 tàu chuyển sang làm nghề lưới bẫy. Xu hướng chuyển dịch từ nghề lưới quét sang nghề lưới bẫy đang thịnh hành ở Đông Hải, tập trung ở các khu phố 6, 7 và 8. Anh Nguyễn Lép, một ngư dân hành nghề lưới bẫy nói: “Trước đây tôi làm nghề lưới quét, thuyền nhỏ chỉ có công suất 27 CV nhưng phải cần đến 7 người đi bạn, chi phí cho nghề cao mà thu thập lại thấp nên tôi đã chuyển sang làm lưới bẫy. Ở Đông Hải đã có nhiều tàu trên 90CV làm nghề lưới bẫy hiệu quả, chẳng hạn tàu ông Nguyễn Ngọc Quang, nghề này tàu có công suất càng lớn càng tiện lợi, bởi thường đánh xa bờ từ 50 đến 60 hải lý, tức trên 100 cây số”. Tháng 6 năm nay, anh Lép đã đến tìm hiểu những người hành nghề lưới bẫy tại địa phương và nhận thấy một số ngư dân trang bị máy cảo (thu lưới) quá đơn giản. Sau khi bán tàu nhỏ và sắm tàu 45 CV để chuyển nghề lưới bẫy, anh đặt làm máy cảo theo suy nghĩ của mình, đầu tư vàng lưới nhưng thay sợi cước mảnh hơn, có thể đánh bắt được ở vùng rạn có độ sâu mực nước từ 30m trở lên. Chỉ mới mấy tháng hành nghề lưới bẫy, anh Lép nhận thấy chi phí cho mỗi chuyến đánh bắt (thường kéo dài 10 ngày) đã giảm được 2/10 so với lưới quét, dù sản lượng không đổi nhưng lãi suất cao hơn. Anh kể, với mắt lưới 140mm, có lúc cá cỡ 2 kg cũng chui qua lọt nên rất tốt cho việc bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn lợi thủy sản. Một số ngư dân đang làm nghề lưới quét ở Đông Hải như anh Lê Thu, Nguyễn Tống cũng cho biết: “Qua so sánh, chúng tôi thấy việc hao phí của nghề lưới bẫy thấp hơn nên đang dự định sẽ chuyển sang nghề lưới bẫy, nhiều người đang làm nghề lưới quét ở địa phương cũng đang đi theo hướng đó”.
Để trang bị cho nghề lưới bẫy, trên tàu cá trước hết cần có một vàng lưới (thông thường gồm 70-80 tấm), giá mỗi tấm lưới khoảng 1,6 triệu đồng, trong đó một nửa là của chủ tàu, một nửa của những người đi bạn. Ngoài ra việc đầu tư máy thu lưới mất khoảng 8-10 triệu đồng và máy dò ngang bình thường cũng với mức giá ấy. Kỹ sư Trần Văn Viện và các ngư dân đều khẳng định với mức đầu tư ấy vẫn rẻ hơn lưới quét, nguyên nhân là lưới quét “tuổi thọ” không cao, dễ hư hỏng sau một vài chuyến đánh bắt. Rõ ràng với ưu điểm vượt trội, nghề lưới bẫy đang từng bước thay thế dần nghề lưới quét, tạo ra sự chuyển dịch quan trọng trong cơ cấu nghề cá ở Đông Hải, đồng thời mở ra triển vọng mới cho hoạt động khai thác hải sản ở tỉnh ta.
Bạch Thương (Nguồn vietlinh)