Thời gian qua, ngư dân ồ ạt khai thác thủy sản ở vùng cửa sông ven biển, trong vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông, đầm Ô Loan… bằng bóng Thái Lan. Hậu quả là khai thác triệt để các loài thủy sản ở tầng đáy (nhất là đánh bắt được các loài thủy sản có kích thước nhỏ, kể cả các loại ốc rất nhỏ như ốc quắn, ốc đụn…).

Ngư dân huyện Tuy An ngang nhiên hành nghề bóng Thái Lan – Ảnh: Q.ĐẠT

Chi cục Khai thác - Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên và các ngành chức năng ở huyện Tuy An, thị xã Sông Cầu đã kết luận: Bóng Thái Lan là ngư cụ có cấu tạo tương tự như một loại lồng bẫy, khai thác thủy sản theo phương pháp thụ động, đối tượng thủy sản bị bắt giữ một cách ngẫu nhiên, không có tính chọn lọc về kích thước và chủng loại, mang tính hủy diệt hàng loạt. Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Tuy An có hơn 120 hộ ngư dân sử dụng loại ngư cụ này để khai thác thủy sản trên đầm Ô Loan.

Trước thực trạng trên, Chi cục Khai thác - Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên và các ngành chức năng ở huyện Tuy An, thị xã Sông Cầu đã phối hợp tăng cường triển khai các biện pháp ngăn chặn triệt để nghề khai thác hải sản bằng bóng Thái Lan. UBND huyện Tuy An, Trạm Bảo vệ nguồn lợi hải sản Tuy An, Đồn Biên phòng 348 và chính quyền năm xã ven đầm Ô Loan là: An Hải, An Cư, An Hiệp, An Hòa, An Ninh Đông đã bàn các biện pháp quản lý, xử lý vi phạm nghề khai thác hải sản bằng bóng Thái Lan. UBND xã An Hải (huyện Tuy An) cũng đã truy quét và tiến hành tiêu hủy 36 dây lưới bóng Thái Lan, với chiều dài 252m.

UBND huyện Tuy An và thị xã Sông Cầu cũng đã ban hành chỉ thị về việc nghiêm cấm ngư dân dùng bóng Thái Lan khai thác hủy diệt nguồn lợi thủy sản. Theo đó, nội dung chính là, nghiêm cấm các đối tượng có sử dụng ngư cụ bóng Thái Lan để khai thác thủy sản trên tất cả các thủy vực nước ngọt, nước mặn, nước lợ. Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn (nhất là các xã ven biển) có trách nhiệm rà soát lập danh sách các đối tượng có sử dụng ngư cụ bóng Thái Lan, tuyên truyền, vận động để họ chuyển đổi nghề và tổ chức ký cam kết không sử dụng phương tiện bóng Thái Lan để hành nghề. Các địa phương chủ động kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm, lập biên bản tịch thu toàn bộ tang vật, dụng cụ và sản phẩm thủy sản. Các Trạm Bảo vệ nguồn lợi thủy sản phối hợp với UBND các xã ven biển tổ chức kiểm tra, hướng dẫn trình tự thủ tục xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, đảm bảo xử lý nghiêm đúng pháp luật…

Theo ông Nguyễn Văn Do, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác - Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên, để ngăn chặn triệt để nghề khai thác hải sản bằng bóng Thái Lan, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại địa phương, đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành chức năng, nhất là Mặt trận và các tổ chức hội, đoàn thể vận động đoàn viên, hội viên phối hợp cùng các thôn tổ chức mít tinh, tuyên truyền giáo dục để nhân dân hiểu rõ, không vị phạm khai thác nghề bong Thái Lan; các Đồn biên phòng cần phân công cán bộ, chiến sĩ tham gia hỗ trợ đoàn kiểm tra của dịa phương khi có yêu cầu…

QUỐC ĐẠT (Nguồn: Báo Phú Yên)