Trong sự phát triển chung của ngành thủy sản Việt Nam, có một phần hỗ trợ không nhỏ của Vương quốc Đan Mạch. Ngài John Nielsen (ảnh), Đại sứ Vương quốc Đan Mạch tại Việt Nam chia sẻ niềm tự hào với phóng viên Tạp chí Thủy sản Việt Nam, đồng thời cũng “tiết lộ” một số cơ hội hợp tác thương mại song phương giữa hai nước.

Có thể nói Danida là một trong những nhà tài trợ lớn nhất cho ngành thủy sản Việt Nam và đã có nhiều đóng góp vào sự tăng trưởng của ngành trong suốt 18 năm qua. Ngài Đại sứ chia sẻ niềm tự hào đó như thế nào?
Vâng, quả thật vậy. Ngành thủy sản Việt Nam đã rất thành công về mặt tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo. Đây là ngành tương đối năng động và đã có nhiều tiến bộ nhanh chóng cùng với sự hỗ trợ của Danida trong suốt 18 năm qua. Bắt đầu từ năm 1993, Đan Mạch đã hỗ trợ liên tục cho ngành thủy sản Việt Nam. Chương trình Hỗ trợ ngành thủy sản giai đoạn II (FSPS II) hiện nay vẫn tiếp tục cho đến cuối năm 2012.
Ngài Đại sứ đánh giá ra sao về tiềm năng cũng như những thách thức của ngành thủy sản Việt Nam?
Ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đã trở thành một ngành công nghiệp cốt lõi, đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu. Với chiều dài bờ biển gần 3.260 km, vùng đặc quyền kinh tế hơn 1 triệu km2 và diện tích mặt nước ngọt và nước lợ rộng lớn, Việt Nam có lợi thế rất lớn về nguồn tài nguyên nuôi trồng thủy sản cũng như các điều kiện thuận lợi về đánh bắt thủy sản. Theo một nghiên cứu gần đây (2009) của Tổ chức Nông Lương Thế giới (FAO), Việt Nam là một trong số 20 nước dẫn đầu về thủy sản, đứng thứ 3 về sản lượng nuôi trồng thủy sản (sau Trung Quốc và Ấn Độ) và đứng thứ 8 về xuất khẩu các sản phẩm thủy sản.
Trong những năm gần đây, ngành thủy sản của Việt Nam tăng trưởng rất ấn tượng, giá trị xuất khẩu hàng năm tăng 10 - 20%, đóng góp khoảng 4% GDP, chiếm 8% trong số danh mục các mặt hàng xuất khẩu. Xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam chiếm vị trí thứ tư sau dầu thô, dệt may và giày dép.
2009 có lẽ là năm thử thách lớn nhất đối với ngành thủy sản Việt Nam khi đất nước các bạn chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các quy định quốc tế mới và các vấn đề về chất lượng sản phẩm thủy hải sản. Tuy nhiên, dù doanh thu từ xuất khẩu giảm sút nhưng Việt Nam vẫn giữ vững vị trí của mình là một nước xuất khẩu thủy hải sản lớn. Năm 2010, Việt Nam đạt doanh thu xuất khẩu thủy hải sản là 5 tỷ USD và sản xuất được 5,2 triệu tấn sản phẩm thủy sản. Đây là những tín hiệu lạc quan về triển vọng phát triển của ngành thủy sản Việt Nam.
Đại sứ Vương quốc Đan Mạch John Nielsen và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Việt Nam Cao Đức Phát tại Lễ ký kết gia hạn Chương trình FSPS II đến năm 2012
Sắp tới, phía Đan Mạch có những dự án nào để tiếp tục hỗ trợ cho ngành thủy sản Việt Nam, thưa Ngài Đại sứ?
Tôi nghĩ rằng, ngành thủy sản Việt Nam đủ mạnh để tiếp tục tiến bước trong hợp tác và phát triển. Trong năm tới, Đan Mạch sẽ nỗ lực tăng cường mối quan hệ hợp tác thương mại với các đối tác Việt Nam trong ngành thủy sản để những thành quả ngày hôm nay được phát triển hơn nữa.
Tôi nói điều này bởi vì giao dịch thương mại hai chiều trong lĩnh vực thủy sản giữa hai nước vẫn còn khá khiêm tốn, mặc dù Đan Mạch đã tham gia vào ngành thủy sản Việt Nam suốt một thời gian dài. Khi chia sẻ ý tưởng này với Ngài Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Việt Nam Cao Đức Phát trong một cuộc họp vào tháng 11/2010, tôi đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía Ngài Bộ trưởng. Gần đây, chúng tôi đã tập trung thảo luận các cơ hội thương mại tiềm năng cho cả hai phía – các công ty của Việt Nam và Đan Mạch với một số hiệp hội thủy sản của Việt Nam như VASEP và VINAFIS. Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì tốt nhất để có thể xúc tiến các cơ hội này.
Ngài vừa nói về cơ hội hợp tác thương mại tiềm năng trong ngành thủy sản hai nước, vậy Ngài có thể cho biết những lĩnh vực cụ thể trong ngành thủy sản hoặc các ngành khác có thể mang đến các cơ hội thương mại này?
Chúng ta đều biết rằng, thị trường của các sản phẩm thủy hải sản ngày càng có sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn và Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều yêu cầu ngày càng tăng về chất lượng từ phía các thị trường lớn như Mỹ và EU.
Đan Mạch nổi tiếng về công nghệ và chuyên môn trong lĩnh vực an toàn thực phẩm trong mọi công đoạn. Nuôi trồng thủy sản áp dụng các phương pháp thân thiện môi trường cũng là một trong những điểm mạnh của chúng tôi. Ngoài ra, trang thiết bị và máy móc là mặt hàng nhập khẩu và xuất khẩu lớn nhất trong ngành công nghiệp thủy sản Đan Mạch. Trong mối quan hệ thương mại giữa hai nước, chúng tôi có thể cung cấp những trang thiết bị thích hợp và hiện đại cho các tàu đánh cá và cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam.
Bên cạnh ngành thủy sản, tôi tin rằng còn những ngành khác đầy tiềm năng và có thể tạo ra những cơ hội thương mại, ví dụ như: năng lượng, nông nghiệp, giáo dục... Vì thế, chúng ta cần phải tìm hiểu hơn nữa trong thời gian tới.
Với cương vị là Đại sứ của Vương quốc Đan Mạch tại Việt Nam, Ngài sẽ làm gì để tạo điều kiện cho các cơ hội như vậy?
Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể bằng cách thảo luận thêm với các cơ quan và các bên liên quan của Đan Mạch và Việt Nam. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ thực hiện các bước cụ thể để giúp đỡ các công ty, các doanh nghiệp trong vấn đề này. Tôi tin rằng hướng đi này sẽ mang lại lợi ích thương mại song phương giữa hai nước.
Trân trọng cảm ơn Ngài Đại sứ!
Đan Mạch có nền kinh tế thị trường hiện đại và một nền công nghiệp chuyên môn hóa, năng động. Do thị trường nội địa nhỏ bé, kinh tế Đan Mạch chủ yếu dựa vào việc trao đổi thương mại với nước ngoài. Thặng dư tài chính quốc gia năm 2005 là 4,9% BNP, năm 2006 là 4,2% BNP. GDP năm 2010 là 311,9 tỷ USD, thu nhập bình quân khoảng 55.000 USD/người/năm. Cán cân thanh toán các năm gần đây là thặng dư và nhà nước hầu như không có nợ nước ngoài.
Hồng Thắm (Thực hiện)
Nguồn: TSVN