Công tác dự báo ngư trường cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục
để có thể đáp ứng yêu cầu thông tin từ thực tiễn sản xuất; cần triển khai
hệ thống thu thập dữ liệu đồng bộ để đáp ứng mô hình dự báo đạt hiệu quả
cao.
Ngày 23/2, tại Hội thảo “Công tác dự báo ngư trường khai thác hải sản”,
Bộ trưởng Bộ NN&PNTN Cao Đức Phát cho rằng, công tác dự báo ngư trường khai
thác hải sản là nhiệm vụ của ngành NN&PTNT. Tuy nhiên, với tần suất và số
lượng dự báo như hiện nay (2 lần/1 năm) là chưa đạt yêu cầu. Trong khi đó,
số liệu đầu vào cho công tác dự báo chưa xác định được có thể tự làm đến
đâu, dựa vào nguồn của ngư dân ở mức nào. Vì thế, cần có cơ chế, cơ sở pháp
lý cụ thể để ngư dân ghi nhật ký.
Theo ông Hoàng Đình Yên, Phó Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi
thủy sản, năm 2007, Viện Nghiên cứu hải sản tiếp tục được giao nhiệm
vụ thực hiện dự báo ngư trường khai thác hải sản. Tuy nhiên, với nguồn kinh
phí hạn hẹp và các số liệu, thông tin về sinh học, hải dương và môi trường
biển chưa gắn kết với các số liệu về giám sát sản lượng khai thác nên chất
lượng dự báo mới chỉ dừng lại ở việc phục vụ công tác quy hoạch, quản lý
nguồn lợi, chỉ đạo sản xuất trên biển.
Trước thực trạng này, đại diện Viện nghiên cứu Hải sản kiến nghị, công tác
dự báo ngư trường cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục để có thể
đáp ứng yêu cầu thông tin từ thực tiễn sản xuất. Cần triển khai hệ thống
thu thập dữ liệu đồng bộ để đáp ứng mô hình dự báo đạt hiệu quả cao.
Đặt ra một loạt vấn đề còn bất cập, cần giải quyết ngay nhằm nâng cao chất
lượng dự báo ngư trường, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị ngành thủy sản xác
định rõ công việc đang thực hiện cũng như nội dung, phương pháp triển khai.
Từ đó mới xác định được tổ chức như thế nào, không chỉ xử lý số liệu ở
Trung ương mà còn có cả một hệ thống bao gồm cả guồng máy nhân lực, phương
tiện cần phải tăng cường chứ không đơn thuần chỉ có phần mềm là giải quyết
được.
Bộ trưởng yêu cầu ngành thủy sản không thể để công tác dự báo ngư trường
gián đoạn chỉ vì thiếu kinh phí. Nếu cần thiết, có thể thành lập 1 trung
tâm chuyên biệt về vấn đề này. Bộ NN&PTNT sẵn sàng gửi cán bộ đi đào tạo
tại nước ngoài hoặc điều chỉnh dự án hiện có, lập dự án mới. Về lâu dài
phải tiếp tục nghiên cứu mối tương quan, các đề tài làm cơ sở cho dự báo
lâu dài.
*Theo Chính phủ*