Ngày 17/12/2015, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Bộ Ngoại giao tổ chức Hội thảo “Nâng cao hiệu quả hợp tác nông nghiệp trong giai đoạn mới của hội nhập quốc tế”.
Đánh giá về những kết quả của ngành nông nghiệp đạt được trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, sau gần 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đã đóng góp một phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sản xuất nông nghiệp liên tục tăng trưởng và duy trì tốc độ ổn định từ 3%-4%/năm. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản luôn suất siêu, góp phần cân đối cán cân thương mại và liên tục tăng cao từ 4,2 tỷ USD năm 2000 lên 30,8 tỷ USD năm 2014.
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, nhưng ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa khai thác hết những lợi thế do hội nhập kinh tế quốc tế đem lại. Đồng thời, đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới liên quan đến nâng cao vị thế cạnh tranh, các vấn đề liên quan đến bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, trình độ công nghệ sản xuất.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, song song với những việc triển khai trong nước, Việt Nam đang tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng với việc tham gia đàm phán ký kết thêm nhiều Hiệp định thương mại tự do song phương và liên khu vực. Bối cảnh hội nhập tạo thêm nhiều cơ hội và thách thức cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Với các ưu đãi về thuế của các khuôn khổ FTA mà Việt Nam đang và sẽ tham gia, nhiều mặt hàng nông, thủy sản Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận các thị trường nhập khẩu rộng lớn. Bên cạnh đó, các nông, thủy sản Việt Nam cũng chịu sức ép cạnh tranh ngày càng nhiều hơn ở thị trường trong nước và nước ngoài.
Còn theo Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Trần Công Thắng, khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhiều nông, thủy sản Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế để xuất khẩu sang thị trường các nước.
Tại Hội thảo, các đại biểu từ Đại sứ quán Nhật Bản, Nga, Úc, Đức… đã có bài tham luận tập trung vào các giải pháp nhằm nâng cao sức cạnh tranh của các mặt hàng nông, thủy sản Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.
Theo các đại biểu, cần nâng cao hiểu biết về hội nhập, tuyên truyền nội dung của các hiệp định và những tác động đến các cơ quan quản lý nông nghiệp, doanh nghiệp, thương lái, nông dân, hợp tác xã. Hỗ trợ xây dựng hệ thống tiêu chuẩn để đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu, chống hàng nhập khẩu kém chất lượng.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, hợp tác đầu tư, xây dựng thông tin, mạng lưới thương mại giữa các nước, phổ biến các quy định, cập nhật chính sách cho các nhà đầu tư, xuất nhập khẩu. Tổ chức diễn đàn trao đổi thông tin, kết nối doanh nghiệp các nước. Đánh giá, nghiên cứu thị trường, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp trong nước, người nông dân.
Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác trong nghiên cứu khoa học, đào tạo, tăng cường trao đổi khoa học công nghệ giữa các nước, tận dụng cơ hội hội nhập để tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến về giống, công nghệ cao trong canh tác, nuôi trồng, chế biến, bảo quản… Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng nhấn mạnh: “Hội nhập kinh tế quốc tế là phù hợp với lợi ích lâu dài, không thể xây dựng nền kinh tế vững mạnh nếu không có mở cửa hội nhập; Thực hiện tốt tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững”./.
Đoàn Thu Hà