Một loài mực đã được phát hiện thấy mang theo hàng trăm quả trứng trong những cánh tay của mình. Đây là loài mực đầu tiên được biết tới chăm sóc lứa con của mình sau khi đẻ ra.
Thông thường các con mực chỉ thả trứng xuống đáy biển và để mặc chúng tự xoay xở. Nay các nhà khoa học đã quay được cảnh con mực Gonatus onyx chăm sóc mẻ trứng của mình như thế nào.
Nhà sinh vật học Brad Seibel tại Đại học Rhode Island, Mỹ, từng nghi vấn khi năm 1995, ông và cộng sự đã bắt được cả con mực và mẻ trứng của nó trong một mẻ lưới. Một năm sau, ông cũng bắt được một con khác và rất nhiều mực con trong cùng một lưới. Điều này khiến ông và cộng sự giả thuyết rằng con mực có thể đã trông nom bọc trứng cho đến khi chúng nở ra.
Hợp tác với Bruce Robison và Steven Haddock tại Viện nghiên cứu thuỷ sinh vịnh Monterey ở California, Mỹ, Seibel đã ghi được hình ảnh của bà mẹ bảo vệ đàn con ở dưới độ sâu 2.500 m.
Sau 5 năm quan sát, nhóm đã phát hiện thấy 5 con mực cái mang theo các bọc gồm 2.000-3.000 trứng. Chúng ôm bọc trứng bằng 2 hàng móc nằm dưới 3 trong 4 đôi tay. Bọc trứng được tạo thành từ 2 màng mỏng tạo nên một đường ống mở 2 đầu. Con mực vẫy tay để nước tràn qua nhằm thông hơi cho các quả trứng.
Trước đây người ta vẫn cho rằng mực không thể mang trứng theo bởi các loài thường suy kiệt sức lực rất nhanh sau khi đẻ trứng. Đa số con mực sẽ mềm nhũn ra bởi các cơ của chúng đã suy yếu sau khi đẻ và chết ngay sau đó.
Nhưng loài này tỏ ra khá khoẻ mạnh sau khi đẻ trứng. Tuy vậy, con mẹ cũng yếu dần đi khi trứng lớn dần lên, bởi nó không thể kiếm ăn khi ôm ấp bầy con. Nhóm tin rằng con mẹ sẽ mang trứng theo bằng cách này trong vòng 6-9 tháng cho đến khi các quả trứng nở ra, và vào lúc đó thì nó sẽ hoàn toàn suy kiệt.
Theo VnExpress, Aquabirdvn