1. MỞ ĐẦU

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, nghề cá Việt Nam trong những năm qua đã có những bước phát triển đáng kể và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của đất nước. Sự phát triển của nghề cá Việt Nam dựa trên 2 lĩnh vực chính đó là khai thác hải sản và nuôi trồng thuỷ sản. Trong đó lĩnh vực khai thác hải sản có vai trò rất quan trọng. Khai thác hải sản đã tạo ra việc làm và thu nhập cho hàng triệu lao động, góp phần vào công cuộc xoá đói giảm nghèo cho đất nước và bảo vệ an ninh chủ quyền trên các vùng biển của tổ quốc.

Tuy nhiên, lĩnh vực khai thác hải sản nói chung và khai thác hải sản ven bờ nói riêng đang phải đối mặt với những thách thức lớn như: nguồn lợi hải sản ven bờ đang bị khai thác quá mức cho phép, ngư cụ đánh bắt mang tính huỷ diệt vẫn đang tồn tại và phát triển, cơ cấu nghề nghiệp phân bố chưa hợp lý, rủi ro cao trong quá trình lao động sản xuất trên biển, sự cạnh tranh giữa các tàu khai thác hải sản ngày càng khốc liệt nên thu nhập của các tàu đánh cá ngày một suy giảm,…Trong khi đó nghề cá xa bờ đang gặp những khó khăn về trình độ khoa học công nghệ và hiểu biết về ngư trường khai thác còn hạn chế, nên hiệu quả mang lại chưa cao.

Để đảm bảo cho nghề cá nói chung và nghề khai thác hải sản nói riêng phát triển một cách bền vững, cần phải có những đánh giá một cách chính xác về hiện trạng kinh tế xã hội nghề cá của mỗi địa phương từ đó đưa ra những chính sách phát triển nghề cá cho phù hợp.

Trong phạm vi của báo cáo này, chỉ trình bày một số vấn đề về kinh tế - xã hội nghề cá của một số địa phương thuộc khu vực vịnh Bắc Bộ bao gồm các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hoá.

2. TÀI LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Tài liệu sử dụng:

- Sử dụng báo cáo tổng kết hàng năm của các Sở Thuỷ sản.

- Báo cáo tổng kết hàng năm của ngành Thuỷ sản

- Các báo cáo tổng kết đề tài của Viện Nghiên cứu Hải sản.

- Số liệu thống kê hàng năm của các tỉnh điều tra.

2.2. Phương pháp nghiên cứu:

- Điều tra thu thập số liệu nghề cá tại các cơ quan quản lý nghề cá địa phương.

- Phân tích và xử lý số liệu trên phần mềm Exel, Access.

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. Tàu thuyền khai thác hải sản

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển chung của ngành thuỷ sản, ngành khai thác hải sản cũng có những bước tiến đáng kể. Từ sau khi thực hiện Đề án cho vay vốn phát triển đóng tàu khai thác hải sản xa bờ của Nhà nước được thực hiện từ năm 1997, cơ cấu đội tàu khai thác hải sản cũng như quy mô có những thay đổi rõ rệt. Số lượng tàu thuyền tham gia khai thác hải sản của 6 tỉnh trong giai đoạn từ 2000 - 2006 thể hiện trên hình số 1 và 2.

Hình 1: Diễn biến số lượng và công suất máy của tàu thuyền 6 tỉnh giai đoạn 2000 – 2006

Hình 2: Cơ cấu tàu thuyền máy theo nhóm công suất giai đoạn 2000 - 2006

Tổng số tàu thuyền của 6 tỉnh thuộc khu vực vịnh Bắc Bộ năm 2006 có 18.570 chiếc, trong đó, tàu thuyền máy có 15.471 chiếc với tổng công suất 468.933 cv. Công suất trung bình là30,31 cv/tàu, tăng 8,69 cv/tàu so với năm 2000.

Giai đoạn 2000 - 2006 số lượng tàu thuyền máy tăng trung bình 4,29%/năm, tổng công suất tăng 9,03%/năm. Trong giai đoạn này tỷ lệ tăng tổng công suất nhanh hơn tỷ lệ tăng số lượng tàu thuyền máy rất nhiều, điều này chứng tỏ số lượng tàu thuyền máy có công suất lớn tăng khá nhanh (công suất trung bình tăng từ 21,62 cv/tàu năm 2000 lên 30,31 cv/tàu năm 2006).

Số lượng tàu thuyền thủ công trong giai đoạn 2000 - 2006 có sự biến động không đồng đều theo quy luật và có xu hướng tăng, giảm không rõ ràng. Tuy nhiên số lượng tàu thuyền thủ công năm 2006 có xu hướng giảm nhẹ so với vài năm trước.

Cũng tương tự như vậy, số lượng tàu thuyền máy cũng có sự biến động không đều qua từng năm nhưng vẫn có xu hướng tăng dần trong giai đoạn này.

- Nhóm tàu có công suất máy < 20 cv có xu hướng giảm nhẹ so với tổng số tàu thuyền hàng năm trong giai đoạn 2000 - 2006. Năm 2000, số lượng tàu có công suất máy < 20 cv chiếm 75,20% trong tổng số tàu thuyền máy, đến năm 2006, số tàu này đã giảm xuống còn 62,40% so với tổng số tàu thuyền.

- Nhóm tàu có công suất 20 - 49 cv, 50 - 89 cv và > 90 cv cũng có xu hướng tăng nhẹ về tỷ lệ tàu thuyền hàng năm.

3.2. Cơ cấu nghề khai thác hải sản

Cơ cấu nghề nghiệp khai thác hải sản của 6 tỉnh tính đến hết năm 2006 thể hiện trên hình 3

Hình 3: Cơ cấu nghề khai thác hải sản của 6 tỉnh năm 2006

Trong toàn vùng đã có 25 loại nghề khai thác hải sản khác nhau được sắp xếp trong 6 họ nghề chính, gồm:

* Nghề lưới rê:

Nghề lưới rê là nghề phát triển mạnh nhất tại 6 tỉnh điều tra. Tổng số tàu thuyền làm nghề lưới rê tại 6 tỉnh năm 2006 có 7.079 chiếc, chiếm 38,12% tổng số tàu thuyền làm nghề khai thác hải sản.

Lưới rê ở các tỉnh ven biển vịnh Bắc Bộ rất đa dạng về chủng loại nghề, bao gồm rất nhiều loại nghề được đặt tên theo đối tượng đánh bắt như: rê thu ngừ, rê cá chim, rê chuồn, rê trích, rê bạc má, rê 3 lớp mực, rê ghẹ...

Sản phẩm của nghề rê tuy có chọn lọc nhưng chất lượng thường bị giảm sút do cá bị mắc lưới và thời gian khai thác của mỗi mẻ lưới kéo dài.

* Nghề lưới kéo:

Chiếm 22,32% trong tổng số đơn vị nghề, trong đó có 3 loại nghề chính là lưới kéo đôi cá, lưới kéo đơn cá và lưới kéo tôm. Đa số các tàu lưới kéo cá đều trang bị máy có công suất lớn và khai thác ở vùng biển xa bờ. Tỉnh có tỷ lệ tàu làm nghề lưới kéo cao nhất vùng là tỉnh Quảng Ninh, chiếm 43,55% trong tổng số đơn vị nghề lưới kéo của 6 tỉnh điều tra.

* Nghề lưới vây:

Nghề lưới vây là nghề kém phát triển ở 6 tỉnh điều tra. Tổng số tàu thuyền làm nghề lưới vây của 6 tỉnh chỉ có 303 chiếc, chiếm 1,63% tổng số đơn vị nghề và chủ yếu làm nghề vây ánh sáng.

* Nghề câu:

Họ nghề câu chiếm 5,19% tổng số đơn vị nghề, trong đó chia ra 3 loại chủ yếu gồm: câu mập, câu thu - ngừ, câu cá vùng rạn, câu mực. Đa số sử dụng tàu thuyền có công suất bé, không an toàn trong quá trình khai thác. Nghề câu phát triển nhất ở Thanh Hoá với 736 đơn vị nghề hoạt động chiếm 76,43% trong tổng số tàu thuyền làm nghề câu.

* Họ nghề cố định:

Họ nghề này chiếm 11,22 % tổng số đơn vị nghề của 6 tỉnh điều tra. Chủ yếu là nghề đăng, đáy, lờ, bóng cá, bóng mực. Họ nghề cố định phát triển nhất ở tỉnh Quảng Ninh do đặc điểm của vùng biển tỉnh Quảng Ninh có nhiều eo ngách, cửa sông và các rạn đá thuận tiện cho nghề này hoạt động. Tiếp đến là các tỉnh Hải Phòng, Nam Định.

* Họ nghề khác:

Họ nghề này chiếm 21,52% trong tổng số đơn vị nghề, trong đó có một số loại nghề phát triển mạnh như nghề chụp mực hoạt động ở vùng biển xa bờ.

Nghề chụp mực hiện nay chủ yếu là hoạt động kiêm nghề với một số nghề như: câu, vây, mành...Nghề này phát triển mạnh ở Quảng Ninh, Hải Phòng.

Ngoài ra, nghề lưới vó, mành cũng phát triển khá mạnh ở các tỉnh điều tra. Nghề này chủ yếu đánh bắt các loại cá nổi nhỏ như cá trích, cá cơm... Họ nghề này thường trang bị tàu thuyền có công suất nhỏ.

3.3. Sản lượng khai thác

Diễn biến sản lượng khai thác của 6 tỉnh khu vực vịnh Bắc Bộ thể hiện trên hình 5.

Hình 4: Biến động về sản lượng khai thác của 6 tỉnh giai đoạn 2000 - 2006

Tổng sản lượng khai thác hải sản của 6 tỉnh điều tra tính đến hết năm 2006 đạt 188.408 tấn, chiếm 10,35% trong tổng sản lượng khai thác hải sản trên toàn quốc. Trong đó Thanh Hoá là tỉnh có sản lượng khai thác cao nhất trong số các tỉnh điều tra, đạt 55.570 tấn, chiếm 29,45% trong tổng sản lượng khai thác của 6 tỉnh. Tiếp đến là Quảng Ninh đạt 34.978 tấn (chiếm 18,56%) và thấp nhất là Ninh Bình đạt 3.141 tấn, chiếm 1,67% sản lượng khai thác.

Trong giai đoạn từ 2000 đến 2006 tổng sản lượng khai thác hải sản tăng bình quân hàng năm là 6,65%. Tuy nhiên, xu hướng tăng của sản lượng khai thác không đồng đều hàng năm và có chiều hướng đi xuống. Năm 2002, sản lượng khai thác tăng 8,99% nhưng đến năm 2006 sản lượng khai thác chỉ tăng 2,83%. Điều này cho thấy nguồn lợi hải sản đang ngày càng bị khai thác quá mức.

Theo các kết quả điều tra, tỷ trọng sản lượng khai thác một số loài hải sản cho thấy: Cá là đối tượng khai thác chính của 6 tỉnh điều tra, tuy nhiên do sự giảm sút về chất lượng nguồn lợi nên hiệu quả thu được không cao. Phần lớn cá thu được là các loài cá tạp có giá trị kinh tế thấp như cá trích, cá nục ...

3.4. Lao động trong khai thác hải sản

a. Số lượng lao động

Lao động trong khai thác hải sản của 5 tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình giai đoạn 1997 - 2003 thể hiện trên hình 5.

Hình 5: Biến động về lao động trong khai thác hải sản giai đoạn 1997 - 2003

Qua bảng trên cho thấy lao động trong khai thác hải sản của 5 tỉnh điều tra trong giai đoạn từ 1997 - 2003 có sự biến động hàng năm. Số lượng lao động giảm mạnh trong những năm từ 1999 - 2000, sau đó lại giảm mạnh trong những năm tiếp theo. Trong đó Quảng Ninh là địa phương có số lượng lao động tăng nhiều nhất trong giai đoạn này (khoảng 10.000 lao động) và Hải Phòng địa phương có số lượng lao động giảm nhiều nhất (khoảng 3.000 lao động).

b. Trình độ văn hoá của lao động trong lĩnh vực khai thác thuỷ sản

Qua kết quả điều tra cho thấy: lao động khai thác hải sản có trình độ văn hoá thấp. Số lao động có trình độ văn hoá cấp 2 chỉ chiếm 20%, còn lại là cấp 1 và chưa biết chữ. Phần đông lao động khai thác hải sản là lao động nghèo, không có vốn để mua sắm phương tiện khai thác mà chỉ sống bán ngư (đặc biệt là các đội tàu có công suất máy < 50 cv).

Hầu hết thuyền trưởng, máy trưởng và thuỷ thủ trên tàu cá đều đánh bắt theo kinh nghiệm, chưa đủ khả năng để sử dụng những thiết bị hiện đại. Vì vậy, ý thức bảo vệ và tái tạo nguồn lợi của lao động khai thác là rất kém.

Theo thống kê của Bộ Thuỷ sản, có khoảng 68% lao động khai thác chưa tốt nghiệm tiểu học, hơn 20% tốt nghiệp tiểu học, gần 10% có bằng trung học cơ sở và 0,65% có bằng ở các trường dậy nghề hoặc đại học.

4. KẾT LUẬN - KHUYẾN NGHỊ

4.1. Kết luận

+ Đến năm 2006, tổng số tàu thuyền làm nghề khai thác hải sản của 6 tỉnh có 18.570 chiếc với tổng công suất máy 468.933 cv. Công suất trung bình tàu thuyền máy là 30,31 cv/tàu. Giai đoạn 2000 - 2006 số lượng tàu thuyền máy tăng trung bình 4,29%/năm, tổng công suất tăng 9,03%/năm. Công suất trung bình tăng từ 21,62 cv/tàu năm 1997 lên 30,31 cv/tàu năm 2006.

+ Số lượng tàu thuyền lắp máy có công suất < 20 cv và tàu thuyền thủ công có xu hướng giảm nhẹ trong giai đoạn 2000 - 2006. Tuy nhiên các nhóm tàu này vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số tàu thuyền khai thác hải sản của 6 tỉnh (năm 2006 tàu thuyền thủ công chiếm 16,69%, tàu có công suất máy < 20 cv chiếm 37,45%).

+ Toàn vùng đã có 25 loại nghề khai thác hải sản khác nhau được sắp xếp trong 6 họ nghề chính, gồm: Họ lưới rê, họ lưới kéo, lưới vây, nghề câu, nghề cố định và họ nghề khác. Trong đó nghề lưới rê là nghề phát triển mạnh nhất, chiếm 38,12% tổng số tàu thuyền làm nghề khai thác hải sản 6 tỉnh năm 2006. Tiếp đến là nghề lưới kéo, chiếm 22,32%. Tuỳ thuộc vào mỗi địa phương mà có cơ cấu tàu thuyền làm nghề khác nhau.

+ Trong giai từ 2000 đến 2006 tổng sản lượng khai thác hải sản tăng trung bình hàng năm là 6,65%. Tuy nhiên, xu hướng tăng của sản lượng khai thác có chiều hướng đi xuống. Năm 2002, sản lượng khai thác tăng 8,99% nhưng đến năm 2006 sản lượng khai thác chỉ tăng 2,83%. Điều này cho thấy nguồn lợi hải sản đang ngày càng bị khai thác quá mức.

+ Lao động trong khai thác hải sản

- Lao động trong khai thác hải sản có sự biến động mạnh trong giai đoạn 1997 - 2003. Số lượng lao động giảm trong những năm từ 1999 - 2000, sau đó lại tăng mạnh trong năm 2002 và lại giảm trong năm tiếp theo. Điều này thể hiện sự thiếu ổn định của lao động trong nghề cá.

- Trình độ văn hoá của lao động khai thác thủy sản quá thấp, nên không ý thức được trách nhiệm nghề nghiệp, không ý thức được việc bảo vệ môi trường và nguồn lợi hải sản. Mặc dù đây là vấn đề bảo vệ tài nguyên Quốc gia cũng như lợi ích lâu dài của chính họ.

- Đa số lực lượng lao động trong lĩnh lực khai thác là người nghèo, không có khả năng vốn đầu tư thiết bị hiện đại để vươn ra đánh bắt xa bờ. Tình trạng mất ổn định trong lao động khai thác đã và đang xảy ra mà không quản lý được.

4.2. Khuyến nghị

- Cần phải có những biện pháp cụ thể nhằm điều chỉnh cơ cấu tàu thuyền, ngư cụ vì nếu để nghề cá phát triển một cách tự do không có quy hoạch như hiện nay sẽ làm cho nguồn lợi hải sản, nhất là nguồn lợi hải sản vùng gần bờ ngày càng bị suy giảm nghiêm trọng.

- Nghề cá Việt Nam nói chung và nghề cá 6 tỉnh ven biển vịnh Bắc Bộ nói riêng là nghề cá quy mô nhỏ, phần lớn số lượng tàu thuyền tham gia khai thác hải sản là tàu thuyền nhỏ. Cơ sở hạ tầng của nghề cá nhìn chung còn nghèo nàn, đời sống của ngư dân thấp. Cần phải có những chính sách và chương trình phù hợp để từng bước đưa ngành Thuỷ sản vào thế phát triển ổn định bền vững.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tổng cục thống kê (http://www.gso.gov.vn). Các số liệu thống kê về nghề cá các địa phương.

2. STS các địa phương: Số liệu thống kê nghề cá các địa phương.

4. STS Quảng Ninh, 2001. Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thuỷ sản tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2001 – 2010.

5. STS Thái Bình, 2002. Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thuỷ sản Thái Bình đến năm 2010

6. Sở NN&PTNT Ninh Bình, 2005. Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2005 - 2010

7. Đoàn Văn Phụ, 2006. Đánh giá tình hình phát triển về lĩnh vực khai thác thuỷ sản Việt Nam Dựa trên các yếu tố kinh tế-xã hội môi trường và thể chế chính sách. Viện Nghiên cứu Hải sản, 1/2006.

8. Nguyễn Phi Toàn, 2007. Hiện trạng kinh tế xã hội nghề cá và tình hình khai thác của cộng đồng ngư dân ven biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Viện Nghiên cứu Hải sản, 8/2007.

Nguyễn Phi Toàn<br>Phòng NCCN Khai Thác - Viện Nghiên cứu Hải sản