Tại vùng biển miền Trung, sự cố tràn dầu đã tạm lắng. Tuy nhiên, ngay lúc này, khi mà tưởng như không còn đáng lo ngại về chuyện dầu tràn, thì vùng biển miền Trung lại chứng kiến những biểu hiện bất thường, hệ sinh thái có dấu hiệu thay đổi, nhiều lồng nuôi thuỷ sản chết hàng loạt.
Người dân miền biển hiểu biển hơn ai hết, nhưng lúc này cũng cho rằng, môi trường biển gần đây rất bất thường. Và đó cũng là lời giải thích từ phía những người nuôi tôm hùm trước mức thiệt hại hàng chục tỷ đồng do tôm hùm bị chết ở vùng biển Nam Trung bộ.
Đến lúc này, tôm hùm vẫn tiếp tục chết rải rác. Người nuôi tôm không thể biết đâu là cách xử lý hiệu quả, vì lẽ họ cũng chưa xác định rõ ràng, cụ thể ở từng vùng biển, tôm hùm chết vì nguyên do gì.
Mới đây, nhiều chuyên gia nuôi trồng thuỷ sản đã đưa ra phán đoán rằng, rất có thể tính liên kết trong hệ sinh thái môi trường biển bị phá vỡ từ sự cố tràn dầu. Lượng dầu tràn vào bờ tính ở vùng biển Phú Yên, đến nay được thu gom lên đến 100 tấn, nhưng đây chỉ mới là vón dầu bị sóng đưa vào bờ. Trong khi đó, váng dầu trên biển xâm nhập vào các đầm vịnh không phải là không có, điều này chưa ai kiểm soát, kể cả những ngư dân. Trong khi đó, các đầm vịnh là nơi tập trung của nghề nuôi thuỷ sản.
Dù biết rằng, mỗi lồng bè thuỷ sản là cả khối tài sản lớn, nhưng chính những ngư dân cũng không thể can thiệp, bởi đối phó với tai biến môi trường không phải là việc đơn giản. Ngư dân hy vọng những đợt thuỷ triều sẽ làm giảm áp lực gây hại từ dầu tràn, nhưng không ai dám chắc. Chương trình quan trắc môi trường đã được Bộ Thuỷ sản triển khai, song đến nay vẫn chưa giám sát từ xa sự cố tràn dầu. Lời khuyên từ phía ngành thủy sản lúc này là: Di dời lồng bè ra khỏi vùng bị ô nhiễm.