Sống bằng nghề khai thác sò gai, ngư dân ở nhiều vùng biển hàng ngày phải lặn hơn 20 mét nước, đào xới đáy biển. Đối mặt với sức ép của nước, cái lạnh giá vào mùa đông và cả sự hung dữ của biển cả, họ trở nên nhỏ bé với các phương tiện thô sơ, cũ kỹ.
Quảng Ngãi, một thợ lặn chuyên nghiệp nói với chúng tôi: Vào thành phố Quảng Ngãi bây giờ 10 quán nhậu thì có đến năm, sáu quán chuyên bán hải sản. Vì thế nghề lặn biển của tụi em cũng phải phát triển để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Thanh niên trai tráng như tụi em phải lặn biển mới có nhiều tiền chứ đi ghe đánh lưới thì chẳng đủ ăn tiêu. Thậm chí muốn giàu nhanh thì phải chơi hàng nóng (đánh mìn) rồi lặn mới bắt được hải sản quý.
Nếu như hàng quán bây giờ ở đâu cũng cần hải sản quý hiếm để phục vụ đông đảo giới ăn nhậu thì nghề lặn biển cũng phát triển như vũ bão. Từ vài chục thợ lặn, giờ đây trên đảo Lý Sơn có gần 500 thợ lặn chuyên nghiệp. Nếu lặn bắt hải sâm trong hải trình khoảng 15 ngày thì, ít nhất một thợ lặn cũng kiếm được từ 7 - 10 triệu đồng. Nếu liều lĩnh sử dụng phương pháp bị cấm là đánh mìn thì sau một chuyến đi 20 ngày, một thợ lặn có thể bỏ túi từ 25 - 30 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu vậy cũng đồng nghĩa sẽ dễ dàng bỏ luôn cả mạng sống giữa biển khơi. Không thể phủ nhận nghề lặn biển đã góp phần không nhỏ để thay đổi bộ mặt cho Lý Sơn hôm nay và cũng cần khẳng định nghề lặn biển, đánh mìn là nghề nguy hiểm và là tác nhân gây hủy hoại môi trường sinh thái biển của nước ta.
Dọc các tuyến biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, ở các khu tập trung nhiều người làm nghề lặn bắt hải sản như: Vân Đồn, Cô Tô, Yên Hưng (Quảng Ninh), khu vực biển Hải Hậu, Nghĩa Hưng (Nam Định), trên vùng biển Lý Sơn (Quảng Ngãi) hay bờ biển Nha Trang (Khánh Hòa), vùng Hà Tiên (Kiên Giang)... dễ thấy những người lặn biển, làm nghề mò tôm, cá. Ở các khu công nghiệp, công trình xây dựng ven biển và trên biển, để giảm chi phí, nhiều doanh nghiệp đã thuê mướn lao động mùa vụ vào làm công việc lặn, xây dựng công trình dưới nước.
Do thuê lao động mùa vụ nên nhiều doanh nghiệp đã "quên" làm hợp đồng lao động và mua bảo hiểm tai nạn rủi ro. Nhiều doanh nghiệp tắc trách, chưa quan tâm chú ý đến trang thiết bị bảo hộ, dụng cụ lao động bảo đảm tiêu chuẩn, nhất là các thiết bị phục vụ hoạt động dưới nước. Hiểu biết về nghề lặn biển trong nhân dân, nhất là những người làm nghề lặn biển còn rất bất cập, nên đã xảy ra những vụ việc đáng tiếc.
Nguyên nhân của những tai nạn của người làm nghề lặn biển nghiệp dư trước hết là sự thiếu hiểu biết, làm việc trong điều kiện phương tiện, dụng cụ bảo hộ lao động thiếu, hoặc có nhưng không đủ tiêu chuẩn. Hơn nữa, do lợi ích kinh tế, nhiều doanh nghiệp hoặc chủ cơ sở khai thác hải sản, người quản lý lao động đã không chấp hành tốt quy định sử dụng lao động, để người lao động làm việc quá lâu, quá sâu dưới nước, trong khi không bảo đảm các phương tiện, thiết bị y tế, cấp cứu ban đầu.
Để tránh tai nạn đáng tiếc cho những người làm nghề lặn biển, cần tuyên truyền, huấn luyện cho người lao động, người sử dụng lao động nhận thức rõ lao động lặn có tính đặc thù, cần có những quy định nghiêm ngặt về công tác an toàn. Nhất thiết người lao động lặn phải được trang bị những thiết bị bảo hộ lao động chuyên dụng, bảo đảm tiêu chuẩn và có thời gian nghỉ, giãn cách lao động hợp lý, có chế độ bồi dưỡng, chăm sóc, kiểm tra sức khỏe y tế định kỳ, kịp thời, theo tính chất của công việc. Các cơ sở sử dụng lao động lặn phải được trang bị những thiết bị, phương tiện cấp cứu chất lượng tốt, khi người lao động bị tai nạn cần được sơ cứu đúng cách và chuyển đến các cơ sở y tế chuyên ngành kịp thời, an toàn.
Các ngành, các địa phương cần rà soát, kiểm tra toàn diện các cơ sở sử dụng lao động lặn, chỉ cấp phép hành nghề cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, khai thác hải sản đạt tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn lao động lặn, kiên quyết xử lý trường hợp vi phạm, coi thường sinh mạng người lao động.
Thanh - Thủy (Nguồn monre.gov.vn)