Ai cũng biết rằng nồng độ oxy trong nước hạ thấp có thể gây nguy hiểm đối với các loài thủy sinh vật. Một nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí Environmental Science and Technology khẳng định rằng sự thiếu oxy cũng có thể khiến loài cá cái biến thành cá đực./P<>

Việc sử dụng bừa bãi phân bón và đổ chất thải công nghiệp xuống sông phần lớn là nguyên nhân gây giảm nồng độ oxy ở môi trường nước. Người ta ước tính trên khắp thế giới có 150 khu vực chính nghèo oxy, trong đó có Vịnh Mexico chiếm diện tích khoảng 20.000 km2.

Tình trạng thiếu oxy ở những khu vực này đe dọa sự sống còn của các loài thủy sinh vật. Theo nhà môi trường độc học Rudolf Wu thuộc trường Đại học Hong Kong, tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoóc-môn sinh dục của loài cá.

Để đi đến kết luận này, ông Wu đã nuôi những con cá bơn sọc trong nước nghèo oxy. Ít lâu sau khi ra đời, những con cá này có bộ sinh dục tương tự như buồng trứng. 10 ngày đến 1 tháng sau, gien và môi trường của chúng đã làm thay đổi sự sản xuất hoóc-môn.

120 ngày sau, ông Wu ghi nhận rằng 75% những con cá bơn sọc này là cá đực, trong khi ở môi trường có nồng độ oxy bình thường, chỉ có 60% là cá đực. Để giải thích điều này, nhà nghiên cứu đã đặc biệt quan tâm đến các enzym quyết định sự tổng hợp các hoóc-môn sinh dục. Ông ghi nhận rằng những con cá trẻ sống trong môi trường nghèo oxy có ít enzym này, khiến lượng testoterone tăng và tỉ lệ cá đực cũng tăng cao.

Ông Wu tự hỏi không biết tình trạng thiếu oxy có thể có những tác động tương tự ở người hay không. Các nghiên cứu trước đây đã từng chứng minh rằng những người sống ở trên độ cao hoặc bị chứng ngưng thở khi ngủ có tỉ lệ hoóc-môn hơi khác so với những người khác. Tuy nhiên còn lâu mới có thể khẳng định nồng độ oxy hạ thấp trong không khí có thể làm tăng số lượng em bé trai ra đời trên Trái Đất!


Theo HTV, khoahoc