Các nhà khoa học đã đưa ra lời cảnh báo: "Lượng carbon quá dư thừa trong không khí đang gây ra sự phá huỷ nghiêm trọng đối với môi trường và việc giảm thiểu đáng kể sự phát tán carbon là rất cần thiết để ngăn chặn sự tàn phá hơn nữa".
Một báo cáo của Viện Khoa học hàng đầu nước Anh cho thấy mật độ carbon trong không khí tăng là do việc đốt các nhiên liệu hình thành từ xác động vật đã làm tăng đột ngột độ axit của nước biển dẫn đến việc hệ sinh thái biển bị đe doạ nghiêm trọng.
Các loài sinh vật biển như san hô, các loài động vật có vỏ và sao biển dường như đang phải gánh chịu sự đe doạ này vì nồng độ axit cao sẽ gây khó khăn cho chúng trong quá trình hình thành vỏ và xương.
Bản báo cáo cũng dự báo cho đến cuối thế kỷ 21 này, một số loài sinh vật phù du - một nguồn thức ăn chính của các loài sinh vật biển khác cũng khó có khả năng hình thành vỏ canxi carbonate của chúng.
Các loài động vật biển lớn hơn như mực ống sẽ phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng khi chúng không còn có thể hấp thu nguồn ôxy ít ỏi từ nước biển và nguồn thức ăn ngày càng bị thu hẹp lại.
Kết hợp với các ảnh hưởng của việc thay đổi khí hậu, sự axit hoá của biển cũng đặt ra một sự đe doạ đối với các vỉa ngầm vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới như vỉa san hồ ngầm lớn nhất ở Australia. Hàng trăm ngàn các loài sinh vật sống nhờ vào những vỉa đá ngầm này cũng giống như loài người chúng ta đang bị phụ thuộc vào nguồn thức ăn từ chúng. Bên cạnh đó, những vỉa đá ngầm này còn được coi như là hàng phòng thủ bờ biển tự nhiên.
Giáo sư John Raven thuộc Hiệp hội khoa học Hoàng gia Anh, chủ nhiệm nhóm nghiên cứu đề tài về sự axit hoá của biển cho biết: "Cùng với sự thay đổi khí hậu, nồng độ axit tăng của các biển và đại dương vẫn chưa được coi là một vấn đề đáng để chúng ta quan tâm về lượng carbon dioxide đang được thải ra hàng ngày vào bầu khí quyển".
"Các nhà lãnh đạo của các nước cần thẳng thắn đưa ra những hành động kiên quyết và xác thực nhằm cắt giảm sự phát tán carbon dioxide. Nếu không làm được điều này có nghĩa là trong tương lai sẽ không còn nơi trú chân cho nhiều loài sinh vật và hệ sinh thái biển như chúng ta biết hiện nay nữa".
Theo ông Raven thì việc đốt các nhiên liệu hình thành từ xác động vật trong hai thế kỷ qua đã làm thay đổi thành phần hoá học của nước biển nhanh hơn 100 lần so với hàng triệu năm trước đây.
Những biến đổi đó cũng có thể trực tiếp góp phần làm tăng nhiệt độ toàn cầu nếu các biển và đại dương đã bão hoà lượng carbon khi chúng không thể hấp thu hơn nữa lượng khí này phát tán trong khí quyển.
Trong hai thế kỷ qua, các biển và đại dương đã phải tiếp nhận khoảng ½ tổng lượng carbon do con người thải ra, ước tính chừng 1 tấn cho một người trên hành tinh mỗi năm.
Raven đưa ra nhận định: "Biển và đại dương đóng một vai trò thiết yếu đối với khí hậu trái đất và các hệ sinh thái tự nhiên, những nhân tố có mối liên hệ mật thiết với nhau. Nếu can thiệp một cách mù quáng vào một phần nào đó của hệ phức hợp này chúng ta sẽ có nguy cơ đối mặt với những hậu quả không lường trước được".
Bên cạnh việc cho chúng ta thấy nồng độ axit của nước biển là không thể thay đổi được trong thời điểm hiện tại, bản báo cáo cũng khuyến cáo rằng cần có những hành động cấp thiết để làm giảm lượng carbon trong không khí. Đồng thời, bản thông báo này còn kêu gọi các nghiên cứu sâu thêm nữa về tầm nghiêm trọng của sự axit hoá nước biển.
(Theo CNN, www.ciren.gov.vn )