Trao đổi về Việt Nam Biển với PGS TS Nguyễn Tác An - viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, trước chuyến đi công tác dài ngày của ông sang Pháp và Đức.
Báo động nào về chất lượng môi trường biển?
Chủ đề của Ngày Môi trường Thế giới (5/6) năm nay là "Chúng ta muốn biển và đại dương sống hay chết?". Từ chủ đề này, bạn đọc VietNamNet rất muốn biết hiện trạng về biển ở nước ta hiện nay...
- PGS Nguyễn Tác An: Hiện nay, nguồn lợi biển đang phải chịu hai thách thức to lớn. Đối với toàn cầu, đó là thách thức do sự thay đổi của khí hậu. Sự thay đổi của khí hậu có tác động đến nguồn lợi tài nguyên biển. Đối với Việt Nam là nước đang phát triển, có những khó khăn về mặt kinh tế, về chính sách thì thách thức ấy lại càng nhân lên gấp nhiều lần. Tiềm lực để giải quyết tai biến thiên nhiên, tiềm lực để đầu tư bảo vệ môi trường biển, tiềm lực để nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ biển ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế vì các khó khăn không phải là ít.
Xin nói cụ thể hơn về môi trường biển hiện nay?
- Trước đây, tôi làm chủ nhiệm đề tài "Giải pháp nâng cao chất lượng môi trường biển từ Bắc đến Nam". Hiện nay, tôi đang nghiên cứu một đề tài cấp Nhà nước về giải pháp kỹ thuật nâng cao chất lượng môi trường, phục hồi các hệ sinh thái quan trọng như san hô, tảo biển. Qua đó, có thể nói môi trường biển nói chung và môi trường biển ở Việt Nam vẫn còn "đạt yêu cầu", chưa bị ô nhiễm nhiều nhưng hạn chế là quản lý biển địa phương còn gặp những khó khăn, như ô nhiễm hữu cơ do nuôi trồng hải sản, tai nạn về tràn dầu, ô nhiễm rác thải do hoạt động du lịch, do hoạt động dân cư,...
Những ô nhiễm như vậy làm chất lượng nước giảm sút, hàm lượng vi sinh nhiều (có những nơi còn nhiều hơn mức cho phép đến vài trăm lần), hàm lượng ô nhiễm hữu cơ vượt mức cho phép do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp, ô nhiễm kim loại nặng do sử dụng hóa chất để khai thác vàng... Hệ sinh thái bị hủy hoại rất lớn, nuôi tôm thì phá rừng ngập mặn, đi du lịch thì phá hết quần đảo san hô, phá hoại rừng ven biển do quá trình phát trình phát triển kinh tế...
Còn vấn đề ô nhiễm do rác thải khó phân hủy như bao nhựa, polymer?
- Rác thải có chu kỳ phân hủy chậm như bao nhựa, polymer vẫn còn là vấn đề nan giải không chỉ ở Việt Nam mà ở rất nhiều nước khác trên thế giới. Khi những loại rác chất dẻo này bị vất xuống biển, chúng sẽ tạo thành những màng ngăn, khiến cho quá trình trao đổi khí giữa nước và đáy không thực hiện được, vùng đáy biển từ thoáng khí trở thành vùng yếm khí, phát sinh ra khí sunphua hydrô (H2S), gây nên mùi hơi thối, biến vùng nước sống thành vùng nước chết. Một khi đã biến thành vùng nước chết thì rất khó khăn để khôi phục lại được, hoặc phục hồi lại được thì cũng phải mất cả đời người.- từ 60 năm đến 100 năm sau mới khôi phục lại được.
Nghiên cứu biển là phải ở ngoài biển, tuy nhiên...
Mỗi năm, được biết Nhà nước đầu tư hơn mười tỷ đồng cho nghiên cứu khoa học về biển. Thế nhưng dường như nghiên cứu về biển ở Việt Nam dường như chỉ dừng lại ở ven bờ, chưa ra được biển sâu, đại dương?
Năm 2002, một chiến lược quốc gia về quản lý môi trường biển và ven biển đã được soạn thảo với sự trợ giúp của Ngân hàng Phát triển châu Á và Cơ quan Hợp tác Phát triển Thụy Sĩ. Chiến lược gồm sáu hợp phần: Quy hoạch quản lý tổng hợp biển và ven bờ cho các tỉnh duyên hải. Phát triển các khu bảo tồn biển và ven bờ. Quản lý tổng hợp nghề cá ven bờ. Phát triển và cải thiện sinh kế của các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương. Bảo vệ duyên hải Việt Nam thoát khỏi thiên tai và xói mòn ven biển. Kiện toàn khung môi trường hành động quốc gia, nâng cao nhận thức về môi trường, đánh giá ô nhiễm và giám sát. |
- Chúng tôi cũng xác định nghiên cứu biển là phải nghiên cứu ở ngoài biển, tuy nhiên nghiên cứu về biển rất tốn kém. Trong chừng mực đầu tư nghiên cứu của mình thì hầu hết mới tập trung ở vùng ven bờ, mặc dù vùng ven bờ cũng là vùng quan trọng của sự phát triển. Có khoảng 80-90% đề tài tập trung nghiên cứu ở vùng biển ven bờ.
Có thể nói: Mặc dù chúng tôi rất mong muốn vươn ra biển để nghiên cứu nhưng công cụ, trang thiết bị để nghiên cứu hầu như rất thiếu. Thậm chí đến nay, chúng tôi vẫn không có nổi một con tàu nghiên cứu để ra đại dương!
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực để làm việc trên biển cũng thuộc loại "khan hiếm". Lớp cán bộ được đào tạo ở nước ngoài từ những năm 1960-1970 thì đã đến tuổi sắp về hưu, lớp cán bộ trẻ kế cận thì không kịp bổ sung. Tuy ta cũng có trường đào tạo nhưng chỉ đào tạo chay, học Hải dương học nhưng không có điều kiện tiếp xúc với tàu bè, không có cơ hội ra biển, sinh viên ra trường không đáp ứng được yêu cầu. Cán bộ Viện Hải dương học mà mỗi năm mới được ra khơi (đại dương) một - hai chuyến thì sinh viên làm gì có cơ hội!
Cách đây 80 năm, trong điều kiện suy thoái kinh tế sau Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, thực dân Pháp vẫn bỏ tiền ra xây dựng Viện Hải dương học ở Nha Trang. Bởi vì họ xác định Viện Hải dương học là một đơn vị khoa học sẽ góp phần giải quyết các vấn đề kinh tế thông qua khai thác biển. Họ hy vọng phát triển về kinh tế biển sẽ là một nguồn lợi giúp khôi phục về mặt kinh tế.
PGS Nguyễn Tác An: Chúng ta sẽ nắm gì trong chiến lược về biển của một Việt Nam Biển? Chưa có câu trả lời chính thức! (Ảnh: Thu Thảo)
|
Ngày nay, Viện Hải dương học Nha Trang của chúng ta trông vẫn rất bề thế; các lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước đều có ghé thăm Viện. Hình thức thì rất là mạnh, nhưng đóng góp vẫn hết sức nhỏ bé và khiêm tốn. So với yêu cầu thực tế thì cần có sự đầu tư nhiều hơn nữa, đầu tư đúng hướng, tập trung. Các nhà hải dương học phải có cơ hội tung hoành nhiều ở biển, đi điều tra ngang dọc, sánh vai với các nước khác, như Trung Quốc chẳng hạn. Cần phải có tàu đi biển, vì rất tiếc là hiện nay chúng ta vẫn chưa có một tàu nghên cứu nào.
Ở Phòng triển lãm của Viện, chúng tôi có thấy hình chụp một con tàu khá đồ sộ?
- À, con tàu đó đã có cách đây gần... 100 năm, từ thời thuộc Pháp! Tàu bắt đầu được sử dụng từ năm 1925, đến năm 1930 thì hỏng. Đến năm 1995, chúng tôi được cấp một con tàu dài 20m, đủ cho bảy nhà khoa học nghiên cứu từ độ sâu từ 50m trở vào trong thời gian khoảng hai tuần, sóng cấp 5 trở xuống. Nếu muốn đi xa hơn nữa, chúng tôi phải đi nhờ các tàu của các nước bạn thông qua các dự án hợp tác, chẳng hạn trước đây có tàu Liên Xô (cũ). Gần đây, cán bộ Viện có dịp ra đại dương để nghiên cứu cũng chỉ được đi tàu thông qua một chương trình hợp tác do... chính phủ Đức trả tiền thuê tàu.
Chúng tôi không đòi hỏi phải có... tàu ngầm hay tàu lớn, nhưng để có sự nghiên cứu về biển thì Việt Nam dứt khoát phải tự chủ, có tàu riêng để ra khơi nghiên cứu Hải dương học. Không nhất thiết tàu ấy phải thuộc Viện, vì cách tổ chức, quản lý tàu có thể theo dạng công ty để khai thác hợp lý.
Vấn đề sống còn của Việt Nam là biển!
Được biết ông cũng là người rất tích cực tham gia vào công tác đào tạo nguồn nhân lực?
- Đào tạo ra một "anh hải dương học" là rất tốn kém. Hiện nay ở ta, nguồn nhân lực trẻ rất thiếu nhưng việc đào tạo cũng chỉ dừng ở đào tạo chay. Hải dương học đòi hỏi anh phải có sức khỏe, đi tàu không bị say sóng, nếu ra biển mà bị say sóng coi như uổng công. Học về Hải dương học cũng cần có kiến thức về khoa học cơ bản như Toán, Lý, Hóa. Thứ ba là phải biết sử dụng thiết bị, đi biển là phải thành thạo trong sử dụng thiết bị công nghệ. Vì vậy, phải có thói quen về kỹ thuật, tác phong công nghiệp.
Đó là con người hết sức năng động, đi trên tàu phải hài hòa với con tàu và với biển. Người giỏi nhưng không có sức khỏe thì cũng rất khó để nghiên cứu về biển, nhưng người khỏe (như người đánh cá chẳng hạn) mà không có tri thức về khoa học vẫn không nghiên cứu được về biển. Do đó, nguồn nhân lực này đến nay vẫn còn quá nhỏ bé so với triệu cây số vuông!
Vùng đặc quyền kinh tế biển của chúng ta rộng hơn một triệu kilomet vuông, rộng gấp ba lần so với đất liền. Bờ biển Việt Nam dài. hơn 3.260km nhưng dường như chúng ta vẫn thiếu một chiến lược phát triển về biển?
Vai trò của biển đối với sự phát triển của Việt Nam? |
Đa dạng sinh học biển và ven biển, ước tính lợi nhuận ròng là 39 triệu USD/ năm. Ngoại tệ thu được từ dầu khí và thủy sản chiếm 23% tổng thu nhập quốc dân (GDP) vào năm 1998. Trong số 31 điểm du lịch cấp quốc gia, có 19 điểm thuộc về 29 tỉnh ven biển; chiếm 37% lượt khách du lịch của cả nước. 65% hàng hóa được xuất, nhập khẩu thông qua các cảng biển. 2% khu bảo tồn quốc gia là khu bảo tồn biển |
- Đúng là đến nay, chúng ta chưa có một chiến lược về phát triển và bảo vệ biển. Hoặc có thể đã có, nhưng Chính phủ chưa công bố, đang còn trong giai đọan soạn thảo. Đây cũng là băn khoăn của tôi. Hy vọng trong thời gian tới, chiến lược này sẽ được Nhà nước công bố.
Với tư cách là chủ tịch Liên Chính phủ về Biển, ông có nhận xét gì về sự chậm trễ, hay thiếu sót ấy?
- Làm việc gì cũng phải có kế hoạch, chiến lược. Chiến lược là bước đi, kế sách hiện tại cho tương lai. Mặc dù chúng ta có rất nhiều chương trình về biển nhưng rất tiếc đến nay, chúng ta vẫn chưa có kế hoạch tổng thể lâu dài. Chúng tôi cũng biết rằng soạn thảo một chiến lược về biển thì rất phức tạp và khó khăn, cần đến sự bàn bạc thống nhất của những nhà khoa học, những nhà kinh tế, quản lý và những nhà chiến lược tầm cỡ. Ngoài ra, còn phải có tiềm lực để thực hiện chiến lược ấy.
Tuy vậy, vấn đề sống còn của Việt Nam là biển. Nghiên cứu phát triển và bảo vệ biển thì sẽ phải làm những gì? Từ năm nào đến năm nào, sẽ làm gì? Ai sẽ làm? Làm bằng cách gì?... Tất cả những vấn đề ấy, Nhà nước phải có trả lời. Phía những người làm khoa học, chúng tôi rất sẵn sàng tham gia vào những việc như thế. Kho tư liệu ở Viện Hải dương học khá phong phú và đầy đủ các tài liệu để soạn thảo. Chúng tôi nắm rất nhiều tư liệu trong và ngoài nước về khai thác và bảo vệ biển nhưng làm thế nào, lấy nguồn vốn, nhân lực ở đâu, kế sách bước đi như thế nào thì cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà quản lý, các nhà chiến lược, chính sách. Khoa học chỉ đóng vai trò tư vấn về cơ sở khoa học, về các kho tài liệu,...
Nói về chiến lược nghe lớn lao thế nhưng cách đây hơn 2.000 năm, ông Quản Trọng ở Trung Quốc đã đề ra một chiến lược về biển cho Trung Hoa rất đơn giản mà cực kỳ hiệu quả: Khai thác muối! Muối đã trở thành quốc sách của nước Trung hoa cổ đại thời Xuân thu Chiến quốc, chính phủ chỉ cần nắm về khai thác muối sẽ trở nên giàu có.
Còn ở ta hiện nay, chúng ta sẽ nắm gì trong chiến lược về biển của một Việt Nam Biển? Chưa có câu trả lời chính thức, có vẻ vậy!
● Thu Thảo (thực hiện), VietNanNet