Ở VN, nghề sản xuất cá ngừ còn phát triển tự phát, phương tiện thiếu thốn lạc hậu, trình độ kỹ thuật hạn chế, thị trường tiêu thụ hoàn toàn thả nổi. Từ biển đến chợ luôn luôn thiếu thông tin nên ngay cả những năm được mùa, ngư dân vẫn... lo!
Nhìn từ biển...
Cá ngừ tươi và sản phẩm cá ngừ chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu hàng xuất khẩu và tiêu dùng nội địa của nhiều nước. Cá ngừ đại dương thường di cư xa, cư trú hoặc di chuyển qua lại chủ yếu ở xung quanh các đảo, quần đảo lớn và vùng nước ngoài khơi.
Các nước trên thế giới đều khai thác loài cá này bằng lưới vây, câu vàng, câu chạy và câu tay ở các vùng biển khơi từ 400S-400N. Trong đó, sản lượng khai thác bằng lưới vây chiếm tỉ trọng cao nhất.
Một số nước có nghề lưới vây công nghiệp phát triển như Tây Ban Nha, Nga, Pháp, Nhật Bản...; đội tàu lưới vây chuyên khai thác cá ngừ xa bờ được trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị hàng hải phục vụ khai thác dài ngày (từ 1,5-2 tháng); kích thước lưới lớn, thiết bị hiện đại, có thể chủ động dò tìm đàn cá đang di chuyển để đánh bắt.
Riêng nước ta, ngư dân đánh bắt cá ngừ bằng nghề duy nhất là câu vàng. Tàu thuyền phục vụ nghề câu vàng hầu hết là của ngư dân 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà.
Ông Nguyễn Soạn - ngư dân phường Vĩnh Thọ (TP.Nha Trang) - nhận xét: "Trình độ kỹ thuật nghề câu vàng giữa các quốc gia không có sự khác biệt đáng kể nhưng lênh đênh giữa biển, nhìn thấy tàu đánh cá nước ngoài là chúng ta phải lo tìm đường tránh vì sợ bị sóng đánh dạt. Tàu của họ là tàu sắt, to lớn dềnh dàng; vàng lưới khổng lồ, rộng dài hơn trăm cây số. Nếu không tránh kịp, vàng lưới nhỏ bé của ta chẳng may vướng vào lưới của tàu nước ngoài, đứt nát... kêu trời hổng thấu!".
Tại những nước có nghề cá phát triển, phương pháp dự báo đàn cá và thông tin ngư trường bằng công nghệ hiện đại (viễn thám, GIS, GPS...) thường xuyên được cập nhật, áp dụng ở cấp quốc gia và khu vực. Trong khi đó, mỗi chuyến ra khơi, ngư dân nước ta chỉ biết... cầu trời!
Ông Nguyễn Trạm - người được tôn là "sư tổ" của nghề câu cá ngừ đại dương ở phường 6, TP.Tuy Hoà - tấm tức: "Tỉnh cũng như trung ương đã tổ chức nhiều hội thảo về cá ngừ đại dương nhưng sau đó dân vẫn tự loay hoay tàu nhỏ, phương tiện thô sơ, thời gian đi biển ngắn, được-thua hoàn toàn nhờ... may rủi!".
... đến chợ
Mặt hàng cá ngừ luôn giữ vị trí quan trọng trong kim ngạch xuất nhập khẩu thuỷ sản của thế giới. Sản lượng cá ngừ đánh bắt được ở VN trong 5 năm gần đây khoảng 15.000-20.000 tấn/năm, tương đương trên dưới 1.000 tỉ đồng.
Thị trường tiêu thụ cá ngừ hoàn toàn thả nổi, tại Bình Định có 9 đại lý, Phú Yên có 2 DN và 19 đầu mối thu mua uỷ thác; riêng Khánh Hoà do 7 công ty chuyên doanh cá ngừ bao tiêu "từ A đến Z".
Việc mua bán, tiêu thụ cho đến nay vẫn theo kiểu ước lượng mua xô hoặc đo kích cỡ, còn chất lượng thì phụ thuộc hoàn toàn ở "cái nhìn" của người mua. Tuỳ theo thói quen, mạng lưới phân phối, tiêu thụ cá ngừ tồn tại nhiều kiểu.
Một số chủ tàu, ngay sau khi đánh bắt được đã bán trực tiếp trên biển cho các tàu vừa khai thác, vừa thu mua của một số doanh nghiệp ở Nha Trang và TPHCM. Không ít chủ thuyền phải bán cá cho chủ nậu theo ký ước, bởi lẽ trước khi ra khơi chủ nậu đã cho vay vốn hoặc bán chịu xăng, dầu...
Do "cầu" lớn hơn "cung", từ mùa cá năm 2006, sự điều tiết tự nhiên của thị trường đã đem đến cơ hội cho các chủ tàu và họ có thể bán cá cho bất kỳ người nào đưa ra mức giá cao hơn. Hình thức "đấu giá tự do" này đang được một số công ty thu mua cá ngừ đại dương của tỉnh Khánh Hoà thực hiện, ngư dân rất đồng tình ủng hộ.
KS Nguyễn Hải Đăng - GĐ Công ty TNHH Hoàng Hải (Khánh Hoà) - gần 10 năm vật lộn tìm "đầu ra" cho cá ngừ VN - nhận xét: "Mua bán đấu giá là cạnh tranh công khai, minh bạch; không chỉ có tác dụng thúc đẩy khoa học công nghệ trong khai thác và bảo quản sản phẩm phát triển, mà còn tăng hiệu quả hoạt động của tàu và đảm bảo quan hệ hài hoà giữa người mua với người bán. Đáng buồn là nước ta chưa có chợ cá đúng nghĩa".
Theo số liệu của Bộ Thuỷ sản, cả nước hiện có gần 2.000 tàu chuyên câu cá ngừ; trong đó chỉ có 45 tàu cơ giới của các công ty đánh cá, vỏ tàu hoặc bằng thép hoặc bằng composite, dài từ 22-27m, lắp máy từ 200-750CV với trang thiết bị hàng hải, khai thác, bảo quản sản phẩm khá đầy đủ, hiện đại; đáp ứng hoạt động khai thác dài ngày ở vùng biển xa bờ.
Hơn 1.900 tàu gỗ của ngư dân mới đóng hoặc cải hoán từ các tàu làm nghề lưới rê, câu đáy..., chiều dài từ 13,5 - 18m, lắp máy 33-300CV; hầu hết không có thiết bị dò tìm đàn cá, kỹ thuật bảo quản sản phẩm rất thiếu thốn, lạc hậu.
Bảo Chân,www.laodong.com.vn