Trong suốt một thời gian dài, người ta dùng ba cái tên khác nhau để gọi chúng, nhưng nhờ công nghệ phân tích gene, các chuyên gia nhận ra rằng ba loài cá chỉ là một và đây là sự biến hình kỳ lạ trong thế giới động vật có xương sống.

Cá đuôi dải (trên cùng), Cetomimidae (giữa) và cá mũi to có hình dạng cực kỳ khác biệt nhưng lại thuộc một loài. Ảnh: Newscientist.

Trong số ba loài trên, Mirapinnidae sống ở các tầng nước nông và thường được gọi là cá đuôi dải vì sở hữu dải đuôi dài. Trong khi loài Megalomycteridae (thường gọi là cá mũi to) và Cetomimidae đều sống ở dưới đáy biển. Cetomimidae có nhiều hàm răng lớn nhưng không có vây. Còn cá mũi to có cơ quan hô hấp dài, những hàm răng cố định và dự trữ năng lượng trong các lá gan cực lớn.

Ba loài cá trên có nhiều khác biệt về cấu tạo cơ thể và môi trường sống nhưng lại có mối quan hệ gần gũi với nhau. Năm 2007, người ta đã tìm thấy một số hóa thạch về sự chuyển tiếp từ cá đuôi dải thành cá mũi to. Sau đó nhà sinh vật học hải dương David Johnson và một số cộng sự thuộc Viện Smithsonian (Mỹ) phát hiện ADN cá đuôi dải và Cetomimidae giống hệt nhau.

Phát hiện trên cho thấy có một quá trình biến đổi từ cá đuôi dải thành cá Cetomimidae. Daivid quyết định phân tích ADN của cả ba loài cá. Kết quả cho thấy thực ra chúng chỉ là một loài. Theo nhà nghiên cứu này, ấu trùng cá đuôi dải sẽ trở thành cá Cetomimidae cái hoặc cá mũi to đực khi bước vào giai đoạn trưởng thành. Ông cho rằng đây là sự biến hình kỳ lạ nhất mà giới khoa học từng biết trong thế giới của động vật có xương sống.

Minh Long (theo Newscientist, vnexpress)