Các nhà khoa học Anh đã phát hiện ra cơ chế tạo ra chất chống cháy nắng của san hô biển, có thể làm thành thuốc chống nắng cho người và phát triển cây trồng ôn đới ở vùng nhiệt đới. Các nhà nghiên cứu Anh đã phát hiện ra các lá chắn của san hô có thể chống lại tia cực tím có hại (UV). Tiến sĩ Paul Long, người dẫn đầu nghiên cứu suốt 3 năm tại Napier đã phân tích các mẫu san hô từ các dải đá ngầm của Úc, bằng cách thu thập san hô khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và phát hiện thấy cơ chế sản xuất chất chống nắng. Cơ chế này được hình thành nhờ mối quan hệ tương tác lẫn nhau giữa san hô và tảo sống bên trong san hô. “Tảo đã tạo ra hợp chất chuyển vào san hô, rồi sau đó chất này được thay đổi thành một loại chất chống nắng vì lợi ích của san hô và tảo”, Long cho biết.
“Không những vậy, các loài cá ăn san hô cũng được hưởng lợi từ điều này”, Long nói thêm. Điều này chứng tỏ chất chống nắng được hình thành thông qua chuỗi thức ăn. Vì thế, các nhà khoa học tin rằng, phát hiện này có thể mở đường cho một cuộc cách mạng sản xuất chất chống nắng với loại thuốc bảo vệ da và mắt dựa vào các hợp chất được tìm thấy trong san hô. Các nhà khoa học cho biết, san hô có thể tạo ra hơn 20 hợp chất chống nắng. Một ứng dụng quan trọng nữa của nghiên cứu là có thể tạo nên những cây trồng chịu ánh nắng mặt trời, thúc đẩy nguồn cung cấp lương thực thế giới, thông qua việc bổ sung thêm các gene từ san hô có thể làm cho các cây ôn đới, như lúa mì và khoai tây, có thể phát triển mạnh ở vùng nhiệt đới. |
Theo Đất Việt |