Ngày 17/5/2012, Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu Hải sản đã tổ chức Hội thảo tư vấn, đánh giá kết quả nhiệm vụ KHCN cấp Tỉnh, Thành phố năm 2011. Tên nhiệm vụ: “Đánh giá tổng thể các mối nguy hại, tìm hiểu nguyên nhân chết đối với ngao nuôi (Meretrix lyrata và M.meratrix) tại vùng ven biển Thái Bình. Chủ nhiệm đề tài: Th.S. Lê Thanh Tùng. Đơn vị chủ trì đề tài: Viện Nghiên cứu Hải sản.

Đến tham dự Hội thảo là các chuyên gia trong lĩnh vực sinh học biển; Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Hải sản và các cán bộ Khoa học của Viện. Chủ trì Hội nghị là TS. Nguyễn Quang Hùng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải sản.

Mục tiêu đề tài:
- Đánh giá được các tác động và nguyên nhân gây chết hàng loạt đối với ngao nuôi tại khu vực ven biển Thái Bình.
- Đề xuất được biện pháp phòng tránh, bảo vệ và giảm thiểu thiệt hại đến ngao nuôi thương phẩm tại khu vực ven biển Thái Bình.

Tại Hội thảo, Chủ nhiệm đề tài đã trình bày rất chi tiết nội dung đề tài và các chuyên gia đã cho các ý kiến đóng góp.

Kết quả nghiên cứu trong 2 năm cho thấy: với đặc tính nuôi thả tự nhiên ngao chịu tác động đồng thời của rất nhiều yếu tố. Trong đó, một số yếu tố có thể làm suy giảm sức sống của ngao như: Ô nhiễm môi trường nước, nhiệt độ cao, bệnh dịch, thức ăn, tảo gây hại và mật độ nuôi. Hầu hết các yếu tố này đều khó có thể dự đoán trước, việc kiểm soát cũng là điều hết sức khó khăn và phức tạp.

Trong năm 2011 đề tài đã tiếp tục khảo sát thực địa tập trung vào ảnh hưởng của các yếu tố như môi trường, bệnh, thức ăn trong thời kỳ cao điểm ngao chết; thử nghiệm tác động của một số ngưỡng sinh thái đối với ngao nuôi. Từ đó đề xuất các giải pháp phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại của hiện tượng ngao chết hàng loạt tại khu vực ven biển Thái Bình.

Về ảnh hưởng của các thông số môi trường thì hàm lượng các muối dinh dưỡng khá cao và đã ở mức vượt giới hạn cho phép theo quy chuẩn Việt Nam 10:2008 đối với mục đích nuôi trồng thủy sản. Hoạt động xả nước nội đồng của cửa Lân đã góp phần làm suy giảm chất lượng môi trường vùng nuôi ngao của xã Đông Minh và xã Nam Thịnh.

Kết quả thử nghiệm cảm nhiễm tác động của các ngưỡng sinh thái đối với ngao nuôi cho thấy nhiệt độ nước là nhân tố gây ảnh hưởng lớn nhất đến sức sống của ngao nuôi. Khi nhiệt độ nước tăng cao hơn 40oC sức sống của ngao nuôi giảm đi rõ rệt. Độ mặn có ảnh hưởng đên ngao nuôi nhưng là không đáng kể. Vi khuẩn chỉ là tác nhân cơ hội, khi có nhiễu loạn về các thông số môi trường khác thì chúng mới thể hiện sức ảnh hưởng đến ngao nuôi. Khi cảm nhiễm tác động đồng thời của các yếu tố đã cho thấy sức sống của ngao giảm đi rõ rệt so với đơn nhân tố.

Từ các kết quả đã đạt được đề tài đã đưa ra một số đề xuất nhằm giảm thiểu các thiệt hại có thể xảy ra là cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng và người dân nuôi, giữa hoạt động nuôi trồng thủy sản và các hoạt động thủy nông khác. Người nuôi ngao cần chủ động nắm vững các kiến thức, các kỹ thuật nuôi thả để hạn chế các sự cố không mong muốn xảy ra. 
Nhìn chung đề tài đã giải quyết được mục tiêu đề ra. Các nội dung phù hợp với cách giải quyết vấn đề, có tính khoa học và logic. Phương pháp nghiên cứu của đề tài được mô tả khá chi tiết và là những phương pháp thông dụng. Các thí nghiệm được thiết kế hợp lý, có tính khoa học. Các phương tiện, công cụ sử dụng trong nghiên cứu đều hiện đại, do đó các số liệu thu thập của đề tài có độ tin cậy cao

Kết thúc Hội thảo, Chủ nhiệm đề tài cảm ơn các chuyên gia đã đóng góp ý kiến quý báu để đề tài được hoàn thiện. Chủ tọa yêu cầu Chủ nhiệm đề tài căn cứ góp ý của đại biểu,chỉnh sửa lại theo các góp ý để  đề tài có thể áp dụng vào thực tiến với tính chính xác, khoa học nhằm đóng góp thiết thực cho người nuôi trồng ngao và đóng góp cho ngành thủy sản phát triển theo hướng bền vững, phù hợp với xu thế phát triển, đảm bảo ổn định cuộc sống, và sản xuất cho ngư dân, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.