Ngày 9-16/04/2007, Chương trình đào tạo nâng cao năng lực quản lý khu bảo tồn biển (KBTB) đã được tổ chức tại Khách sạn Ngàn sao, 126 Trần Hưng Đạo, Thị trấn Dương Đông, Huyện Phú Quốc, Kiên Giang do Hợp phần “Sinh kế bền vững bên trong và xung quanh các Khu bảo tồn biển” (LMPA) - Bộ Thuỷ sản và Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia, Mỹ (NOAA) cùng hợp tác tổ chức. Chương trình đào tạo đã trang bị cho học viên những kiến thức cơ bản nhằm nâng cao năng lực chuyên môn để có thể thành thạo trong việc thiết kế, triển khai cũng như quản lý KBTB. Chương trình đào tạo là một cơ hội tốt để các cá nhân đã tham gia vào việc xây dựng KBTB Phú Quốc chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức với những thành viên của các KBTB khác, nơi có kinh nghiệm quản lý KBTB lâu năm hơn. Chương trình đào tạo được xây dựng đặc biệt nhằm đáp ứng được nhu cầu đào tạo về quản lý của KBTB Phú Quốc. Một chương trình tiếp sau đó sẽ được triển khai nhằm đảm bảo rằng các kiến thức thu nhận được sau khoá học được áp dụng trên thực tế và công tác quản lý KBTB được cải thiện
Bộ Thuỷ sản và Cơ quan hỗ trợ Phát triển Quốc tế Đan Mạch đã ký thoả thuận chung về phát triển cơ sở vật chất lâu dài nhằm cung cấp các chương trình đào tạo cho các ngành có liên quan về thiết lập và triển khai các KBTB.
Mục tiêu ngắn hạn của chương trình đào tạo tại Phú Quốc
Đưa ra các bài học về quản lý KBTB nhằm đáp ứng được các nhu cầu thực tế của KBTB Phú Quốc.
Thiết kế các hoạt động hỗ trợ và xây dựng chương trình hành động tiếp theo để đảm bảo các kiến thức và kỹ năng thu được sau khoá đào tạo được ứng dụng hiệu quả tại địa phương.
Xây dựng được mạng lưới hợp tác giữa các KBTB nhằm chia sẻ kiến thức, thông tin và các bài học kinh nghiệm
Kết quả dài hạn
Năng lực quản lý KBTB được bảo đảm tại cấp địa phương và vùng
Thiết lập các chuẩn mực về năng lực quản lý cho cán bộ KBTB
Sự hợp tác giữa mạng lưới các KBTB và các cơ quan công quyền, tư nhân được thiết lập
Thiết lập và duy trì liên kết trao đổi thông tin ở cấp khu vực
Những nỗ lực của khu vực và toàn cầu được thắt chặt nhằm đáp ứng mục tiêu Durban Accord 2012 về việc thiết lập một hệ thống toàn cầu một mạng lưới các khu bảo tồn biển
Các học viên giảng viên
Đây là một chương trình đào tạo tập trung với cường độ làm việc cao dành cho 25 học viên là các cán bộ quản lý nhà nước của tỉnh Kiên Giang (trong đó có 03 người là Giám đốc, Phó giám đốc Sở Thuỷ sản, Sở Khoa học Công nghệ, Sở Kế hoạch Đầu tư Kiên Giang), và các cán bộ KBTB Phú Quốc. Ngôn ngữ giảng dạy là tiếng Anh và được dịch sang tiếng Việt.
Giảng viên của Chương trình đào tạo nâng cao năng lực quản lý KBTB là các chuyên gia của NOAA. Mỗi phần đào tạo được phối hợp giảng dạy giữa chuyên gia NOAA và Việt Nam, những người đang được đào tạo như giảng viên triển vọng.
Cấu trúc chương trình đào tạo
Chương trình đào tạo xây dựng năng lực quản lý KBTB được thiết kế cơ bản theo phương pháp có sự tham gia, trao đổi và làm việc theo nhóm. Các học viên tham gia chia sẻ các tình huống nghiên cứu và các bài học kinh nghiệm; đưa ra các trình bày của mình; thực hiện các đề tài cá nhân, theo nhóm và làm các bài tập giải quyết vấn đề. Các học viên thiết lập mối quan hệ với nhóm của họ gồm 5 người, và do nhóm trưởng chỉ đạo. Mối quan hệ trong nhóm sẽ vẫn được duy trì đến sau khoá đào tạo như một hệ thống hỗ trợ thực hiện kế hoạch công việc được phát triển trong suốt quá trình đào tạo.
Nội dung của khoá đào tạo bao gồm:
Bài 1. Các khu bảo tồn biển: Tổng quan
Mục đích và nhu cầu cho các khu bảo tồn biển, các công cụ khu vực và quốc tế, các định nghĩa về khu bảo tồn biển, các loại khu bảo tồn biển, các mục tiêu của khu bảo tồn biển, quản lý ven bờ và các khu bảo tồn biển, các mạng lưới khu bảo tồn biển.
Bài 2. Quản lý phân vùng
Tổng quan về khoanh vùng, khoanh vùng sử dụng đa mục đích; Khu vực bảo vệ nghiêm ngặt, lập kế hoạch khoanh vùng.
Bài 3. Lập kế hoạch quản lý khu bảo tồn biển (2 ngày)
Mục đích và nhu cầu của việc lập kế hoạch, các bước phát triển kế hoạch quản lý hiệu quả, lập kế hoạch chiến lược, đánh giá trước-sau, các thủ tục lập kế hoạch và thiết kế chương trình, kế hoạch của khu vực; Lập kế hoạch cấp độ vùng. Đánh giá chương trình, kế hoạch đánh giá và phát triển.
Bài 4. Quản lý dựa vào cộng đồng
Vai trò của các cộng đồng trong việc quản lý, khuôn khổ cho sự tham gia của cộng đồng, xác định và liên quan của các nhóm nòng cốt, tổ chức cộng đồng và các phương pháp tiếp cận có sự tham gia. Các nghiên cứu điển hình.
Bài 5. Các khu bảo tồn biển và nghề cá ở Đông NAm Á (Đi thực tế 1/2 ngày)
Cơ sở của công tác quản lý nghề cá, các chiến lược quản lý nghề cá ở khu vực Đông Nam Á, các hoạt động nuôi biển có trách nhiệm.
Bài 6. Các khu bảo tồn biển và ngành du lịch ở Đông Á (Đi thực tế 1/2 ngày)
Tổng quan về du lịch bền vững; Đánh giá về ngành du lịch; Quản lý các tác động của du khách; Công nghiệp du lịch và phân vùng cho du lịch; Giáo dục và tuyên tuyền; Giấy chứng nhận xanh.
Bài 7. Khu bảo tồn biển và việc thi hành luật
Mục đích và sự cần thiết của việc thực thi pháp luật; Thực thi bằng giáo dục; Thực thi luật truyền thống; Kế hoạch thực hiện công tác thi hành luật; Cơ chế lập kế hoạch cho công tác thực thi pháp luật.
Để biết thêm thông tin và tài liệu về chương trình đào tạo, liên hệ
Chị Đoàn Thu Hà, Trợ lý Đào tạo,
Dự án Sinh kế bền vững bên trong và xung quanh các khu bảo tồn biển
Viện Nghiên cứu Hải Sản 224, Lê Lai, Thành phố Hải Phòng
Điện thoại:
Email: dtha@rimf.org.vn
Đoàn Thu Hà