Với số lượng tàu thuyền ngày càng gia tăng, hiện cả nước đã có trên 128.123 tàu thuyền, sản lượng khai thác đạt khoảng 200.000 tấn/tháng. Với mục tiêu không chỉ tăng năng suất, sản lượng đánh bắt, giúp ngư dân nhanh chóng ổn định đời sống mà còn góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương.

Tổ chức lại sản xuất là vấn đề quan trọng của nghề cá hiện nay

Phát triển mô hình tổ, đội sản xuất trên biển


Theo Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 6 tháng đầu năm 2011, tổng sản lượng thủy sản khai thác của cả nước đạt 1.251.000 tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khai thác biển đạt 1.170.000 tấn. Đặc biệt xuất hiện sớm nhiều loài hải sản giá trị kinh tế cao như cá ngừ tại ngư trường Nam Trung bộ, cá chim đen tại ngư trường Bắc Trung bộ... Nghề biển đang vào thời điểm đánh bắt thuận lợi nhất trong năm, nhưng do giá xăng dầu cao nên vẫn có hàng ngàn tàu thuyền buộc phải nằm bờ.

Theo ông Nguyễn Văn Quang, Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thời gian qua, số lượng tàu thuyền trong cả nước đã tăng nhanh về số lượng và kích cỡ, song ngư trường khai thác hầu như không mở rộng. Với số lượng tàu cá như hiện nay, nếu huy động hết công suất, tổng sản lượng hải sản khai thác của cả nước đạt khoảng 2,5 đến 2,7 triệu tấn và thậm chí còn cao hơn.


Hiện nay, nhiều tàu thuyền trong cả nước đã phát triển mô hình tổ, đội sản xuất trên biển. Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), hiện nay cả nước có khoảng 2.000 tổ, đội đánh bắt hải sản trên các vùng biển xa bờ với trên 13.000 tàu thuyền tham gia với chủ yếu làm nghề câu, rê, vây, kéo. Các tổ đội này ngoài cùng nhau khai thác hải sản còn kết hợp rất hiệu quả trong công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi, giữ gìn an ninh ngư trường và chủ quyền biển đảo. Chia sẻ kinh nghiệm của mình, nhiều đội tàu cho biết, mô hình tổ chức đánh bắt hải sản theo tổ, đội đã làm cho ngư dân an tâm bám biển, nhất là khai thác các vùng xa bờ trong điều kiện phức tạp hiện nay. Một tổ đội đánh bắt hải sản tại Tp. Vũng Tàu cho biết, mặc dù thành lập tự phát và không được hỗ trợ nhưng khi tham gia vào tổ này ngư dân rất an tâm mỗi khi ra khơi và được chia sẻ thông tin về ngư trường, thời tiết và nhất là được hỗ trợ kịp thời khi gặp sự cố trên biển.

Ông Quốc, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, việc thành lập các tổ, đội đánh bắt trên biển đã góp phần bảo vệ an ninh trật tự trên biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Trong bối cảnh ngư dân gặp nhiều khó khăn như thiên tai cũng như hiểm nguy từ bên ngoài thì việc thành lập tổ, đội sản xuất trên biển của ngư dân có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.


Tổ chức lại sản xuất để vươn ra biển lớn

 

Để nâng cao hiệu quả của nghề khai thác với tiêu chí "hiệu quả, an toàn và xa khơi", Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, tổ chức lại sản xuất là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi ngành cần có những chính sách cụ thể đem lại hiệu quả cho bà con ngư dân và phát triển nghề khai thác bền vững. Ông Phát còn khẳng định, việc tổ chức sản xuất trên biển là yếu tố quan trọng trong việc phát triển khai thác hải sản kết hợp với bảo vệ chủ quyền an ninh trên biển. Trong thời gian tới, để đẩy mạnh việc phát triển mô hình tổ, đội khai thác hải sản trên biển, các Sở NN & PTNT, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cần tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng tổ, đội trong khai thác hải sản; đồng thời nhân rộng các điển hình liên kết sản xuất đạt hiệu quả ở các địa phương.


Tuy nhiên, theo ông Chu Tiến Vĩnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, trước mắt, ngành cần sắp xếp tổ chức lại khai thác hải sản cho các nhóm tàu cá. Theo đó, đối với nhóm tàu lưới kéo cá, ngành cần có những cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ các chủ tàu trong việc giảm chi phí sản xuất, cụ thể là giảm thời gian tìm kiếm ngư trường, sự cố kỹ thuật và quan trọng hơn hết là khâu tổ chức bao tiêu sản phẩm, giảm các khâu trung gian, tạo điều kiện cho các chủ tàu tiếp cận được giá bán lẻ ở mức hợp lý nhất.


Đặc biệt đối với nhóm tàu khai thác xa bờ cần tổ chức lại theo hướng thành tổ, đội, nhóm nghề, nhanh chóng đưa hệ thống thông tin quản lý nghề cá trên biển vào hoạt động nhằm cung cấp kịp thời, chính xác mọi thông tin về thời tiết khí tượng hải văn, dự báo ngư trường…, đồng thời, tổ chức lại công tác hậu cần dịch vụ, đặc biệt các cảng, bến cá, các điểm gần ngư trường khai thác để có thể hỗ trợ nhóm tàu này tốt nhất. Được biết, tới đây, ngoài việc ưu tiên gắn thiết bị kết nối vệ tinh theo dự án Movimar cho tàu Tổ trưởng tổ đội sản xuất, mỗi tổ đội (ngoài các tổ, đội thường xuyên hoạt động khai thác hải sản trên các vùng biển xa) được hỗ trợ 100% kinh phí để mua 1 máy thông tin liên lạc tầm xa sóng HF có tích hợp định vị vệ tinh (GPS) như các tàu cá thường xuyên hoạt động khai thác trên vùng biển xa.


Bên cạnh đó các ngư dân ở nhiều địa phương bày tỏ, để nâng cao hiệu quả các tàu khai thác, Nhà nước cần hỗ trợ ngư dân thay đổi toàn bộ ngư lưới cụ đối với từng tàu khai thác để thay đổi cách đánh bắt; đồng thời cần đầu tư để tái tạo nguồn lợi thủy sản, bởi lẽ việc tái tạo được nguồn lợi sẽ giúp cho ngư dân đạt được lợi ích, con cá có thể phát triển, chủ phương tiện đánh bắt được nhiều hơn, sản lượng cao hơn và giảm được nguy cơ nguồn lợi thủy sản bị khai thác cạn kiệt.

 

Thúy Hiền
Theo Báo Công Lý