Sau khi đề tài nuôi và cho cá ngựa đẻ được Quốc tế công nhận, nhóm nghiên cứu cá ngựa thuộc Viện Hải dương học Nha Trang đã tiếp tục hoàn thiện đề tài để đưa vào sản xuất đại trà tại tỉnh Khánh Hòa.

Với ưu thế của loài cá ngựa là thời gian nuôi ngắn (chỉ trong 6 tháng), người nuôi không phải lo con giống bởi quy trình nhân giống đã được Viện Hải dương hoàn thiện, chủ động cung ứng đến người sản xuất.

Tiến sĩ Trương Sĩ Kỳ - Viện Hải Dương Học Nha Trang là người đầu tiên có ý tưởng đưa cá ngựa vào nghiên cứu với mong muốn công trình thành công sẽ giúp bảo vệ được loài cá ngựa quý hiếm, đồng thời có thể chủ động thả lượng cá ngựa lớn ra ngoài tự nhiên để phục hồi nguồn lợi. Đối tượng nghiên cứu mà nhóm các nhà khoa học hướng tới là loài cá ngựa đen và cá ngựa ba chấm. 

(Ảnh: mccullagh.org)

Hiện trên thế giới có khoảng 35 loài cá ngựa, nhưng có tới 150 tên gọi khác nhau. Tại Khánh Hoà có 8 loài cá ngựa được tìm thấy, sống chủ yếu ở các rạn san hô, thảm cỏ biển và cửa sông dọc theo bờ biển. 

Theo ông Hoàng Đức Lư - Viện Hải dương học Nha Trang: "Trước đây cá khai thác ngoài tự nhiên đem về nuôi để phục vụ việc nghiên cứu, nay chúng tôi đã chủ động được cá bố mẹ từ thế hệ F1, tức cá tự nhiên còn nhỏ được nuôi lớn, sau 6 tháng cho đẻ lần đầu và nuôi tạo đàn cá bố mẹ và cho đẻ giống từ sinh sản nhân tạo. Đây là công trình cá ngựa đầu tiên ở Việt Nam được nghiên cứu thành công từ A tới Z". 

Tuy nhiên, thành công đáng kể nhất của công nghệ này là đã giải quyết thêm cho ngành thuỷ sản một đối tượng nuôi mới, về lâu dài sẽ duy trì một đặc sản của biển để làm dược liệu chữa bệnh, đặc biệt, cứu vãn được loài cá ngựa tại Việt Nam có nguy cơ tuyệt chủng.

Theo VTV, Aquabirdvn