Theo Sở Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, do không được quan tâm, các hệ sinh thái đặc trưng vùng biển Khánh Hòa (bao gồm: rừng ngập mặn, rạn san hô và vùng có cỏ biển, rong biển) đã bị người dân khai thác đến mức suy kiệt. Trước tình này, vấn đề bảo tồn các hệ sinh thái đặc trưng vùng biển vừa được ngành Thuỷ sản Khánh Hòa đưa vào Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản từ nay đến năm 2010, nhằm triển khai các biện pháp khôi phục và tái tạo các hệ sinh thái đặc trưng vùng biển một cách cơ bản, dựa trên kinh nghiệm và hiệu quả của việc xây dựng các khu bảo tồn sinh vật biển tại Rạn Trào (Vạn Ninh), khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Mun (vịnh Nha Trang) với hệ sinh thái chủ yếu  là rạn san hô, theo phương pháp dựa vào cộng đồng dân cư địa phương.

Khánh Hòa hiện chỉ còn trên 200 ha rừng ngập mặn ven biển. Kết quả điều tra cho thấy, tại đây vẫn còn 20 loài thực vật thuộc hệ sinh thái đặc trưng rừng ngập mặn. Tỉnh sẽ đầu tư 1,2 tỷ đồng để khôi phục, phát triển và quản lý hệ sinh thái rừng ngập mặn tại vùng biển các huyện Vạn Ninh, Ninh Hoà và thị xã Cam Ranh. Đối với cỏ biển, hiện vẫn còn phân bố thành các bãi lên đến vài nghìn m2/ bãi tại khu vực Sông Lô, Cửa Bé hoặc trên nền san hô chết xung quanh các đảo của vịnh Nha Trang. Hệ sinh thái này có vai trò quan trọng tạo thành bãi đẻ và nơi nuôi dưỡng rùa biển con và các loài nhuyễn thể. Các loài rong biển có mặt tại nhiều nơi, với khả năng khai thác lên đến trên 21.000 tấn/ năm, nhưng do người dân khai thác không hợp lý nên nhanh chóng suy kiệt. Khánh Hoà đã có kế hoạch đầu tư 300 triệu đồng để phục hồi, quản lý hệ sinh thái cỏ biển tại đầm Thuỷ Triều (Cam Ranh) và vịnh Vân Phong (Vạn Ninh). Tỉnh tiếp tục đầu tư 500 triệu đồng cho công tác quản lý và phát triển hệ sinh thái rạn san hô tại khu bảo tồn biển Rạn Trào.

 Tiên Minh

Nguồn tin từ: www.monre.gov.vn