Thực hiện nhiệm vụ Quan trắc cảnh báo chất lượng môi trường khu vực nuôi hải sản tập trung ven biển do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Trung tâm Quốc gia Quan trắc Cảnh báo Môi trường biển – Viện Nghiên cứu Hải sản. Nhằm cung cấp các số liệu quan trắc phục vụ kịp thời cho hoạt động sản xuất thuỷ sản, hoạt động bảo vê môi trường tại địa phương, Trung tâm gửi Kết quả quan trắc, phân tích môi trường nước khu vực nuôi cá biển bằng lồng bè tại Cát Bà – Hải Phòng, đợt 1 (tháng 4 – 6) năm 2013 trên địa bàn tỉnh như sau:

1. Địa điểm và đối tượng quan trắc
+ Khu vực nuôi cá biển bằng lồng bè tại thị trấn Cát Bà - huyện Cát Hải – thành phố Hải Phòng.
- Điểm CB1 (107o 3’ 6 E, 20o 43’ 108 N): Vụng Giá – Bến Bèo – Cát Bà – Hải Phòng.
- Điểm CB2 (107o 3’ 832 E, 20o 44’ 227 N): Vụng Giá – Bến Bèo – Cát Bà – Hải Phòng.
- Điểm CB3 (107o 4’ 315 E, 20o 46’ 54 N): Vịnh Lan Hạ – Cát Bà – Hải Phòng.
- Điểm CB4 (107o 4’ 951 E, 20o 46’ 731 N): Cửa Tùng Gấu – Cát Bà – Hải Phòng.
- Điểm CB5 (107o 4’ 313 E, 20o 46’ 253 N): Khu bè Hải Quân – Cát Bà – Hải Phòng.
2. Thời gian quan trắc
Đợt 1: tháng 4 - 6 năm 2013.
3. Kết quả quan trắc phân tích môi trường
Nhận xét, đánh giá về chất lượng môi trường nước từ kết quả quan trắc, dựa trên quy định hiện hành của Việt Nam về tiêu chuẩn môi trường cho các đối tượng và khu vực quan trắc. Một số chỉ tiêu môi trường trong tiêu chuẩn Việt Nam chưa có (hoặc không phù hợp) được đánh giá dựa theo tiêu chuẩn của thế giới và khu vực.
+ Bảng kết quả phân tích môi trường nước:
-          Lúc nước lớn
 
-          Lúc nước ròng:
 
4. Nhận xét về chất lượng môi trường
Theo các tiêu chuẩn áp dụng cho nước biển ven bờ với mục đích nuôi trồng thuỷ sản, môi trường nước khu vực nuôi cá biển bằng lồng bè tại Vụng Giá, Vịnh Lan Hạ, Cửa Tùng Gấu và khu bè của Hải Quân đã có biểu hiện ô nhiễm.
Trong cả lúc nước lớn và nước ròng, tại hầu hết các điểm quan trắc môi trường nước, hàm lượng dinh dưỡng cao hơn GHCP (ngoại trừ N-NO2-) và thể hiện khá rõ hàm lượng trong lúc nước ròng cao hơn lúc nước lớn. Đặc biệt nguy hại với sự tồn tại ammonia trong nước cho nuôi trồng thủy sản, gây bất lợi lớn cho đời sống của thuỷ sản nuôi. Trường hợp nặng có thể gây chết, nhẹ có thể gây sốc, làm tăng lượng NH3 trong máu, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan tuần hoàn, hô hấp, gan tụy và thần kinh của cá.
Trong lúc nước ròng: Hàm lượng dầu mỡ vượt GHCP từ 1,28 – 3,02 lần. Đặc biệt đối với hàm lượng DO hoà tan trong nước, tại điểm nuôi cá lồng bè Bến Bèo, hàm lượng DO ở cả tầng mặt và tầng đáy thấp hơn GHCP (≤ 5,0mg/l). Vi sinh vật: Mật độ Coliforms tại khu vực Bến Bèo, Tùng Gấu cao hơn GHCP (1.000MPN/ml); tổng Vi khuẩn hiếu khí có mật độ khá cao tại các điểm quan trắc trong khu vực. Tảo độc hại: Trong khu vực xuất hiện loài tảo Pseudo-nitzschia spp. có khả năng sinh độc tố ASP với mật độ cao nhất đạt 561 tế bào/lít, ngoài ra còn xuất hiện loài tảo Dinophysis caudata Saville-Kent có khả năng sinh độc tố DSP và một số loài tảo có khả năng gây thuỷ triều đỏ (Ceratium furca (Ehrenberg) Claparède & Lachmann, Noctiluca scintillans (Macartney) Kofoid & Swezy, Skeletonema costatum (Greville) Cleve). Thực vật phù du có mặt trong khu vực với mật độ khá lớn 167.925 – 13.820.755 tb/m3; chỉ số đa dạng loài H’ tại vịnh Lan Hạ và cửa Tùng Gấu thấp (H’<1,0) thể hiện môi trường bị ô nhiễm nặng; tại Vụng Giá môi trường bị ô nhiễm ở mức trung bình (H’ = 2,99).
 
5. Kết luận và kiến nghị
+ Kết luận:
Môi trường khu vực nuôi cá biển bằng lồng bè ở Cát Bà – Hải Phòng đang bị ô nhiễm thể hiện qua các thông số như DO, NO3-, NH4+, PO43-, dầu mỡ, Coliforms… vượt GHCP. Nguyên nhân ô nhiễm chính đối với khu vực nuôi cá biển bằng lồng bè tại Bến Bèo, Tùng Gấu là do mật độ ô lồng nuôi dày đặc cản trở sự lưu thông nước; chất thải từ hoạt động nuôi (thức ăn dư thừa, chất thải sinh hoạt của người nuôi…); chất thải sinh hoạt từ dân cư khu vực thị trấn, từ hoạt động du lịch, hoạt động của các phương tiện đánh bắt hải sản, giao thông đường thuỷ và nguồn thải từ lục địa (khai thác khoáng sản từ phía Quảng Ninh, hoạt động cảng biển…). Nguyên nhân nữa là do khu vực vịnh Bến Bèo, Tùng Gấu khá kín nên việc lưu thông, trao đổi nước kém, dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm do sự lắng đọng và phân huỷ các chất ô nhiễm ở trầm tích đáy dẫn đến hàm lượng DO thấp ảnh hưởng tới quá trình hô hấp của thuỷ sản nuôi.
+ Kiến nghị:
- Hoạt động nuôi cá biển bằng lồng bè tại Cát Bà cần thực hiện nghiêm theo quy hoạch, quản lý số lượng, phát triển hoạt động nuôi hải sản phù hợp sức chịu tải của từng thuỷ vực, đảm bảo khả năng tự làm sạch môi trường, giảm thiểu các tác động gây ô nhiễm môi trường.
- Tuân thủ các kỹ thuật nuôi với từng đối tượng: chọn con giống tốt, mật độ nuôi và chế độ thức ăn phù hợp, phòng bệnh định kỳ cho từng đối tượng nuôi..., bố trí các ô lồng và cụm bè nuôi hợp lý để tăng cường khả năng lưu thông nước.
- Chính quyền địa phương cần có kế hoạch để quản lý và xử lý các chất thải từ hoạt động hoạt động giao thông thuỷ, du lịch (tàu thuyền, khách du lịch, các nhà hàng nổi); chất thải từ chính hoạt động nuôi hải sản bằng lồng bè và chất thải từ các khu dân cư, thị trấn gần khu vực nuôi.
- Địa phương cần có bộ phận giám sát, quản lý môi trường - phòng ngừa dịch bệnh, là đầu mối để chia sẻ thường xuyên những thông tin cảnh báo môi trường - dịch bệnh; phối hợp với các cơ quan chức năng chuyên ngành trong các hoạt động phòng ngừa và xử lý khi có sự cố môi trường xảy ra.
- Các kết quả sử dụng thông tin và ý kiến góp ý cho hoạt động quan trắc - cảnh báo môi trường thuỷ sản đề nghị phản ánh kịp thời về: Phòng Quản lý Môi trường - Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn số 2 - Ngọc Hà - Ba Đình - Hà Nội, điện thoại: 04.37347136 hoặc Trung tâm Quốc gia QTCB môi trường biển - Viện Nghiên cứu Hải sản, số 224 Lê Lai - TP. Hải Phòng , Điện thoại: 031.3836112, Fax: 031.3836812, Email: tqthu@rimf.org.vn.