1. MỞ ĐẦU

Cá ngừ đại dương bao gồm cá ngừ mắt to, cá ngừ vây vàng, cá ngừ vây xanh… (T.albacares; T. obesus; T. thynnus…) là các loài cá có giá trị kinh tế cao, là đối tượng khai thác chính của một số nghề khai thác như câu vàng, lưới vây,... Tuy nhiên, do sự tăng nhanh của số lượng tàu khai thác, nên nguồn lợi cá ngừ đại dương đang có nguy cơ cạn kiệt.

Hiện nay, một số nước đã phát triển nghề nuôi cá ngừ đại dương với qui mô công nghiệp. Tuy vậy, việc cho đẻ nhân tạo đối với cá ngừ đại dương vẫn còn trong giai đoạn nghiên cứu nên việc cung cấp cá con giống cho nghề nuôi vẫn dựa chủ yếu vào việc đánh bắt ngoài biển. Việc khai thác cá ngừ đại dương giống trên biển là rất khó khăn, phức tạp vì phải đảm bảo con giống còn sống khoẻ mạnh sau khi đã chuyển về các lồng nuôi.

Viện Nghiên cứu Hải sản đã được giao thực hiện Đề tài “ Nghiên cứu ngư trường, công nghệ khai thác cá ngừ đại dương giống (Thunnus  albacares; Thunnus obesus) phục vụ nuôi thương phẩm” với mục tiêu là “ Xác định bước đầu ngư trường, lựa chọn công nghệ khai thác và vận chuyển cá ngừ đại dương giống”. Đề tài được thực hiện trong 3 năm,  từ  tháng 12/2007 - 12/2010.

2. TÀI LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU.

- Tài liệu:

Sử dụng các tài liệu có liên quan đến nội dung nghiên cứu của đề tài ở trong và ngoài nước; Các số liệu thu được của các chuyến điều tra khảo sát trên biển v.v. . .

- Phương pháp nghiên cứu:

Tham quan, học hỏi kinh nghiệm khai thác và vận chuyển cá ngừ giống của Ốtxtrâylia, Đài Loan.

Sử dụng tàu lưới vây cá ngừ kết hợp thả chà dụ cá để khai thác cá ngừ giống.

Sử dụng lồng có đường kính 13m, cao 8m để thử nghiệm lưu giữ và vận chuyển cá giống từ ngoài biển về cơ sở nuôi.

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. Kỹ thuật khai thác cá ngừ đại dương giống

3.1.1. Một số tập tính liên quan đến khai thác của cá ngừ đại dương giống

+ Sự phân bố:

Các loài cá ngừ đại dương thường di cư rất xa, có thể di cư qua vùng biển của nhiều quốc gia. Tuy đã có nhiều công trình nghiên cứu, nhưng theo đánh giá của FAO, con người còn rất thiếu hiểu biết về sự di cư của cá ngừ. Ở vùng biển nước ta, cá ngừ đại dương thường phân bố xa bờ và cũng chỉ xuất hiện chủ yếu 2 loài là cá ngừ mắt to (Thunnus. obesus) và cá ngừ vây vàng (T. albacares).

Trong khi người ta cho rằng cá ngừ mắt to là cá ngừ phân bố trung gian giữa vùng nhiệt đới và vùng “nước lạnh”, thì cá ngừ vây vàng hoàn toàn là loài cá nhiệt đới.

Cá ngừ mắt to ăn mồi sâu hơn cá ngừ vây vàng, hai loài này ăn nhiều mực và cá nổi tầng giữa. Cá ngừ mắt to trưởng thành thường ở tầng nước sâu hơn, lạnh hơn và có ít oxy hoà tan hơn so với cá ngừ vằn và ngừ vây vàng. Hanamoto (1987) cho rằng vùng cư trú ưa thích của cá ngừ mắt to là nơi có nhiệt độ từ 100 – 150C, bình thường từ 100 – 290 C, nơi mà lượng oxy đạt trên 1ml/lit. Cá lớn có khả năng lặn sâu tới 1.000m và chịu được nhiệt độ nhỏ hơn 30C. Cá ngừ vây vàng trưởng thành thường bắt gặp ở nơi có nhiệt độ từ 180 – 310C. Độ mặn không ảnh hưởng đến sự phân bố của cá ngừ như nhiệt độ và độ trong của nước.

Cá ngừ thường tập trung gần các gò lục địa, đảo, cửa biển, bãi ngầm hoặc chà. Cá ngừ giống thường bơi vào các vùng nông vào ban đêm (chiếm 27,7% thời gian trong ngày); đối với cá tập trung quanh chà, cả ngày cá thường tập trung ở gần mặt nước, riêng buổi trưa chúng thường lặn sâu hơn.

+ Tập trung dưới chà:

Người ta biết rằng cá ngừ giống có tập tính tập trung quanh chà hay dưới các động vật biển bơi chậm như cá voi, cá đuối Manta. Nghề khai thác cá nổi đã lợi dụng tập tính này bằng cách sử dụng chà cố định hay chà di động tập trung cá để câu hoặc dùng lưới vây, vây bắt cá.

Căn cứ vào kết quả nghiên cứu, người ta thấy rằng các loài cá khác nhau có sự phân bố dưới chà theo chiều thẳng đứng khác nhau. Cá ngừ mắt to phân bố sâu nhất, cao hơn là cá ngừ vây vàng và sát mặt nước là cá ngừ vằn.

Việc sử dụng chà đã hạn chế được nhược điểm tốc độ vây lưới chậm; lưới vây ngắn và nhỏ.

+ Tốc độ bơi của cá ngừ:

Các loài cá ngừ thường có tốc độ bơi khá cao, vì thế để khai thác có hiệu quả cần có những biện pháp hạn chế tốc độ bơi của cá, như: sử dụng chà, mồi để dụ cá.

Do tốc độ bơi của cá ngừ cao, nên việc lựa chọn thời điểm thả lưới bao vây đàn cá là rất quan trọng, cụ thể là:

   - Thả lưới bao vây đàn cá vào ban ngày: Biện pháp này chỉ áp dụng thành công cho những tàu lưới vây cỡ lớn, có tốc độ hành trình đạt 15 hải lý/giờ, có tốc độ vây lưới cao, kích thước vàng lưới lớn (dài trên 1500m), có tốc độ cuộn rút giềng chì dưới      15 phút. Sau khi phát hiện đàn cá, người ta phải ném mồi tươi (cá cơm, cá nổi nhỏ…) cho cá ngừ ăn nhằm hạn chế tốc độ di chuyển của đàn cá ngừ và tiến hành vây bắt.

- Thả lưới bao vây đàn cá vào ban đêm: Biện pháp này phù hợp cho những tàu lưới vây cỡ nhỏ (<500 cv). Do các tàu có tốc độ bao vây cá chậm, lưới ngắn, tốc độ cuộn rút chậm nên khi thả lưới vây vào ban đêm, cá có tốc độ di chuyển chậm hơn, cá không nhìn rõ lưới nên khó tìm đường trốn thoát. Người ta cũng phải kết hợp với chà hoặc đèn để tập trung cá (đàn cángừ đến ăn cá nổi nhỏ tập trung quanh đèn) .

3.1.2. Kết quả khai thác ngừ giống bằng lưới vây

Đề tài đã lựa chọn những khu vực tập trung của cá ngừ đại dương giống để tiến hành đánh bắt, đồng thời chú ý đến những tập tính sinh học của cá ngừ giống nhằm khai thác có sản lượng cao.

Trong chuyến điều tra do cán bộ của đề tài đi khảo sát trên tàu BTh.99531TS, từ ngày 13/3/2008 đến ngày 16/4/2008 đã đánh được 34 mẻ lưới. Tổng sản lượng khai thác được toàn chuyến là: 72.607,5 kg, trong đó sản lượng cá ngừ đại dương giống là: 8.669,5 kg, chiếm tỷ lệ 11,94% trên tổng sản lượng. Sản lượng cá ngừ vây vàng là 7.830,5 kg và cá ngừ mắt to là 839,0 kg. Khối lượng cá thể cá ngừ đại dương giống phổ biến từ 3- 4 kg.

Bảng 1. Các  loài cá chính và sản lượng đánh bắt của chuyến biển nghiên cứu

TT

Tên sản phẩm

Sản lượng (kg)

Tỷ lệ %

1

Cá ngừ vây vàng

7.830,5

10,78

2

Cá ngừ mắt to

839,0

1,16

3

Cá ngừ vằn

483,0

0,66

4

Cá ngừ chù

23.406,0

32,24

5

Cá ngừ chấm

34.433,0

47,42

6

Cá nục

1.669,0

2,3

7

Cá khác

3.947,0

5,44

Tổng cộng

72.607,5

100,00

Kết quả đánh bắt trên đã chứng minh được trên vùng biển Việt Nam có cá ngừ đại dương giống và có thể khai thác được bằng các tàu lưới vây cỡ nhỏ của Việt Nam với số lượng lớn.

Tuy sản lượng cá ngừ đại dương giống trong chuyến khảo sát đạt khá cao: 8.869,5 kg, nhưng số mẻ có sản lượng cá ngừ đại dương giống cao chiếm tỷ lệ không lớn. Để tách cá ngừ đại dương giống ra khỏi cá tạp là thách thức lớn đối với đề tài. Hiện nay vấn đề này vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu giải quyết

Bảng 2. Thống kê một số mẻ lưới đạt sản lượng cá ngừ đại dương giống cao

Mẻ số
Sản lượng các loài cá chính (kg)

Ngừ đại dương giống (vây vàng + mắt to)

Ngừ vằn
Ngừ chù
Ngừ chấm
Cá khác
Tổng
Sản lượng
Khối lượng cá thể phổ biến (kg)
Tỷ lệ (%)/tổng sản lượng
15
1.261
4 – 6
25,57
0
3.492
76
103
4.932
16
2.045
3 – 4
63,59
0
635
108
428
3.216
17
540
3 – 4
6,10
130
6.680
460
1.030
8.840
18
1.403
2 – 3
28,57
80
3.267
130
30
4.910
19
792
2,5 – 3
8,17
0
810
8.013
80
9.695
26
  590
3 – 5
52,68
0
530
0
0
1.120
27
  500
3 – 4
51,55
0
170
0
300
970

3.1.3. Kỹ thuật lưu giữ và vận chuyển cá ngừ giống

+ Chế tạo lồng vận chuyển cá ngừ đại dương giống

Đề tài đã chế tạo thành công lồng lưu giữ và vận chuyển cá ngừ đại dương giống. Lồng có dạng hình trụ tròn, đường kính 13m, chiều cao 8m. Khung lồng được làm bằng 2 vành ống HDPE có độ bền cao và có độ đàn hồi để chống lại các xung lực của sóng biển. Hai vành ống đường kính 250 mm được liên kết với nhau bằng các đai sắt. Để đảm bảo an toàn về lực nổi khi ống bị nứt, phía trong ống được đổ đầy bọt xốp (polystyrene) và được ngăn ra thành từng đoạn kín nước. Lưới bọc lồng là lưới dệt không nút nhằm giảm sự cọ sát của cá vào lưới. Sử dung lưới mắt vuông để tăng khả năng chịu lực của lưới đối với chì dằn đáy lồng; kích thước mắt lưới 60mm. Lồng được tính toán thiết kế đảm bảo đủ độ bền đối với tác động của sức cản nước, sóng gió biển khơi. Hệ thống dây kéo và chì dằn cũng được tính toán đảm bảo đáy lồng không bị nâng lên trong quá trình kéo. Hiện tại lồng vẫn đang hoạt động tốt ngoài biển.

+ Thiết kế “cửa lồng” để dồn cá từ lưới vây sang lồng:

Cửa lồng là bộ phận rất quan trọng của lồng vận chuyển cá. Cửa lồng có cấu tạo đặc biệt với kích thước chiều ngang 6m, chiều cao lớn nhất 4,8m, sao cho khi liên kết cửa lồng vào lưới vây, có thể dồn cá từ lưới vây sang lồng. Mật độ cá lưu giữ trong lồng cho phép đến 2 kg/m3; như vậy lồng đã thiết kế và chế tạo có dung tích là 1061 m3, có thể lưu giữ được khoảng 2 tấn cá ngừ đại dương giống.

Hình 1. Hình dạng khung lồng vận chuyển cá ngừ giống

4. KẾT LUẬN

Tuy mới triển khai được 1 năm, đề tài đã đạt được một số kết quả quan trọng, đã chứng minh có thể khai thác được số lượng lớn cá ngừ đại dương giống bằng các tàu lưới vây của nước ta, đồng thời đã thiết kế và thi công thành công lồng vận chuyển cá ngừ giống. Các nội dung nghiên cứu tiếp theo của đề tài là vận chuyển thành công cá ngừ từ ngư trường khai thác về cơ sở nuôi và nghiên cứu ngư trường phân bố cá ngừ đại dương giống.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Ngọc Khánh, 2008. Báo cáo kết quả chuyến biển tháng 3-4/2008.

2. Nguyễn Long, 2008. Báo cáo tổng quan các vấn đề liên quan đến công nghệ  khai thác cá ngừ đại dương giống.

3.  FAO, 2004. Capture based Aquaculture. Southern Fish Maketing Proprietary limited.

4. Outlining the Capture of Live Tuna for Culture, 2008. Research and Development.

Nguyễn Long