- Ủy ban châu Âu mới đây đã công bố bản dự thảo kế hoạch hành động nhằm bảo tồn loài cá mập tại vùng biển châu Âu. Tuyên bố này được Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) và Mạng lưới giám sát hoạt động Buôn bán Động thực vật hoang dã (TRAFFIC) hoan nghênh nhiệt liệt.
Kế hoạch bảo tồn cá mập của EU bao gồm các biện pháp như giám sát chặt chẽ hơn các tàu có lưới rà, cấm đánh bắt và thải loại những con cá mập đã bị bắt, nghiêm cấm chặt chẽ hành vi khai thác vây cá mập, hạn chế việc cho phép đánh bắt cá mập và hỗ trợ các tổ chức quản lý việc đánh bắt cá.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia để ngăn chặn sự sụt giảm số lượng cá mập tại vùng biển châu Âu, nơi có hơn 1/3 số cá mập đang bị đe dọa tuyệt chủng (theo IUCN) thì kế hoạch này cần được tiến hành nhanh chóng, đồng thời tăng cường những biện pháp hỗ trợ như yêu cầu việc khai báo số lượng đánh bắt.
“Mặc dù cũng còn một số biện pháp mà chúng tôi còn nghi ngại về tính khả thi về lâu dài song về cơ bản dự thảo kế hoạch bảo tồn cá mập sẽ được chấp thuận”, giám đốc TRAFFIC, ông Steven Broad cho biết.
Một trong những vấn đề còn trăn trở các chuyên gia là trong khi nhu cầu thu thập đầy đủ dữ liệu về số lượng và chủng loại cá mập bị đánh bắt ngày càng cấp bách đối với các nỗ lực bảo tồn thì kế hoạch này vẫn là kêu gọi các quốc gia thu thập thông tin về lượng cá mập bị đánh bắt và chủ yếu vẫn dựa trên sự tự nguyện.
Giám đốc Chương trình Bảo tồn Sinh vật Quốc tế trực thuộc WWF, tiến sĩ Susan Lieberman cho rằng rất nhiều loài sinh vật đang đứng bên bờ vực tuyệt chủng. WWF và TRAFFIC đang cảm thấy nghi ngờ về việc thiếu cơ sở để thu thập dữ liệu số lượng cá mập bị đánh bắt – một nhân tố tối quan trọng đủ để quyết định liệu EU có thành công trong việc bảo tồn các loài sinh vật hay không.
TRAFFIC và WWF cũng yêu cầu EU cung cấp đầy đủ thông tin nhằm đảm bảo kế hoạch có thể hoạt động suôn sẻ, đồng thời cũng kêu gọi Hội đồng Nghị viện châu Âu phê chuẩn kế hoạch mà không thay đổi các biện pháp đã đưa ra hay kéo dài thời gian thi hành.
Những biện pháp bổ sung nêu kèm với kế hoạch bao gồm việc cung cấp các biện pháp giám sát các tàu đánh cá, cấm thải loại cá mập đã đánh bắt, xác lập giới hạn đánh bắt và hỗ trợ các tổ chức quản lý nghề cá, cấm tiêu thụ vây cá mập, khuyến khích mở rộng phạm vi áp dụng kế hoạch ra ngoài châu Âu, ví dụ như việc phê chuẩn kế hoạch hành động LHQ về bảo tồn cá mập (gọi tắt là IPOA-Sharks).
Cá mập là đối tượng được các ngư dân Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đánh bắt. Đuôi và thịt cá mập là món ăn được ưa chuộng tại khắp các nhà hàng tại châu Âu. Trong khi đó cá mập là loài phát triển rất chậm và sinh sản rất ít.
Tháng 12 năm 2008, các Bộ trưởng ngành ngư nghiệp khối châu Âu đã đồng ý giảm số lượng quota và đặt chỉ tiêu ngưng đánh bắt cá mập ở vùng nước sâu hoàn toàn vào năm 2010.
Tuy nhiên, TRAFFIC và WWF cho rằng số lượng cá mập được đánh bắt theo thỏa thuận vẫn còn là rất cao. Mặc dù việc khai thác vây cá mập đã bị cấm trên toàn lãnh thổ châu Âu và các vùng biển kế cận nhưng công tác quản lý và thi hành lệnh cấm này còn rất lỏng lẻo.
Theo TRAFFIC, 05/02/2009, thiennhien.net