Ngày 16/03/2009, chi đoàn Bảo tồn đã tổ chức hội thảo thanh niên phòng Nghiên cứu Bảo tồn Biển nhằm trao đổi học thuật về các vấn đề nghiên cứu hệ sinh thái rạn san hô, rừng ngập mặn và nguồn lợi hải sâm. Đây là các chương trình, đề tài đang được phòng triển khai hoạt động trong năm 2009.
Các vấn đề được trình bày qua 7 báo cáo tại hội thảo bao gồm: (1) Cải tiến ứng dụng phương pháp manta-tow (Kenchington, 1984) quan trắc và xác định diện tích phân vùng rạn san hô tại đảo Lý Sơn và Phú Quý; (2) Đặc điểm sinh học của một số loài Hải sâm ở vùng biển Quảng Ninh và Hải Phòng; (3) Hiện trạng khai thác, chế biến và tiêu thụ Hải sâm ở vùng biển Quảng Ninh và Hải Phòng; (4) Tổng quan tình hình nghiên cứu hệ sinh thái rừng ngập mặn ở Việt Nam; (5) Tổng quan nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học trong hệ sinh thái rừng ngập mặn; (6) Tổng quan nghiên cứu cây rừng ngập mặn Việt Nam và (7) Tìm hiểu nguồn lợi cá trong hệ sinh thái rừng ngập mặn.
Hội thảo đã đạt được một số kết quả nổi bật như sau:
- Làm rõ được một số cách tiếp cận mới và phương pháp nghiên cứu trong việc quan trắc và nghiên cứu rạn san hô.
- Đánh giá được giá trị kinh tế và hiện trạng khai thác của một số loài hải sâm ở vùng biển Quảng Ninh và Hải Phòng.
- Bước đầu xác định được tính đa dạng sinh học của một số hệ sinh thái rừng ngập mặn (Đồng Rui, Long Sơn, Cà Mau) ở Việt Nam.
Hội thảo khoa học của Đoàn TN Phòng Nghiên cứu Bảo tồn biển thực sự đã là diễn đàn để trao đổi, tìm kiếm những giải pháp thích hợp, hướng sáng tạo của tuổi trẻ Viện Nghiên cứu Hải sản, tạo cơ sở vững chắc và góp phần vào sự nghiệp nghiên cứu khoa học để phát triển ngành kinh tế thuỷ sản trong quá trình hội nhập và phát triển của đất nước.
Hoàng Đình Chiều