Dự án “Điều tra tổng thể hiện trạng và biến động nguồn lợi hải sản biển Việt Nam” được thực hiện từ tháng 9/2011 đến tháng 12/2015. Năm 2011, Dự án đã triển khai thực hiện được 1 chuyến điều tra nguồn lợi cá nổi lớn ở biển Việt Nam. Ngày 28/12/2011, Viện Nghiên cứu Hải sản tổ chức hội thảo “Đánh giá sơ bộ kết quả điều tra nguồn lợi cá nổi lớn ở biển Việt Nam và kế hoạch điều tra nguồn lợi năm 2012”. Nội dung của hội thảo tập trung vào việc: i) góp ý, đánh giá sơ bộ kết quả điều tra nguồn lợi cá nổi lớn ở biển Việt Nam, mùa gió Đông Bắc năm 2011; ii) xây dựng kế hoạch thực hiện của dự án năm 2012.
Chủ trì Hội thảo: PGS.TS. Đỗ Văn Khương, chủ tich Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu Hải sản và TS. Chu Tiến Vĩnh, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản. Hội thảo đã được tiến hành với sự tham gia của ông Vũ văn Tám, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; ông Hoàng Quang Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính của Tổng cục Thủy sản; bà Nguyễn Thùy Dương, Phó trưởng phòng Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng phòng, Phòng Hậu cần nghề cá, Cục khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản; lãnh đạo Viện Nghiên cứu Hải sản; các chuyên gia, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Hải sản.
Hội thảo đã trình bày các kết quả điều tra nguồn lợi cá nổi lớn ở biển Việt Nam, mùa gió Đông Bắc năm 2011; kết quả điều tra các yếu tố hải dương học nghề cá; một số đề xuất kỹ thuật cho các chuyến điều tra tiếp theo. Các báo cáo trình bày trong hội thảo đã bước đầu đánh giá được hiện trạng nguồn lợi cá nổi lớn ở biển Việt Nam trong mùa gió Đông Bắc năm 2011 vào thảo luận, so sánh với các kết quả nghiên cứu trước đây. Thông qua hội thảo, các đại biểu, các nhà khoa học đã thảo luận, góp ý kiến về việc đánh giá kết quả điều tra. Đồng thời, hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý cho việc triển khai các nội dung điều tra của dự án năm 2012.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã phát biểu và cho ý kiến chỉ đạo thực hiện dự án về các vấn đề sau: i) Năm 2012, Tổng cục Thủy sản chủ trương điều chỉnh cơ cấu cho ngành khai thác thủy sản và tiến hành tổ chức lại sản xuất. Tổng cục đang rất cần các số liệu điều tra nguồn lợi để phục vụ cho công tác này. Do vậy, dự án cần triển khai để cung cấp số liệu về hiện trạng nguồn lợi hải sản cho Tổng cục; ii) Về nội dung điều tra, cần tập trung cả vùng biển xa bờ và vùng biển ven bờ, trong đó, tập trung vào các nhóm đối tượng nguồn lợi chủ yếu theo các vùng biển; iii) Về phương pháp điều tra, việc bố trí các trạm điều tra cần được thực hiện thống nhất để có thể đánh giá được biến động của nguồn lợi hải sản. Các phương pháp điều tra cần được thực hiện một cách bài bản; iv) Về nội dung điều tra nghề cá thương phẩm, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan của Tổng cục để thực hiện một cách thống nhất; v) Về kinh phí thực hiện, dự kiến năm 2012 kinh phí thực hiện dự án khoảng 30 tỷ đồng. Tổng cục sẽ bố trí ưu tiên tối đa cho dự án để thực hiện các nội dung điều tra. Tuy nhiên, kinh phí này còn chưa đáp ứng được đầy đủ các nội dung theo dự kiến, dự án cần xem xét điều chỉnh các nội dung thực hiện phù hợp, hiệu quả.
Đoàn Thu Hà
Viện Nghiên cứu Hải sản