Ngày 28 tháng 6 năm 2012, Viện Nghiên cứu Hải sản đã tổ chức Hội thảo chuyên đề khoa học của Tiểu dự án I-9: “Phương pháp thu mẫu thống kê nghề cá ở các tỉnh ven biển Việt Nam” thuộc tiểu dự án I.9 “Điều tra tổng thể hiện trạng và biến động nguồn lợi hải sản biển Việt Nam”. Chủ nhiệm dự án: Th.S. Nguyễn Viết Nghĩa.

Mục tiêu Hội thảo để lấy ý kiến chuyên gia để tìm ra phương pháp thu mẫu nghề cá ở các tỉnh ven biển Việt Nam, sao cho phù hợp, để số liệu thu được bao phủ toàn bộ nghề cá hơn với độ tin cậy cao. Chủ trì Hội thảo: PGS. TS. Đỗ Văn Khương

Tham dự Hội thảo có các chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực nghiên cứu nguồn lợi hải sản: PGS.TSKH. Phạm Thược, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải sản,  TS. Chu Tiến Vĩnh, Nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, TS. Đào Mạnh Sơn, TS. Nguyễn Long, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải sản,  Lãnh đạo Viện, Thành viên Hội đồng khoa học Viện, và nhiều nhà khoa học cùng chuyên môn.

Tại Hội thảo, Chủ nhiệm dự án đã trình bày mục tiêu và nội dung của tiểu dự án I.9, các phương pháp điều tra nghề cá thương phẩm và đề xuất phương án thực hiện để các chuyên gia thảo luận, cho ý kiến đóng góp.

Đặc điểm của nghề cá Việt Nam. là nghề cá quy mô nhỏ, được phân chia thành 4 vùng địa lý (Vịnh Bắc Bộ, Trung Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ) với 28 tỉnh ven biển với rất nhiều điểm lên cá rải rác, đa nghề; cơ cấu tàu thuyền phức tạp, với rải công suất khá rộng, số lượng tàu thuyền lớn, luôn biến động, di chuyển ngư trường rất lớn, ngoài ra, còn hiện tượng thay đổi nghề và khai thác kiêm nghề, nên việc thiết kế chương trình thu mẫu là rất khó khăn để thực hiện với nguồn lực hạn chế như ở Việt Nam. Các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nguồn lợi đã cho các ý kiến đóng góp rất thiết thực, gợi mở để đưa ra phương án thực hiện điều tra nghề cá thương phẩm ở các tỉnh ven biển Việt Nam đạt được mục tiêu: Độ bao phủ toàn nghề cá cao, độ tin cậy lớn.

 Kết thúc Hội thảo, các chuyên gia và các nhà khoa học đều thống nhất được các ý kiến quan trọng: Thống nhất chọn phương án điều tra theo không gian và thời gian, được thực hiện ở 28 tỉnh ven biển để số liệu bao phủ nghề cá cả nước; Cần gắn trách nhiệm của địa phương vào dự án này. Có văn bản pháp lý kèm theo. Các cán bộ địa phương tham gia phải được tâp huấn, cần có giám sát (cũng phải có hướng dẫn). Việc điều chỉnh các nội dung nghiên cứu cần được thực hiện: Hạn chế điều tra trên biển và chuyển sự tập trung sang thống kê nghề cá.
 
Hội thảo đã diễn ra tốt đẹp với những kết quả khả quan về phương pháp thu mẫu nghề cá, một phần nhờ sự chuẩn bị kỹ càng của các cán bộ khoa học tham gia dự án. Trong thời gian tới, chủ nhiệm dự án cần phối hợp với các chuyên gia, các nhà khoa học để điều chỉnh chi tiết và đưa vào thực hiện. Kết quả hội thảo sẽ góp phần tích cực cho sự thành công của chương trình thu mẫu nghề cá, quyết định tính chính xác và độ chính xác của của kết quả nghiên cứu, góp phần vào công cuộc quản lý nghề cá Việt Nam.