Ngày 26/3/2011, tại Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Cục KT và BVNLTS - Tổng cục Thủy sản – Bộ NN và PTNT đã tổ chức Hội nghị tổng kết khai thác thủy sản vụ cá Bắc 2010 – 2011 và bàn giải pháp vụ cá Nam 2011 nhằm đề ra những nhiệm vụ, giải pháp triển khai thắng lợi kế hoạch sản xuất vụ cá Nam 2011 . Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Vũ Văn Tám chủ trì hội nghị.

          Theo báo cáo của Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Trong vụ cá Bắc 2010 – 2011, các địa phương đã tập trung chỉ đạo huy động tối đa lực lượng tàu thuyền tham gia khai thác, tổ chức theo mô hình tổ, đội sắp xếp, bố trí lực lượng tàu thuyền tham gia khai thác ở các ngư trường xa bờ của địa phương, một số nghề khai thác chủ yếu, đạt hiệu quả kinh tế trong vụ cá Bắc vừa qua là:
          Nghề lưới kéo, khoảng 22 nghìn tàu, chiếm 18% số tàu khai thác: Nghề lưới kéo phần lớn hoạt động tại tuyến khơi, độ sâu khai thác từ 30m – 50m đối với nghề lưới kéo đơn và 60 – 80m đối với nghề lưới kéo đôi, ngư trường hoạt động tập trung tại các vùng biển xa bờ , đối tượng khai thác chính là các loài cá đáy, mực, bạch tuộc ... , số ngày hoạt động 30 – 60 ngày/chuyến, các ngư trường khai thác hiệu quả: ngư trường vịnh Bắc Bộ, Đông Tây Nam Bộ.
        Nghề lưới rê, khoảng 47 nghìn tàu, chiếm 38% số tàu khai thác: Nghề lưới rê hầu như hoạt động quanh năm, số ngày trung bình của chuyến biển từ 20 – 30 ngày/chuyến, đối tượng khai thác chủ yếu là các loại cá có giá trị kinh tế cao như cá ngừ cá thu ..., các ngư trường hoạt động đạt hiệu quả là ngư trường vịnh Bắc Bộ (Thanh Hóa), ngư trường Đông và Tây Nam Bộ (tàu các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu).
          Nghề câu, khoảng 22 nghìn tàu, chiếm 18% số tàu khai thác: Nghề câu có thời gian hoạt động từ 18 – 20 ngày/chuyến, sản lượng đạt được không cao nhưng giá trị sản phẩm nghề câu cao, đặc biệt là nghề câu cá ngừ đại dương tại ngư trường các tỉnh Miền Trung.
          Nghề lưới vây, khoảng 6 nghìn tàu, chiếm 5% số tàu khai thác: Đây là nghề hoạt động quanh năm trừ những ngày biển động, các ngư trường khai thác chủ yếu là ngư trường vịnh Bắc Bộ, Đông – Tây Nam Bộ, đối tượng khai thác chính của nghề là cá nục, cá chim, cá ngừ ... nên hiệu quả kinh tế của nghề là tương đối cao, trong vụ cá Bắc 2010 – 2011, tại ngư trưởng vịnh Bắc Bộ nghề vây đạt hiệu quả khá cao, đặc biệt là ngư dân các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình.(...)
        Tính đến tháng 3/2011, tổng số tàu thuyền cả nước khoảng 128 nghìn chiếc, trong đó khoảng 125 nghìn chiếc tham gia khai thác hải sản. Ngư trường khai thác chính gồm Vịnh Bắc bộ, các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và Đông -Tây Nam bộ. Trong vụ cá Bắc năm 2010-2011, các địa phương đã tập trung chỉ đạo, huy động tối đa tàu thuyền, tổ chức mô hình tổ đội ra khơi nên kết quả thu được khá cao: Tổng sản lượng đánh bắt 1262,2 ngàn tấn, đạt 118% kế hoạch; trong đó khai thác hải sản được 1150,8 ngàn tấn, khai thác nội địa 111,4 ngàn tấn…
         Về sản xuất vụ cá Nam, tại hội nghị, các ý kiến phát biểu tập đã trung kiến nghị các Bộ, ngành cần có các giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ ngư dân, trong đó đặc biệt là chính sách khuyến khích ngư dân trong việc khai thác, đánh bắt xa bờ. Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh, vụ cá Nam là vụ khai thác chính trong năm, các địa phương cần thực hiện tốt các biện pháp đồng bộ để hoàn thành thắng lợi kế hoạch sản suất vụ cá này cũng như hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kế hoạch khai thác hải sản cả năm 2011.
         Hội nghị cũng đã đưa ra một số giải pháp nhằm hạn chế tình trạng tàu cá và ngư dân của Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ như tăng cường hợp tác quốc tế trong khai thác hải sản với Trung Quốc và một số nước trong khu vực là Philippines, Indonesia… để đưa tàu của ta sang khai thác hợp pháp tránh bị các nước bắt, giam giữ.
        Hướng tới kỷ niệm 52 năm Ngày truyền thống ngành thủy sản Việt Nam (1/4/1959-1/4/2011) toàn ngành thủy sản từ Trung ương đến địa phương chủ động sáng tạo, nỗ lực phấn đấu chỉ đạo sản xuất vụ cá Nam 2011 an toàn, hiệu quả và thắng lợi.
Nguồn: Cucktbvnlts