Ngày 3/2/2009, Hội đồng Khoa học của Viện đã chấm điểm đánh giá hồ sơ chuyên môn của hai ứng viên nghiên cứu sinh chuyên ngành Ngư loại học là ThS. Vũ Việt Hà và ThS. Bách văn Hạnh - cán bộ nghiên cứu thuộc Phòng Nghiên cứu Nguồn lợi, Viện Nghiên cứu Hải sản.
1. ThS. Vũ Việt Hà dự tuyển NCS với luận án ‘’Nghiên cứu đặc tính phản hồi âm của một số loài cá nổi nhỏ ở biển Việt Nam làm cơ sở khoa học cho việc đánh giá trữ lượng nguồn lợi trong một số khu vực biển Việt Nam’’. Nội dung nghiên cứu của đề án như sau:
a) Nghiên cứu áp dụng phương pháp thủy âm đa tần số để xác định tín hiệu thủy âm của một số loài cá nổi nhỏ ở biển Việt Nam:
- Nghiên cứu đặc tính phản hồi âm theo tần số của một số loài cá nổi nhỏ.
- áp dụng phương pháp phân tích phương trình biệt thức đối với đáp tuyến tần số để tìm ra các tham số cơ bản sử dụng trong phân tách tín hiệu âm phản hồi của một số loài cá nổi nhỏ.
b) Nghiên cứu xác định hệ số phản hồi âm của một số loài cá ở biển Việt Nam bằng phương pháp đo trực tiếp ngoài tự nhiên (in situ target strength measurements) phục vụ cho việc đánh giá nguồn lợi các loài cá nổi nhỏ.
c) Sử dụng phương pháp thủy âm kết hợp đánh lưới kéo trung tầng và lưới kéo đáy để đánh giá trữ lượng nguồn lợi một số loài cá nổi nhỏ ở vùng biển Đông - Tây Nam Bộ và xác định khu vực phân bố tập trung của chúng trong vùng biển nghiên cứu.
Đề cương luận án được đánh giá là một định hướng nghiên cứu chuyên sâu và rất hữu ích trong nghiên cứu điều tra đánh giá trữ lượng nguồn lợi cá nổi nhỏ sử dụng phương pháp thuỷ âm.
2. ThS. Bách Văn Hạnh dự tuyển NCS với luận án ‘’Nghiên cứu biến động nguồn lợi mực xà Sthenoteusthis oualaniensis (Lesson, 1839) khai thác được ở biển Việt Nam, tạo cơ sở khoa học cho công tác quản lý nguồn lợi và phát triển nghề khai thác mực xà ở Việt Nam’’. Nội dung nghiên cứu của đề án như sau:
a) Điều tra đánh giá hiện trạng khai thác mực xà ở Việt Nam (Cơ cấu đội tàu; phân bố cường lực, năng suất, sản lượng khai thác...).
b) Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học (sinh trưởng, sinh sản,...) của mực xà ở biển Việt Nam
c) Nghiên cứu đánh giá trữ lượng, khả năng khai thác và biến động nguồn lợi mực xà khai thác được ở biển Việt Nam.
Đề cương luận án được đánh giá là một đề xuất nghiên cứu mới, vì từ trước đến nay chưa hề có nghiên cứu sâu về hiện trạng nguồn lợi mực xà biển Việt Nam được thực hiện, và kết quả của luận án sẽ rất phù hợp và hữu ích trong thực tiễn sản xuất nghề cá hiện nay ở Việt Nam.
Duyên Hương