1. Mở đầu
Cá mòi cờ hoa (Clupanodon thrissa) là nguồn lợi quan trọng của cộng đồng ngư dân ở trên các sông thuộc Bắc Bộ. Trong những năm gần đây, do sự gia tăng cường lực khai thác và đặc biệt là việc sử dụng các ngư cụ khai thác có hại ở các bãi đẻ trên các sông thuộc Bắc Bộ và sự ô nhiễm môi trường nước đã làm cho nguồn lợi thủy sản trên các sông nói chung và nguồn lợi cá mòi cờ hoa nói riêng đang suy giảm nhanh chóng. Nhận thức rõ những vấn đề này, các nhà khoa học và quản lý nghề cá đang cố gắng tìm ra các giải pháp nhằm đảm bảo việc khai thác một cách hợp lý để phục hồi và phát triển nguồn lợi cá mòi cờ hoa trên các sông theo hướng bền vững.
Để làm được điều này, trước hết cần phải đánh giá được hiện trạng các nghề khai thác cá mòi cờ hoa và sản lượng khai thác hàng năm trên các sông như: sông Hồng, sông Đáy, sông Thái Bình và sông Mã, sông Luộc, sông Ninh Cơ, sông Văn úc để xác định cơ cấu tàu thuyền, kết cấu ngư cụ, ngư trường, mùa vụ khai thác và đánh giá mức độ ảnh hưởng của các ngư cụ đối với nguồn lợi cá mòi cờ hoa, tính được năng suất và hiệu quả kinh tế của một số nghề khai thác cá mòi cờ hoa. Nhằm góp phần vào việc bảo vệ và khôi phục nguồn lợi cá mòi cờ hoa.
2. Hiện trạng khai thác cá mòi cờ hoa trên các sông
2.1. Hiện trạng cơ cấu nghề nghiệp
Theo số liệu thống kê của các địa phương và kết quả khảo sát thực tế trên các song cho thấy cơ cấu tàu thuyền chuyên khai thác cá mòi cờ hoa và khai thác ngẫu nhiên phân theo nghề và công suất ở các địa phương như bảng 1 và 2.
Bảng 1. Cơ cấu tàu thuyền khai thác cá mòi phân theo nghề
Sông | Tổng số tàu (chiếc) | Nghề chuyên khai thác cá mòi cờ hoa (chiếc) | Nghề không chuyên khai thác cá mòi cờ hoa (chiếc) | |||
Lưới rê 3 lớp | Lưới rê 1 lớp | Lưới rê 3 lớp | Nghề đăng | Nghề vây | ||
Sông Hồng | 515 | 186 | 135 | 179 | 10 | 5 |
Sông Đà | 63 | 0 | 25 | 38 | 0 | 0 |
Sông Đáy | 34 | 25 | 8 | 0 | 1 | 0 |
Sông Mã | 118 | 116 | 0 | 0 | 2 | 0 |
S. Ninh Cơ | 24 | 19 | 5 | 0 | 0 | 0 |
S. Văn úc | 35 | 35 | 0 | 0 | 0 | 0 |
Sông Luộc | 28 | 13 | 0 | 15 | 0 | 0 |
Tổng | 817 | 394 | 173 | 232 | 13 | 5 |
Số lượng tàu thuyền làm nghề lưới rê 3 lớp, nghề chuyên khai thác cá mòi cờ hoa trên các sông ở khu vực Bắc Bộ có khoảng 394 chiếc, chiếm 48,2% còn tàu thuyền làm các nghề không chuyên khai thác cá mòi cờ hoa có 423 chiếc, chiếm 51,8% tổng số thuyền khai thác cá trên các sông.
Bảng 2. Cơ cấu tàu thuyền khai thác cá mòi cờ phân theo công suất
Sông | Nhóm công suất (CV) | Tổng số tàu (chiếc) | ||
Không lắp máy | ≤ 20 | > 20 | ||
Sông Hồng | 177 | 336 | 2 | 515 |
Sông Đà | 32 | 31 | 0 | 63 |
Sông Đáy | 6 | 28 | 0 | 34 |
Sông Mã | 12 | 103 | 3 | 118 |
S. Ninh Cơ | 0 | 24 | 0 | 24 |
S. Văn úc | 4 | 31 | 0 | 35 |
Sông Luộc | 2 | 25 | 1 | 28 |
Tổng | 233 | 578 | 6 | 817 |
Đa số tàu thuyền khai thác cá mòi cờ hoa trên các sông được lắp máy có công suất nhỏ hoặc không lắp máy, loại có công suất nhỏ hơn 20CV là 578 chiếc, chiếm 70,7% tàu thuyền làm nghề khai thác cá trên các sông. Loại lắp máy lớn hơn 20CV chỉ có 6 chiếc, chiếm 0,8% số tàu thuyền. Loại không lắp máy có 233 chiếc, chiếm 28,5%. Như vậy, cơ cấu đội tàu khai thác cá trên các sông thường lắp máy nhỏ hơn 20CV hoặc không lắp máy
2.2. Hiện trạng công nghệ khai thác
2.2.1. Tàu thuyền
Qua khảo sát nhận thấy rằng, hầu hết tàu thuyền làm nghề khai thác cá mòi cờ hoa trên các sông thuộc Bắc Bộ là thuyền thủ công, vỏ được đan bằng tre hoặc tre có một lớp bảo vệ bằng ximăng cát ở bên ngoài; một số thuyền được làm bằng tôn hoặc sắt. Thuyền có chiều dài từ 3,0 - 9,5m; chiều rộng từ 0,8 - 1,5m. Thuyền có lắp máy chiếm 71,5%. Máy được lắp trên các thuyền chủ yếu là công suất từ 6 – 20CV do Trung Quốc sản xuất và thuyền không lắp máy chiếm tới 28,5%.
Hình 1. Thuyền khai thác cá mòi trên sông
2.2.2. Ngư cụ
Cá mòi cờ hoa được khai thác bằng nhiều loại ngư cụ khác nhau: lưới vây, lưới rê 1 lớp, lưới rê 3 lớp, đáy, đăng,...Tuy nhiên, qua khảo sát trên các sông ở khu vực Bắc Bộ, cá mòi cờ hoa được khai thác chủ yếu bằng lưới rê 3 lớp (lưới 3 màn).
Lưới rê 3 lớp có cấu tạo khá đơn giản gồm nhiều cheo lưới ghép lại với nhau. Mỗi cheo lưới gồm 3 tấm lưới, trong đó có 2 tấm lưới ngoài và 1 tấm lưới giữa. Các tấm lưới được lắp chung trên hệ thống dây giềng (giềng phao và giềng chì) với hệ số rút gọn của 2 tấm ngoài và tấm trong khác nhau. Tấm lưới ngoài có kích thước mắt lưới 2a = 350 - 400mm và sợi lưới là PA mono có đường kính là 0,5mm. Tấm lưới lớp giữa có kích thước mắt lưới 2a = 50mm - 55mm và sợi lưới là PA mono có đường kính là 0,2mm.
2.2.3. Mùa vụ khai thác
Cá mòi cờ hoa là loài cá sống ở nước mặn nhưng đến mùa sinh sản chúng di cư vào các sông để đẻ. Mùa sinh sản của cá mòi thường là từ tháng 1 đến tháng 4 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết của từng năm, cá có thể xuất hiện ở các sông thuộc Bắc Bộ từ tháng 12 đến tháng 5 âm lịch hàng năm. Mùa di cư đi đẻ của cá mòi cũng là mùa khai thác chính ở các sông thuộc Bắc Bộ.
2.3. Năng suất khai thác và hiệu quả kinh tế
Khai thác cá mòi cờ hoa ở các sông thuộc Bắc Bộ chủ yếu bằng lưới rê 3 lớp (3 màn). Năng suất khai thác trung bình của nghề lưới rê 3 lớp khai thác cá mòi cờ hoa ở các sông như sau:
Hình 2. Năng suất khai thác trung bình
- Năng suất khai thác cá mòi cờ hoa cao nhất là sông Luộc, tiếp đến là sông Ninh Cơ, sông Mã và thấp nhất là sông Đáy và sông Hồng. Năng suất khai thác trung bình của các sông chênh lệch nhau khoảng 6 - 12%.
- Năng suất khai thác trung bình cá mòi cờ hoa năm 2005 cao hơn năm 2006 khoảng 6,1% và cao hơn năm 2007 khoảng 16,7%. Như vây, năng suất khai thác cá mòi cờ hoa trên các sông ở Bắc Bộ hàng năm giảm từ 6 - 15%.
Để thấy rõ giá trị về mặt kinh tế của cá mòi cờ hoa đối với cộng đồng dân cư làm nghề khai thác cá trên các sông, ta xét đến hiệu quả kinh tế của nghề khai thác cá mòi cờ hoa như sau:
Hình 3. Lợi nhuận khai thác trung bình
- Kết quả trên cho thấy, sông Hồng đạt lợi nhuận trung bình từ khai thác cá mòi cờ hoa cao nhất (7,5 đến 11 triệu đồng/thuyền/năm); tiếp đến là sông Ninh Cơ, sông Đáy, sông Văn úc, và sông Luộc (3,5 đến 7 triệu đồng/thuyền/năm) và thấp nhất là sông Mã (3,1 đến 3,5 triệu đồng/thuyền/năm). Sở dĩ có sự chênh lệch lợi nhuận trung bình giữa các sông như thế là do giá cá mòi cờ hoa ở các khu vực không đồng đều nhau.
- Lợi nhuận trung bình từ khai thác cá mòi cờ hoa trong năm 2005 cao hơn năm 2006 khoảng 13,3% và cao hơn năm năm 2007 khoảng 15,8%.
Như vậy, thu nhập của người dân đạt được trong mùa vụ cá mòi tương đối cao, các thuyền có thu nhập cao khoảng 7,5 - 11 triệu đồng/thuyền/năm. Các thuyền có thu nhập trung bình khoảng 3,5 - 7 triệu đồng/thuyền/n¨m. Nhưng hiện nay thu nhập từ khai thác cá mòi cò hoa của ngư dân trên các sông đang có xu hưởng giảm mạnh. Vì vậy, cần có các biện pháp khai thác và bảo vệ hợp lý nguồn lợi cá mòi cờ hoa.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Duy Chỉnh, 1982. Ngư cụ khai thác cá nước ngọt. NXB Nông nghiệp, Hà Nội.
2. Bách Văn Hạnh, 2003. ảnh hưởng của chiều dài lưới rê tới thành phần loài hải sản khai thác được. Viện Nghiên cứu Hải sản.
3. Hoàng Hoa Hồng, 2004. Kỹ thuật khai thác cá - Nghề lưới rê. NXB Nông nghiệp, Tp. Hồ Chí Minh.
4. Nguyễn Long, 1999. Hiện trạng công nghệ khai thác hải sản ở vịnh Bắc Bộ. Viện Nghiên cứu Hải sản.
5. Thái Văn Ngạn, 2000. Kỹ thuật khai thác thuỷ sản. NXB Nông nghiệp, Hà Nội.
Phan Đăng Liêm<br>Phong NCCN Khai Thác - Viện Nghiên cứu Hải sản