Hệ thống đảo ven bờ Việt Nam gồm 2773 hòn đảo lớn nhỏ với diện tích 1.720km2, trong đó các đảo nhỏ (nhỏ hơn 0,5 km2) chiếm hơn 97% và chủ yếu tập trung ở vùng biển ven bờ Vịnh Bắc Bộ Việt Nam là những núi đá vôi, địa hình thấp, chịu nhiều tác động của các quá trình phong hóa hóa học, tạo nên một quần thể đảo có kiến trúc đặc sắc: các sườn, vách dốc đứng với các đỉnh sắc nhọn, hoặc các khối đổ lở chồng chất và các hốc đá sóng vỗ - một cảnh quan độc nhất vô nhị trong ý nghĩa toàn cầu về giá trị địa chất và địa mạo vùng đá vôi Karst với cái tên huyền thoại “Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long”.

Các đảo lớn từ 1km2 trở lên có 84 đảo, trong đó có 24 đảo có diện tích từ 10km2 đến 557km2, chiếm 82% tổng diện tích tự nhiên các đảo (1413 km2/1720 km2), phân bổ rải rác từ vùng biển ven bờ Quảng Ninh - Hải Phòng đến vùng biển ven bờ Tây Nam là những đồi núi thấp, dạng khối, bất đối xứng.

Sườn thoải (thường là sườn khuất gió, ít chịu tác động của các quá trình động lực biển) phát triển theo bề mặt các lớp đá có thể nằm nghiêng, có các bề mặt san bằng và các bậc thềm mài mòn trên những độ cao khác nhau 300m, 200m, 100m, 70m, 50m, 30m, 20m. Dưới chân đảo là những cung bờ lõm với các địa hình tích tụ cát thạch anh trắng mịn, là những bãi tắm lý tưởng với những kích thước khác nhau như vài chục mét đến vài trăm mét, thậm chí vài ba nghìn mét (Cô Tô, Ngọc Vừng, Cái Bầu, Phú Quốc, Phú Quý...). Sườn đón gió là những vách đá dốc đứng (30o - 600), chịu tác động mạnh của các quá trình thủy động lực và vận động kiến tạo cục bộ, tạo các cảnh quan địa chất hùng vĩ. Đặc biệt các đảo cấu tạo từ đá Granit ở vùng biển ven bờ miền Trung Việt Nam có các khe nứt, các hốc đá cheo leo trên sườn dốc là những nơi cư trú của chim yến như Hòn Khô, Hòn Lao, Cù Lao Chàm và các đảo ở vùng biển Nha Trang, Khánh Hòa, đem lại nguồn lợi "vàng trắng" to lớn trị giá hàng triệu đôla.

Về cấu tạo địa chất các đảo lớn này có sự phân hóa theo từng vùng. Các đảo ven bờ Vịnh Bắc Bộ được cấu tạo từ đá cacbonat chiếm ưu thế, các đảo ven bờ từ Thanh Hóa đến Bình Thuận và các đảo ven bờ Tây Nam được cấu tạo chủ yếu từ đá mắcma, đá xâm nhập, đá trầm tích và phun trào.

Lớp vỏ phong hóa phủ trên sườn các đảo này thường không dày, thành phần vật chất gắn liền với cấu tạo địa chất, chủ yếu là đất feralit vàng đỏ, sà sản phẩm đất dốc tụ, đất feralit nâu vàng trên sản phẩm phong hóa đá vôi, có thành phần cơ giới từ thịt nặng đến sét pha, đất feralit vàng đỏ trên sa diệp thạch có thành phần cơ giới nhẹ, đất feralit nâu đỏ trên đá bazan có thành phần cơ giới nặng, cấu trúc tốt. Đất cát hoặc đất nghèo mùn và nghèo đạm, thường hàm lượng lân và kali từ trung bình đến nghèo, phân bổ ở các thềm biển trên triều ở độ cao từ 6 - 10m.

Địa hình đáy biển xung quanh đảo không đồng nhất, khá phức tạp bao gồm: địa hình tích tụ, nông, thoải, từ độ sâu 2m và từ 10 - 20m là thảm san hô rất phát triển, độ che phủ đạt hơn 60%, một hệ sinh thái đặc trưng của vùng biển nhiệt đới có hệ số đa dạng sinh học cao (> 3/3), giàu nguồn lợi đặc sản, ngoài ra hệ sinh thái san hô còn là bộ lọc nước tự nhiên cao cấp, làm sạch môi trường nước biển. Địa hình xâm thực ở chân đảo tạo thành các thung lũng ngầm kéo dài và các rãnh sâu dưới chân các mũi nhô của đảo, độ sâu có thể đạt đến 30m hoặc sâu hơn tạo thành những cư sinh (habitat) của các loài đặc sản như tôm hùm, các nhuyễn thể sống bám vào vách đá.

Đảo biển là một đơn nguyên cảnh quan địa chất, địa mạo, là một hệ sinh thái hoàn chỉnh, có rừng, có biển, có bãi cát và chan hòa ánh sáng mặt trời. Cảnh quan đảo biển tráng lệ, khí hậu trong lành đến tinh khiết, tài nguyên đa dạng và phong phú, không gian rộng lớn đến vô tận, là nguồn sinh lực dồi dào cho sự phát triển của con người. Lấy biển làm chỗ dựa nhằm mục tiêu thỏa mãn nhu cầu về vật chất và tinh thần của mọi người dưới điều kiện kinh tế - xã hội nhất định.

Do hoàn cảnh tự nhiên về cấu tạo địa chất, địa hình và cảnh quan, mỗi đảo có những nét riêng, song lại có chung một điểm là nơi lý tưởng để phát triển kinh tế - sinh thái và du lịch. Trên thực tế rất nhiều đảo trên thế giới đã phát triển thành những thánh địa du lịch nổi tiếng như Tahiti - Nam Thái Bình Dương, Manlta - Địa Trung Hải, công viên đại ngàn Australia, công viên quốc gia biển Tây Bắc, Cộng hòa Liên bang Đức, đem lại nguồn tài chính lớn lao. Ở Hoa Kỳ, mỗi năm có khoảng 45 triệu lượt người tham gia du lịch biển - đảo thu 8 tỷ USD; tại Canada khoảng 65 triệu lượt người, thu 4,7 tỷ đôla Canada; tại Nhật Bản khoảng 100 triệu lượt người/năm. Trung Quốc có khoảng 1.500 điểm phong cảnh du lịch bờ biển và hải đảo thu hút hàng trăm triệu khách du lịch mỗi năm.

Việc đánh giá chính xác tiềm năng hệ thống đảo biển sẽ là cơ sở khoa học cho việc định hướng đúng đắn chiến lược khai thác, phát triển kinh tế và quản lý bền vững tài nguyên môi trường vùng biển chủ quyền quốc gia.

Từ những kết quả điều tra nghiên cứu hệ thống đảo Việt Nam trong 20 năm gần đây, từ những bài học đắt giá về chủ trương phát triển kinh tế nông - lâm - ngư các đảo Đông Bắc Việt Nam và từ những thực tế phát triển kinh tế - sinh thái - du lịch các đảo trên thế giới cho phép chúng tôi khẳng định mô hình kinh tế - sinh thái đảo là thích hợp, là hiệu quả. Kinh tế - sinh thái chứa nội dung phát triển bền vững tài nguyên sinh thái và môi trường.

Khác với đất liền, hệ sinh thái rừng trên đảo phát triển rất khó khăn, phải trải qua hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm và có tính đặc hữu cao, đem lại cho con người những giá trị vật chất và tinh thần. Tài nguyên rừng ở đảo không phải là gỗ, vì rừng là tất cả, là áo giáp bảo vệ đảo, chống xói mòn, giữ ẩm cho đảo, là nguồn nuôi dưỡng mọi sự sống, là cảnh quan sinh thái có sức hấp dẫn du khách. Trong thảm thực vật rừng trên đảo phần lớn là các loài cây có nguồn gốc từ đất liền, và có những loài thực vật có tính đặc hữu khác có giá trị dược liệu. Tại đảo Cù Lao Chàm có tới 116 loài cây có giá trị dược liệu, chiếm 22,8% tổng số loài. Thiên tuế là loài cây cảnh có tính đặc hữu của Cù Lao Chàm được xếp hạng trong sách đỏ, cần được bảo vệ. Tại Hòn Giài, Cù Lao Chàm, thiên tuế mọc thành "rừng", cao 1m - 3m, có tuổi từ 100 - 200 năm là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Nguồn lợi động vật rừng trên đảo tuy không phong phú nhưng có nhiều loài sống rất gần gũi với con người như sóc, khỉ, khiếu, vẹt... Việc giao rừng cho dân trên đảo Ngọc Vừng là việc làm trái qui luật phát triển bền vững. Trên đảo Ngọc Vừng, Quảng Ninh, đất rừng được giao cho dân, nên họ có quyền chặt phá để lại đồi núi trọc.

Đất cả khả năng canh tác nông nghiệp trên đảo chỉ chiếm khoảng 10 - 20% diện tích tự nhiên, chủ yếu là đất feralit và đất cát ít mùn và nghèo dinh dưỡng. Tại đảo Ngọc Vừng, đảo Cô Tô, năng suất lúa trên đất cát chỉ đạt tối đa 2 tấn/ha. Cây lúa có nhu cầu nước rất lớn. Muốn sản xuất 1 tấn thóc thì phải cung cấp 100m3 nước. Trong khi đó nước ở trên đảo chỉ đáp ứng nhu cầu dân sinh ở mức độ thấp. Do vậy trên đảo việc phát triển cây lương thực kém hiệu quả, cần phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn. Như các loại rau sạch cao cấp ưa đất cát biển, như: cà chua, su hào, bắp cải, hành tỏi, đậu, dưa hấu, dưa các loại và trồng các loại cây lâu năm trong cơ cấu vườn rừng.

Các bậc thềm sườn thoải của đảo được phủ một lớp vỏ phong hóa không dày gần vùng nước suối chảy qua thuận lợi cho việc phát triển các vườn rừng, cây ăn trái hoặc cây rừng lá rộng. Đặc biệt trên các bề mặt san bằng ở các độ cao 200m, 300m, thực vật có khả năng phát triển do nhiệt độ thấp, độ ẩm cao mang đặc điểm khí hậu biển và khí hậu cao nguyên. Ở đây có thể phát triển kinh tế vườn rừng, kinh tế sinh thái và du lịch, có thể xây dựng các nhà nghỉ dưỡng, nhanh chóng phục hồi sức khỏe. Ở các đảo ven biển Việt Nam có thể tìm thấy cảnh quan sinh thái kiểu này trên đảo Hòn Khoai, đảo Cái Bầu, đảo Cù Lao Chàm, đảo Cát Bà.

Biển quanh đảo và các bãi cát thạch anh trắng mịn cùng với hệ sinh thái san hô là nguồn tài nguyên du lịch sinh thái biển vô giá. Có thể tổ chức các cụm du lịch tắm biển, tham quan các hệ sinh thái san hô đa sắc màu ngầm dưới nước nhưng không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

Các đảo gần như không sống đơn độc, bao giờ cũng hình thành cụm đảo, trung tâm là một đảo lớn xung quanh là các đảo con. Ở đó con người có thể thả mình tắm biển, câu cá, theo dõi nhịp sống của các loài sinh vật biển và các loài cá nhiều màu sắc sống trong các rạn san hô. Biển trên nền san hô bao giờ cũng lặng, màu của biển luôn thay đổi theo độ sâu và theo thời gian chiếu sáng của mặt trời.

Khí hậu biển mát mẻ vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông do có sự điều hòa nhiệt của biển. Biển vừa là bánh đà vừa là bình nhiệt hấp thu nhiệt vào ban ngày và vào mùa hè tỏa nhiệt vào ban đêm và vào mùa đông. Nhiệt độ không khí tối cao và tối thấp trên biển bao giờ cũng chênh lệch so với đất liền từ 10C - 30C. Đảo biển thỏa mãn 3 yêu cầu của du lịch biển - 3 chữ S: sea, shore và sun, song khác với vùng biển ven bờ là chất lượng cao hơn nhiều lần.

Không khí biển - đảo và nước biển là môi trường trong lành nhất, là thiên đường của những ai muốn tránh xa nhịp sống ồn ào và ô nhiễm của đô thị, vui với biển, nắng, gió và cát, song cũng không đâu có cảnh quan đẹp như ở đảo có rặng dừa xanh ngút ngàn chạy bao quanh bờ biển, trên cao là lớp phủ thực vật một màu xanh suốt 12 tháng trong năm. Tiếp theo là những rạn san hô đa sắc màu.

Các hệ sinh thái đảo biển có chỉ số đa dạng sinh học cao >3,3, nhưng khối lượng của các loài sinh vật không lớn do diện tích đảo rất hạn hẹp và tính nhiệt đới của địa sinh học. Trong khi đó các loài đặc sản biển của đảo mang tính địa phương cao. Du khách có thể thưởng thức món ăn đặc sản này ở Cù Lao Chàm, nhưng không bao giờ có thể tìm thấy tại các đảo khác. Nhân dân sống trên đảo có truyền thống khai thác hải sản từ khi khai sinh lập nghiệp, nhưng kém phát triển do kỹ thuật lạc hậu, nhiều khi nguy hiểm như nghề lặn sâu hơn 10m để bắt tôm hùn, mò ngọc trai. Mặt khác, do hoàn cảnh địa lý các sản phẩm biển được khai thác chưa có giá trị hàng hóa cao, vẫn mang tính tự cung tự cấp.

Khai thác cá ở biển đảo phụ thuộc vào hai yếu tố có tính quyết định. Thứ nhất, vị trí của đảo phải gần với các ngư trường khai thác truyền thống. Thứ hai là trình độ kỹ thuật và tiền vốn. Ngư dân ở đảo Phú Quý thường đi khai thác vây cá mập ở các vùng biển xa phải mất hàng tuần, có khi tới hàng tháng, sản phẩm được đem bán ở thị trường thuận tiện nhất. Ngư dân ở đảo Cô Tô khai thác các loại cá kinh tế ở ngư trường Vịnh Bắc Bộ, sản phẩm có thể đem vào cảng Hòn Gai bán, có thể bán ở thị trường Trung Quốc ngay trên biển. Hiện nay chính quyền địa phương đã tổ chức chợ cá trên vùng nước của vịnh Cô Tô, khá thuận tiện cho kẻ bán người mua. Trên thực tế, các đảo thuộc Vịnh Bắc Bộ có khả năng phát triển nghề khai thác hải sản, nghề nuôi cá lồng qui mô vừa như Cô Tô, Cát Bà, Vĩnh Thực, Vân Đồn nhưng hiệu quả chưa cao. Các đảo miền Trung và Nam bộ nghề khai thác và nuôi hải sản rất hạn chế do điều kiện tự nhiên không mấy thuận lợi. Do công nghệ thấp, nghề nuôi cá lồng trên vùng biển, đảo Quảng Ninh đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường sinh thái đáng lo ngại.

Theo số liệu điều tra năm 2000 - 2002, nghề cá tại các đảo còn kém phát triển, các tàu thuyền đánh cá có công suất nhỏ. Dân không có vốn đóng các tàu và không có kỹ thuật đánh bắt xa bờ. Tại Cù Lao Chàm, ngư dân vay vốn Nhà nước đóng đội tàu có công suất trên 300CV phục vụ đánh bắt xa bờ nhưng 3 năm nay vẫn dừng chân tại chỗ.

Từ những kết quả phân tích trên, người nghiên cứu cho rằng khai thác hải sản không có cơ hội phát triển ở các đảo biển. Nếu có chỉ đối với các đảo lớn, gần ngư trường lớn như Phú Quốc, Phú Quý và Cô Tô. Nghề khai thác hải sản của ngư dân đảo mang tính sản xuất nhỏ, khai thác các đặc sản biển là chính, sản phẩm chỉ đủ xuất khẩu tại chỗ, nếu có công nghệ chế biến thì giá trị hàng hóa xuất khẩu tại chỗ sẽ cao hơn nhiều lần.

Nuôi hải sản biển có hai khả năng:

Thứ nhất, nuôi cá lồng vào thời kỳ thời tiết thuận lợi mang tính thu gom vỗ béo trước khi xuất ra nước ngoài hoặc là thị trường trong nước. Hình thức này độ an toàn cao và sản phẩm không bị ô nhiễm nhưng qui mô không lớn. Vì ngoài đảo khó tìm được vị trí ít chịu tác động của các quá trình động lực biển.

Hình thức thứ hai, nuôi trong đầm, rất khó khăn vì ngoài đảo hầu như không có môi trường thuận lợi. Theo số liệu điều tra của đề tài KC-09-12 thì chỉ có một vài điểm thuộc khu vực quần đảo Bái Tử Long và Hạ Long có thể tổ chức nuôi đặc sản mặc dù chất lượng môi trường nước và chất đáy ngoài đảo khá cao.

Số liệu điều tra hiện trạng kinh tế - xã hội hệ thống đảo ven bờ Vịnh Bắc Bộ cho thấy những năm đổi mới kinh tế các đảo chuyển biến chậm. Mức sống của nhân dân còn thấp, thu nhập bình quân đầu người dưới 150.000đ/người/tháng. Số hộ nghèo còn nhiều (khoảng 20%- 30%) chủ yếu là dân kinh tế mới. Rất ít hộ giàu, các hộ này thường làm nghề dịch vụ thương mại, họ là những người nhập cư tự do, có vốn, có phương tiện giao thông.

Môi trường trên đảo và vùng nước xung quanh đảo không được kiểm soát bị ô nhiễm nghiêm trọng do các chất thải hữu cơ và dầu là chính. Thảm rừng bị khai thác quá mức, xuất hiện nhiều diện tích đồi núi trọc, mặc dù đã có các dự án trồng rừng. Mức độ suy thoái rừng ở các đảo thuộc Vịnh Bắc Bộ lớn hơn nhiều lần các đảo phía Nam. Mức sống và khả năng phát triển của nhân dân vùng đảo phía Nam cũng cao hơn.

Kinh tế - sinh thái và du lịch mang tính chất nền kinh tế thị trường “phát triển”. Trong đó dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn. Kinh tế nông nghiệp ở đây phải hiểu là kinh tế - sinh thái vườn qui mô hộ gia đình. Kinh tế thủy sản là khai thác - nuôi trồng ở qui mô nhỏ, thị trường là khách vãng lai và cư dân địa phương. Giá trị hàng hóa loại này được nhân lên nếu công nghệ chế biến và người tiêu thụ là khách du lịch. Dân số sống thường xuyên trên đảo phải hạn chế ở mức cho phép, phụ thuộc vào nhu cầu lao động và nguồn nước sạch được cung cấp.

Trên một diện tích nhỏ hẹp, sức chịu tải của môi trường có hạn; việc phát triển kinh tế - xã hội phải được tính toán, cân nhắc, đừng làm mất đi những giá trị vật chất và văn hóa tinh thần mà thiên nhiên ban tặng. Mô hình kinh tế - sinh thái và du lịch đòi hỏi trình độ khoa học công nghệ cao, vốn lớn nhưng hiệu quả kinh tế cao, thu hút nhiều lao động. Cần phải ưu tiên các doanh nghiệp có vốn đầu tư phát triển.

Dân trí của cư dân trên đảo thấp, để đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - sinh thái và du lịch cần phải coi trọng công tác đào tạo kỹ thuật, giáo dục nhận thức về môi trường sinh thái. Việc giao quyền sở hữu trực tiếp cho dân quản lý tài nguyên đảo là giải pháp tốt nhất đảm bảo phát triển bền vững.

Đất liền trở nên chật hẹp, năng lượng khan hiếm, các hệ sinh thái bị suy thoái, môi trường trở nên quá tải. Biển và đại dương đang là miền đất hứa. “Thế kỷ XXI là thế kỷ của đại dương”.

GS.TS Lê Đức Tố (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội)

Theo my.opera.com