Hoạt động khai thác hải sản ở quần đảo Trường Sa không chỉ đáp ứng nhu cầu thực phẩm của bộ đội đóng trên đảo mà còn nguồn là nguồn thu nhập đáng kể của ngư dân. Viện Tài nguyên và Môi trường Biển vừa công bố kết quả bước đầu nghiên cứu về hiện trạng các rạn san hô do hoạt động khai thác hải sản trong vùng biển đảo Nam Yết thuộc quần đầo Trường Sa trong 2 năm 2006 – 2007.
Kết quả nghiên cứu cho thấy các hoạt động khai thác hải sản trên rạn là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới sự thay đổi trong cấu trúc quần xã các rạn san hô: giảm sút về mật độ và trữ lượng; thay đổi về phân bố và tập tính của loài.
Cụ thể, mật độ của nhóm cá kinh tế suy giảm rất nhanh, từ 35% – 45%, trong vòng 2 năm 2006 – 2007. Nhóm cá chỉ thị cho sức khoẻ của rạn san hô như các họ cá bướm Chaetodontidae và cá thia Pomacentridae có xu thế phân bố xuống vùng rạn sâu hơn (10 – 12m), đồng thời cũng giảm sút về mật độ trong quần thể. Đó là tác động trực tiếp. Mặt khác, các hoạt động khai thác hải sản đã làm mất đi các nhóm sinh vật là địch hại của sao biển gai (Acanthaster planci - kẻ thù của san hô) như cua sống trong san hô, ốc tù và, cá bò da dẫn tới sự bùng phát của nhóm sinh vật ăn san hô nguy hại này, làm cho san hô bị chết trắng hàng loạt. Việc mất đi của nhóm san hô tạo rạn – habitat quan trọng của các sinh vật sống kèm khác là một trong những nguyên nhân chính làm cạn kiệt nguồn lợi sinh vật quanh đảo Nam Yết. Đó là tác động gián tiếp.
Vì vậy, báo cáo kiến nghị cần có những biện pháp quản lý việc khai thác hải sản trên rạn của ngư dân trong chủ trương đánh bắt hải sản xa bờ nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững nguồn lợi sinh vật biển nước ta.
Hoàng Ánh Phượng (Theo Tạp chí Biển, số 12/2008, thiennhien.net)