Ngày 12/4/2013, Viện Nghiên cứu Hải sản đã tổ chức hội thảo triển khai đề tài độc lập cấp nhà nước “Nghiên cứu công nghệ sản xuất thực phẩm chức năng từ tảo Nannochloropsis oculata”.

 

Hội thảo có sự tham dự của các nhà khoa học, các chuyên gia đến từ Viện Thực phẩm Chức năng, Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ Sau thu hoạch, Trường đại học Nông nghiệp Hà Nội, Trường đại học Dược Hà Nội và Viện Nghiên cứu Hải sản.

Sau khi chủ nhiệm đề tài trình bày kế hoạch tổng thể triển khai đề tài và các trưởng nhóm trình bày kế hoạch chi tiết triển khai từng nội dung, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi và đóng góp những ý kiến thiết thực cho từng nội dung của đề tài như: công tác sưu tập, lựa chọn giống, công nghệ nuôi tảo đạt mật độ cao, công nghệ thu hồi tảo, các vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo sản phẩm đề tài đủ tiêu chuẩn thực phẩm chức năng. Các ý kiến thảo luận là cơ sở quan trọng để nhóm thực hiện đề tài lựa chọn giải pháp tốt nhất, tối ưu hoá các nguồn lực để đảm bảo sự thành công của đề tài.

Hai mục tiêu quan trọng cần đạt của đề tài là phải có được công nghệ nuôi tảo N. oculata cho mật độ cao và giá thành hợp lý, đồng thời phát triển được công nghệ thu hồi sinh khối tảo hiệu quả, đủ tiêu chuẩn làm thực phẩm chức năng. Để giải quyết vấn đề nuôi sinh khối, đề tài dự kiến sẽ triển khai song song cả hai phương pháp là (1) nuôi công nghiệp và (2) nuôi đơn giản cải tiến. Nuôi công nghiệp sẽ được thực hiện tại trụ sở chính của Viện Nghiên cứu Hải sản, sử dụng hệ thống BioFence và một số hệ thống photobioreactor tự tạo. Hướng nuôi đơn giản sẽ được thực hiện tại Trạm Nuôi trồng Thuỷ sản nước lợ Quý Kim với định hướng cải tiến một số phương pháp nuôi hiện tại cả theo hướng vật liệu và phương pháp để nâng cao mật độ tảo và đạt tiêu chuẩn thực phẩm chức năng. Để thu sinh khối đạt hiệu quả cao, nhiều phương pháp thử nghiệm thu hồi sinh khối như ly tâm, kết bông, điện ly… sẽ được áp dụng. Các phương pháp làm khô tạo tảo bột như sấy phun, đông khô, sấy thường… sẽ được thử nghiệm để lựa chọn phương pháp tối ưu thu tảo bột. Tảo thành phẩm sẽ được giám sát chất lượng để đảm bảo an toàn cho người và có giá trị thực phẩm chức năng.

Đề tài do TS. Nguyễn Văn Nguyên làm chủ nhiệm, được triển khai trong 36 tháng (12/2012-11/2015), với mục tiêu là đưa ra được quy trình sản xuất thực phẩm chức năng từ tảo N. oculata với và 100 kg thực phẩm chức năng từ tảo bột.

Lưu Xuân Hòa