Ngày 3 - 4/10/2011, tại Hải Phòng, Viện Nghiên cứu Hải sản (RIMF) phối hợp với Ủy ban nghề cá Trung - Tây Thái Bình Dương (WCPFC) và Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tổ chức “Hội thảo triển khai Dự án điều tra tổng thể nguồn lợi hải sản biển Việt Nam và phương pháp đánh giá nguồn lợi hải sản”. Tham dự Hội thảo có TS. Chu Tiến Vĩnh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản; TS. Phạm Trọng Yên – Phó Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; PGS.TS. Nguyễn Xuân Huấn – Chủ nhiệm Khoa sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; đại diện WWF, Tổng cục Thủy sản, Cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Phú Yên; Ban Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Hải sản, các chuyên gia đầu ngành và các cán bộ nghiên cứu của các phòng chuyên môn trực thuộc Viện. ThS. Phạm Huy Sơn, Phó Viện trưởng phụ trách Viện phát biểu khai mạc Hội thảo.

 

Dự án “Điều tra tổng thể hiện trạng và biến động nguồn lợi hải sản biển Việt Nam” thuộc dự án “Điều tra tổng thể đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy, hải sản biển Việt Nam; xây dựng hệ thống các khu bảo tổn biển phục vụ phát triển bền vững” (Đề án 47) đã được phê duyệt thực hiện. Mục tiêu của dự án nhằm đánh giá được tổng thể hiện trạng, biến động nguồn lợi hải sản và nghề cá ở biển Việt Nam một cách hệ thống làm cơ sở khoa học cho việc quy hoạch, quản lý, sử dụng hợp lý và dự báo ngư trường khai thác góp phần phát triển bền vững nguồn lợi và nghề cá. Tổng kinh phí thực hiện dự án là 179 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ 9/2011 đến 12/2015.
Tại Hội thảo, chủ nhiệm dự án – ThS. Nguyễn Viết Nghĩa, giới thiệu chung về dự án và kế hoạch triển khai. Hội thảo cũng đã trình bày các vấn đề về phương pháp đánh giá nguồn lợi như: động lực học quần thể và đánh giá nguồn lợi; dữ liệu cần thiết cho việc đánh giá nguồn lợi hải sản; sinh sản, sinh trưởng và mức tử vong của cá; tính lựa chọn của ngư cụ khai thác và khả năng đánh bắt; sử dụng mô hình đánh giá nguồn lợi; sử dụng bộ chỉ số trong quản lý nguồn lợi và nghề cá; đánh giá rủi ro đối với sinh thái từ hoạt động nghề cá; TUMAS – Công cụ đánh giá nghề cá của WCPFC.

 

 

 

Các chuyên gia tư vấn và các đại biểu tham dự Hội thảo đã thảo luận, góp ý cho dự án về: đối tượng, thời gian, phạm vi, địa điểm thu mẫu, phương án triển khai, phương pháp áp dụng. TS. Nguyễn Quang Hùng – Phó Viện trưởng, đại diện Ban Lãnh đạo Viện phát biểu bế mạc Hội thảo và đề nghị dự án tiếp thu ý kiến đóng góp, tư vấn của các chuyên gia và các đại biểu để xây dựng kế hoạch thực hiện dự án.
 

 

N.T.Tỉnh