Ngày 26/3/2015, Viện Nghiên cứu Hải sản đã tổ chức Hội thảo “Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghề cá biển”, nhằm đánh giá tình hình hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghề cá biển và định hướng phát triển trong giai đoạn tới.
Đại biểu tham dự Hội thảo có ông Tô Việt Châu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế, Tổng cục Thủy sản, đại diện các cơ quan, tổ chức, như: Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản (VIFEP), Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I (RIA1), Viện Tài nguyên và Môi trường biển (IMER), Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD) cùng toàn thể Lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của Viện Nghiên cứu Hải sản.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã lần lượt trình bày các tham luận về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghề cá biển của Viện Nghiên cứu Hải sản, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I (RIA1), Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD), Tổng cục Thủy sản (DFISH), Vụ Hợp tác Quốc tế Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (ICD/MARD). Các thảo luận tập trung vào các vấn đề: i) đánh giá quá trình hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghề cá biển; ii) cơ hội, thách thức đối với hợp tác quốc tế; iii) định hướng, giải pháp thúc đẩy hợp tác quốc tế; iv) chia sẻ kinh nghiệm xúc tiến hợp tác quốc tế; và v) mạng lưới hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghề cá biển.
Về thành tựu đạt được, hợp tác quốc tế đã thu hút nguồn đầu tư về kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến và nguồn tài chính đáng kể giúp phát triển ngành thủy sản trong những năm qua.
Hội thảo đã phân tích rõ những cơ hội xúc tiến hợp tác quốc tế trong giai đoạn hiện nay, cụ thể gồm: i) Định hướng chiến lược phát triển kinh tế biển và đề án hợp tác quốc tế về biển đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ; ii) Xu thế hội nhập quốc tế: Hiệp định thương mại tự do (FTA); Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TTP); iii) Hợp tác cùng phát triển…
Bên cạnh đó, những thách thức đối với hợp tác quốc tế trong giai đoạn tới cũng được đề cập đến: i) Sự bất ổn định ở Biển Đông; ii)Khoảng cách lớn giữa Việt Nam với thế giới về trình độ KHCN; rào cản ngôn ngữ/kỹ thuật; iii) Bẫy thu nhập trung bình; iv) Năng lực kết nối hợp tác còn hạn chế…
Về các giải pháp, cần thay đổi tư duy và phương thức quản lý để chủ động tham gia cuộc chơi và tuân thủ luật chơi chung; xây dựng hình ảnh/thương hiệu; xây dựng mạng lưới hợp tác quốc tế và tăng cường trao đổi thông tin; nâng cao năng lực khoa học công nghệ (năng lực vừa là kết quả, vừa là kết quả vừa là điều kiện để hội nhập quốc tế); đa phương và đa dạng hóa các hình thức hợp tác quốc tế.
Các đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm, cách thức xúc tiến hợp tác quốc tế phù hợp với các đối tác khác nhau.
Kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Quang Hùng đã khẳng định: i) Hợp tác quốc tế đóng vai trò là động lực cho sự phát triển, đáp ứng mục tiêu tái cơ cấu ngành, yêu cầu hội nhập với khu vực và thế giới; ii) để phát triển hợp tác quốc tế, chúng ta cần xây dựng mạng lưới hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghề cá biển với những cam kết mạnh mẽ của các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là sự hỗ trợ của Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản; iii) thay đổi tư duy và cách làm để từng bước nâng cao hiệu quả của các hoạt động hợp tác quốc tế.
Đồng chí Nguyễn Quang Hùng đã thay mặt cho Viện Nghiên cứu Hải sản trân trọng cảm ơn toàn thể các quý vị đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp ý kiến quý báu để Hội thảo thành công tốt đẹp.
Đoàn Thu Hà