Ngày 2/4/2015 tại Thừa Thiên Huế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức "Hội nghị tổng kết khai thác cá vụ Bắc năm 2014-2015 kế hoạch triển khai khai thác cá vụ nam 2015”.
Ngày 2/4/2015 tại Thừa Thiên Huế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức "Hội nghị tổng kết khai thác cá vụ Bắc năm 2014-2015 kế hoạch triển khai khai thác cá vụ nam 2015”. Hội nghị dưới sự chủ trì của ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và ông Phan Ngọc Thọ, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế. Hội nghị đã có sự tham dự của Tổng cục Thuỷ sản (Vụ Khai thác thuỷ sản, Vụ Kế hoạch – Tài chính, Trung tâm Thông tin thuỷ sản, Trung tâm Đăng kiểm tàu cá), các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Viện Nghiên cứu Hải sản, Viện Kính tế và Quy hoạch thuỷ sản), các Bộ Tài chính, Quốc phòng, Công An, các sở Nông nghiệp, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản 28 tỉnh/thành phố ven biển.
Hình ảnh tại Hội nghị
Tổng cục Thuỷ sản (Vụ Khai thác thuỷ sản) đã tổng kết tình hình khai thác cá vụ Bắc năm 2014-2015, trong đó đã nêu được các kết quả nổi bật đồng thời phân tích những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện. Theo đánh giá của Tổng cục Thuỷ sản, tổng sản lượng khai thác hải sản vụ cá Bắc 2014-2015 đạt 1,297 triệu tấn (tăng 2,85% so với vụ các Bắc năm 2013-2014); Các địa phương có kết quả sản xuất tốt trong vụ cá Bắc gồm: Trà Vinh, Kiên Giang, Bến Tre, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Thái Bình,… Báo cáo cũng đánh giá một số kết quả khoa học – công nghệ về lĩnh vực nghề cá biển trong thời gian vừa qua, như: điều tra đánh giá nguồn lợi, dự báo ngư trường khai thác, công nghệ khai thác hải sản và bảo quản sản phẩm trên tàu câu tay, câu vàng, lưới vây, lưới rê, lưới kéo, chụp mực,… Về kế hoạch triển khai các hoạt động vụ cá Nam năm 2015, Tổng cục Thuỷ sản đã đưa ra các chỉ tiêu kế hoạch về sản lượng khai thác hướng tới 1,33 triệu tấn trong đó khai thác hải sản 1,23 triệu tấn; khai thác thuỷ sản nội địa đạt 0,1 triệu tấn.
Tại Hội nghị, Viện Nghiên cứu Hải sản đã trình bày báo cáo “Dự báo ngư trường khai thác vụ cá Nam 2015 và giới thiệu một số công nghệ khai thác hải sản” của Viện. Thực hiện chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Viện Nghiên cứu Hải sản đã từng bước nâng cao chất lượng dự báo ngư trường. Từ khi thành lập Trung tâm dự báo ngư trường khai thác, Viện Nghiên cứu Hải sản đã tập trung hoàn thiện các quy trình công nghệ dự báo ngư trường dựa vào các cấu trúc hải dương, bao gồm: quy trình dự báo ngư trường khai thác hạn ngắn (quy mô tháng, quy mô 10 ngày); quy trình dự báo ngư trường khai thác hạn dài theo mùa vụ. Viện Nghiên cứu Hải sản đã kiện toàn các cơ sở dữ liệu về hải dương học và nghề cá biển phục vụ cho việc dự báo ngư trường khai thác. Hiện nay, Viện đã xây dựng các bản tin dự báo ngư trường khai thác (theo mùa vụ, tháng, và quy mô 10 ngày) cho 4 loại nghề chủ yếu: lưới rê, câu cá ngừ đại dương, chụp mực, lưới vây. Về chất lượng, các bản tin dự báo ngư trường đã bước đầu được cải thiện. Theo đánh giá, so sánh giữa dự báo và thực tiễn khai thác, số lượng khu ô dự báo ngư trường có chất lượng đạt yêu cầu trở lên đạt tới trên 63%, trong đó số khu ô đạt mức chất lượng tốt đạt khoảng 22%. Về phát hành, Viện đã phối hợp với TCTS để đa dạng hoá các hình thức phát hành các bản tin dự báo ngư trường: thông qua các trang tin điện tử của Tổng cục thuỷ sản: (http://www.fistenet.gov.vn); Viện nghiên cứu Hải sản (http://www.rimf.org.vn); Đài duyên hải (tại tần số 8249 kHz, phát vào lúc 7:05, 12:05 và 19:05 hàng ngày); Đài tiếng nói Việt Nam (phát vào lúc 5:00, tần số 9530 kHz); Bản in khổ A4 các dự báo thông qua các Chi cục khai thác và mạng lưới cộng tác viên.
Viện nghiên cứu Hải sản cũng đã giới thiệu một số công nghệ khai thác hải sản của Viện trong thời gian qua, bao gồm: chụp mực 4 tăng gông; lưới kéo đôi cho cỡ tàu 300 CV phù hợp với vùng biển xa bờ; lưới vây khơi khai thác cá ngừ; nghề câu tay/câu vàng khai thác cá ngừ đại dương; lưới rê hỗn hợp; khai thác và vận chuyển cá ngừ đại dương giống; mô hình dịch vụ hậu cần cho nghề khai thác hải sản xa bờ ở vùng biển miền Trung; giải pháp nâng cao chất lượng cá ngừ đại dương trên tàu câu tay; khai thác cá ngừ bằng lưới vây đuôi ở vùng biển Việt Nam. Các công nghệ, tiến bộ kỹ thuật này đã được chuyển giao cho nhiều địa phương và đã góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động khai thác ở các địa phương.
Hội nghị đã thảo luận về các vấn đề liên quan đến việc triển khai thực hiện Nghị định 67. Các đại biểu đã nêu ra những hạn chế tồn tại và đóng góp ý kiến nâng cao hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67 và các văn bản quản lý liên quan.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã đánh giá chung: Vụ cá Bắc diễn ra thuận lợi hơn so với vụ cá Nam trước đó; tình hình trên biển Đông có ổn định hơn, giá xăng dầu giảm; cá xuất hiện nhiều hơn, ngư dân khai thác tốt hơn; ngư dân yên tâm bám biển; sản lượng tăng khoảng 3%; một số tiến bộ kỹ thuật đã tốt hơn; dự báo ngư trường mặc dù còn chưa đáp ứng hoàn toàn nhưng đã tiếp cận và có những giải pháp tốt hơn nhiều; đề án sản xuất cá ngừ theo chuỗi đã có hiệu quả tích cực; việc thực hiện các cơ chế chính sách theo Nghị định 67 đã được triển khai đồng bộ, bước đầu đạt được hiệu quả.
Thứ trưởng cũng đã chỉ ra những tồn tại: các tiến bộ khoa học còn chưa ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn sản xuất; dự báo ngư trường cần phải cải tiến nhiều hơn; các chính sách còn chưa đến được với dân, cần tiếp tục triển khai quyết liệt hơn. Bối cảnh hiện nay, tình hình thời tiết, khí hậu có nhiều biến động: số cơn bão có thể ít đi nhưng diễn biến khó lường, el-nino; các quy định, rào cản kỹ thuật: IUU, các quy định của ASEAN.
Thứ trưởng đã chỉ đạo triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ của vụ cá Nam năm 2015, trong đó tập trung vào một số vấn đề như sau:
1. Về khoa học công nghệ: Viện Nghiên cứu Hải sản cần thực hiện một số vấn đề sau: i) công bố kết quả điều tra nguồn lợi và hướng dẫn các địa phương để áp dụng vào sản xuất; ii) tiếp tục cập nhật các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất về dự báo ngư trường; iii) Phối hợp với Tổng cục Thuỷ sản ban hành văn bản hướng dẫn sử dụng các thông tin dự báo ngư trường cho ngư dân; iv) tăng cường công tác phát hành thông tin dự báo ngư trường; v) tổ chức hội nghị chuyên đề đánh giá hiện trạng về những công nghệ đang áp dụng trong khai thác, bảo quản, đặc biệt là cải tiến được các nghề hiện nay để giảm thiểu lao động và nâng cao năng suất lao động; vi) phối hợp với khuyến ngư bám sát thực tiễn của ngư dân để chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật cho ngư dân;
2. Về cơ chế, chính sách: Tổng cục Thuỷ sản và các địa phương cần rà soát lại danh mục các chính sách hiện có để áp dụng và đề xuất sửa đổi bổ sung các chính sách bất hợp lý.Tổng cục Thuỷ sản cần có hướng dẫn các các địa phương quản lý các tàu công suất >300 CV và định hướng tàu đóng mới tàu công suất >400 CV. Về thực hiện đề án tái cơ cấu ngành thuỷ sản, Tổng cục Thuỷ sảnphối hợp với tỉnh Bình Định, Phú yên, Khánh Hoà tiếp tục thực hiện tốt đề án sản xuất cá ngừ theo chuỗi; phối hợp với tỉnh Bình Thuận, Thừa Thiên – Huế tổng kết mô hình phân cấp quản lý các vùng biển chi tiết của Nghị định 33;
3. Về thực hiện Nghị định 67: Tổng cục Thuỷ sản phối hợp với các địa phương tập hợp toàn bộ các vướng mắc trong quá trình triển khai ở các địa phương: máy mới, cũ, giá thành, bảo hiểm,…; Hiện nay, việc triển khai Nghị định 67 mới chỉ quan tâm đến tàu đóng mới mà chưa quan tâm nhiều đến nâng cấp các đội tàu; Nhiều vấn đề đặc biệt là tín dụng ngắn hạn để giảm phụ thuộc vào nậu vựa của ngư dân; chính sách đào tạo. Tổng cục Thuỷ sản cần chủ trì sơ kết thực hiện Nghị định 67 để đánh giá những kết quả đã đạt được, các vấn đề vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ.
Nguyễn Viết Nghĩa