Ngày 15-17/6 tại Viện Nghiên cứu Hải sản, Hải Phòng đã diễn ra Cuộc họp lần thứ 2 Nhóm công tác khoa học về đánh giá trữ lượng cá ngừ ven bờ ở vùng biển Đông Nam Á do Tổng cục Thuỷ sản phối hợp với Trung tâm Phát triển Nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC) đồng tổ chức.

Cuộc họp có sự tham dự của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ các nước ASEAN (Malaysia, Thailand, Cambodia, Brunei, Indonesia, Philippines, Myanmar, Việt Nam), Ban Quản lý và Phát triển nguồn lợi thuỷ sản SEAFDEC (MFRDMD), Ban Đào tạo SEAFDEC (TD), Ban Thư ký SEAFDEC và các chuyên gia Nhật Bản.
Với tư cách là nước tổ chức Cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Phạm Anh Tuấn có bài diễn văn khai mạc Cuộc họp nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn lợi cá ngừ đối với sinh kế của cộng đồng ven biển, tạo cơ hội việc làm và thu nhập cho người dân, đảm bảo khai thác nguồn lợi cá ngừ bền vững. TS. Nguyễn Quang Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải sản đã có bài phát biểu chào mừng các đại biểu tham dự Cuộc họp.
Mục đích của Cuộc họp là nhằm trao đổi kiến thức, kinh nghiệm trong việc quản lý, đánh giá trữ lượng cá ngừ ven bờ ở vùng biển các nước Đông Nam Á cũng như vai trò của SEAFDEC và các nước thành viên ASEAN trong việc sử dụng bền vững nguồn lợi cá ngừ ven bờ.
Nội dung Cuộc họp:
1. Cuộc họp đã nghe báo cáo kết quả cuộc họp Hội đồng SEAFDEC lần thứ 47 về Điều khoản tham chiếu cho Nhóm công tác khoa học đối với việc đánh giá trữ lượng cá ngừ ven bờ và kế hoạch hành động khu vực về sử dụng bền vững nguồn lợi cá ngừ ven bờ ở vùng biển các nước Đông Nam Á
2. Cuộc họp đã thảo luận về kế hoạch hành động khu vực nhằm giải quyết các vấn đề về quản lý nguồn lợi cá ngừ ven bờ bao gồm cải thiện việc thu thập và phân tích số liệu cá ngừ ven bờ, đánh giá trữ lượng cá ngừ; Nâng cao việc quản lý hoạt động khai thác thuỷ sản bền vững; Cải thiện sự tương tác bền vững giữa thủy sản và các hệ sinh thái biển; Tuân thủ các quy định  liên quan đến chống đánh bắt bất hợp pháp (IUU fishing), cải thiện cơ sở hạ tầng cảng cá, công nghệ xử lý sau thu hoạch, chất lượng sản phẩm; Giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến lợi ích của ngư dân, điều kiện làm việc; Hợp tác khu vực trong việc quản lý nguồn lợi cá ngừ.
3. Cuộc họp cũng thảo luận về quy trình thu thập và bảo quản mẫu mô DNA; Quy trình thu thập và phân tích số liệu cá ngừ ven bờ và việc ưu tiên xây dựng năng lực thu thập số liệu giúp các nước thành viên ASEAN thực hiện kế hoạch hành động khu vực về sử dụng bền vững nguồn lợi cá ngừ ven bờ.
4. Cuộc họp rà soát lại các điểm thu mẫu để đánh giá trữ lượng và thống nhất thu mẫu tại 24 điểm và 50 mẫu cho mỗi điểm trong đó Việt Nam có 4 điểm thu mẫu gồm: Nghệ An, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Kiên Giang.
5. Cuộc họp đã xác định cá ngừ vây dài (LOT) và cá ngừ chấm (KAW) là các loài chính để thực hiện đánh giá trữ lượng trong giai đoạn 2015-2016.
6. Đại biểu đại diện cho các nước tham dự Cuộc họp đã trình bày báo cáo về thực trạng khai thác cá ngừ ven bờ và số liệu khai thác các loại cá ngừ.
7. Cuộc họp đã thảo luận và thống nhất về đường hướng hành động như sau: Đề xuất việc thu mẫu và phân tích mẫu bắt đầu thực hiện từ tháng 8/2015 -5/2016; Đánh giá trữ lượng cá ngừ vây dài và cá ngừ chấm bắt đầu từ tháng 7/2015 - 8/2016; Đào tạo về tiêu chuẩn hoá CPEU và SA từ tháng 4-8/2016…

          Cuộc họp lần thứ 2 Nhóm công tác khoa học về đánh giá trữ lượng cá ngừ ven bờ ở vùng biển Đông Nam Á tổ chức tại Viện đã giúp tăng cường hợp tác khu vực nhằm sử dụng bền vững nguồn lợi cá ngừ ven bờ. Cuộc họp đã tạo điêu kiện để các nước ASEAN chia sẻ thông tin về thực trạng cá ngừ ven bờ trong khu vực cũng như kinh nghiệm của SEAFDEC và tổ chức đối tác trong việc đánh giá trữ lượng cá ngừ ven bờ, đây chính là cơ sở để quản lý nguồn lợi cá ngừ.

Doan Thu Ha